Gia đình ông Phạm Hồng Kỳ ở xóm Thừa Tiên, xã Yên Đồng (Yên Mô, Ninh Bình) từ khi chuyển đổi hơn 1 mẫu đất sản xuất lúa kém hiệu quả sang trồng tràm năm gân (tràm Úc) đã gia tăng đáng kể thu nhập.
Ông Kỳ chia sẻ, khu đồng xóm Thừa Tiên trước đây người dân chủ yếu trồng lúa. Tuy nhiên do chân đất trũng, thường xuyên ngập úng nên việc canh tác gặp rất nhiều khó khăn, tốn kém chi phí mà hiệu quả mang lại không cao.
Khi nắm bắt được thông tin các thành viên HTX Dược liệu Đông Sơn (xã Đông Sơn, thành phố Tam Điệp, Ninh Bình) trồng thành công cây tràm năm gân làm nguyên liệu chiết xuất tinh dầu trên chân đất trũng, ông Kỳ đã cùng một số hộ trong vùng tìm đến tham quan, học tập kinh nghiệm.
Sau khi tham quan, các thành viên trong đoàn đã mạnh dạn lên kế hoạch liên kết với HTX Dược liệu Đông Sơn đưa giống tràm năm gân về trồng thử nghiệm. Nhờ quá trình học hỏi và nghiêm túc tiếp thu kỹ thuật, khi xuống giống, toàn bộ diện tích tràm nhanh chóng bén rễ, sinh trưởng và phát triển tốt, bất chấp khu trồng thường xuyên bị nước dâng ngập gốc. Sau gần 2 năm, các diện tích trồng thử đã cho thu hoạch. HTX Dược liệu Đông Sơn thu mua toàn bộ sản phẩm.
Từ đầu năm 2024, được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông tỉnh Ninh Bình và chính quyền địa phương, diện tích trồng tràm năm gân của các hộ tại xã Yên Đồng từng bước được mở rộng. Những diện tích trồng thử nghiệm trước đó có thêm nguồn lực chăm sóc lại càng thuận lợi phát triển.
Theo ông Kỳ, tràm năm gân có bộ rễ khỏe, ăn sâu, đan xen nhau phía dưới mặt đất nên khả năng chống đổ và ngập úng rất tốt. Bên cạnh đó, nhờ lượng tinh dầu dồi dào nên cây rất ít sâu bệnh. Ở giai đoạn cây non chỉ lác đác xuất hiện sâu cuốn lá, tuy nhiên thời gian sâu tồn tại trên cây không lâu vì khi ăn phải tinh dầu sẽ tự chết, người trồng không cần can thiệp bằng thuốc BVTV.
Về hiệu quả kinh tế, trung bình 1 sào trồng được khoảng 500 cây. Sau khoảng 20 - 24 tháng là có thể hoạch lá lần đầu, sau đó khai thác hàng năm. Năng suất thu được khoảng 1,5 tấn/sào (sào 360m2). HTX Dược liệu Đông Sơn thu mua toàn bộ với giá 3.500 đồng/kg, sau khi trừ chi phí chăm sóc khoảng 8 - 9 triệu đồng/mẫu, người trồng có lãi khoảng 45 triệu đồng/mẫu (10 sào).
Ông Nguyễn Minh Tuân, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Ninh Bình chia sẻ, việc chuyển đổi diện tích sản xuất lúa kém hiệu quả sang trồng tràm năm gân là hướng đi mới giúp nâng cao giá trị sản xuất và khắc phục tình trạng nông dân bỏ ruộng hoang.
Để có cơ sở vững chắc về khả năng nhân rộng của cây trồng này, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã phối hợp cùng HXT Dược liệu Đông Sơn triển khai mô hình thử nghiệm với quy mô 8ha tại xã Yên Đồng và Yên Thắng (huyện Yên Mô). Trong mô hình, Trung tâm hỗ trợ 50% giống, phân bón. HTX ký hợp đồng nguyên tắc với người dân thu mua trong vòng 10 năm.
Theo ông Tuân, tràm năm gân là cây trồng có khả năng thích ứng tốt trên nhiều chân đất. Cây trồng 1 lần thu hoạch nhiều năm nên người dân không tốn công chăm sóc. Do đó, những lao động nông nghiệp có đất khó canh tác, đất bỏ hoang và đã chuyển sang làm công nhân, dịch vụ vẫn có thể quay lại tận dụng quỹ đất nhàn rỗi trồng tràm năm gân để gia tăng thu nhập.
Theo Sở NN-PTNT Ninh Bình, căn cứ Quyết định số 467/QĐ-BNN-TT ngày 31/1/2024 của Bộ NN-PTNT về ban hành kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa toàn quốc năm 2024; dựa trên nhu cầu của các huyện, thành phố, Sở NN-PTNT Ninh Bình đã phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch số 77/QĐ-UBND về việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa tỉnh Ninh Bình năm 2024.
Theo đó, toàn tỉnh phấn đấu thực hiện chuyển đổi hơn 587ha (chuyển sang cây hàng năm hơn 70ha, chuyển sang cây lâu năm gần 80ha, chuyển sang trồng lúa kết hợp nuôi trồng thuỷ sản hơn 357ha).
Tính đến ngày 12/9, tổng diện tích toàn tỉnh đã thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa là hơn 210ha (các địa phương tiếp tục thực hiện đến hết năm 2024). Trong đó, diện tích chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cây hàng năm hơn 17ha, tập trung chủ yếu tại huyện Nho Quan và thành phố Tam Điệp. Cây trồng hàng năm đưa vào sản xuất gồm rau các loại như bí xanh, mướp, dưa chuột, cà chua, dưa lê, dưa bở, rau ăn lá, ngó khoai môn ngọt, cây sen, cây dược liệu hàng năm.
Diện tích chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cây lâu năm hơn 41ha, tập trung chủ yếu trên chân đất khô hạn, không chủ động nước tưới tại huyện Nho Quan, Hoa Lư. Diện tích chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng lúa kết hợp nuôi thủy sản hơn 152ha, tập trung chủ yếu trên chân đất 2 vụ lúa và đất 1 vụ lúa sâu trũng tại các huyện Nho Quan, Hoa Lư, Kim Sơn và thành phố Tam Điệp. Con nuôi thủy sản là các loại cá truyền thống như cá trắm, chép, chạch sụn… Giá trị sản xuất đạt 200 - 450 triệu đồng/ha/năm.