Thứ Bảy 02/07/2022 , 11:54 (GMT+7)
Để hộ trợ người dân, đặc biệt các hộ vùng đồng bào dân tộc thiểu số cải thiện thu nhập, Tiến sĩ Trương Bình Nguyên xây dựng chuỗi liên kết sản xuất nấm hữu cơ.
Tiến sĩ Nấm học Trương Bình Nguyên không chỉ là giảng viên tại Khoa Sinh học Trường Đại học Đà Lạt mà còn là Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nguyên Long chuyên sản xuất nấm hương , có địa chỉ tại xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương (Lâm Đồng). Trong hơn chục năm qua, Tiến sĩ Nguyên đã tổ chức chuỗi liên kết sản xuất nấm hương hữu cơ, giúp hàng chục hộ dân có điều kiện phát triển kinh tế.
Theo Tiến sĩ Trương Bình Nguyên, hiện nay công ty đang liên kết với hơn 20 hộ dân ở huyện Lạc Dương và một số hộ dân tại TP Đà Lạt để sản xuất nấm hữu cơ. "Việc sản xuất theo quy trình hữu cơ cần tuân thủ các tiêu chí rất ngặt nghèo. Do vậy, công ty đã chủ động xây dựng nhà máy sản xuất phôi nấm rộng 5.000m2. Gỗ dùng để làm phôi nấm cũng được công ty tuyển chọn, mua và thực hiện kiểm tra chất lượng trước khi nghiền để làm phôi", Tiến sĩ Trương Bình Nguyên chia sẻ.
Mùn cưa từ gỗ sau đó được trộn với cám lúa mì nhập khẩu và đóng thành các bọc nhỏ để làm phôi nấm. Trước khi cấy nấm, những bọc này sẽ được tiệt trùng bằng hệ thống hấp nhiệt hơi nước 100 độ C trong vòng 8 giờ.
Thực hiện theo quy trình hữu cơ nên các công đoạn đều phải tuân thủ quy trình nghiêm ngặt. Phôi sau khi cấy nấm sẽ được chuyển vào kho và "nuôi" trong nhiều tháng. Những phôi nấm đảm bảo chất lượng sẽ được chuyển giao cho các hộ dân liên kết tổ chức sản xuất.
Theo chị Bo Niêng K'Nhiên, dân tộc Cil (ngụ xã Đưng K'Nớ, huyện Lạc Dương, Lâm Đồng ), chị và những người thân trong gia đình được Tiến sĩ Trương Bình Nguyên hỗ trợ xây dựng mô hình sản xuất nấm hữu cơ từ năm 2020 với 3 nhà nấm. Đến nay mỗi nhà nấm (50m2) cho gia đình thu về 7 triệu đồng/tháng. "Ngày trước, gia đình phụ thuộc vào sản xuất cà phê nên khi giá cà xuống thấp, gia đình gặp nhiều khó khăn. Từ ngày sản xuất nấm hương, nguồn thu từ các nhà nấm ổn định nên kinh tế gia đình được cải thiện rất nhiều", chị K'Nhiên thổ lộ.
Đối với các hộ liên kết thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Tiến sĩ Trương Bình Nguyên hỗ trợ mọi mặt trong sản xuất và ký hợp đồng thu mua nấm thành phẩm từ 70.000-100.000 đồng/kg.
Theo người dân, khí hậu vùng Lạc Dương và Đà Lạt mát mẻ nên việc phát triển nấm hương thuận lợi. Để nấm sinh trưởng và đạt chất lượng, chủ nhà nấm sẽ thiết lập hệ thống tưới phun mưa trên mái nhà và tưới nước ở nền nhà nấm để đảm bảo độ ẩm. Việc tưới nước, duy trì nhiệt độ cũng được linh động và điều chỉnh để phù hợp với điều kiện thời tiết ngoài trời.
Gia đình liên kết với Công ty CP Nguyên Long sản xuất nấm hương với quy mô 4 nhà nấm (diện tích mỗi nhà 50m2) và theo quy trình hữu cơ. "Việc sản xuất hữu cơ phải tuân thủ nhiều quy định và vất vả hơn cách sản xuất thông thường. Bù lại cách sản xuất này cho ra sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng, đảm bảo sức khỏe cho người sản xuất và bảo vệ môi trường. Đặc biệt giá trị sản phẩm cũng tốt hơn", chị Nguyễn Thị Nghĩa, ngụ xã Đạ Nhim, huyện Lạc Dương, Lâm Đồng cho biết.
Theo chị Nguyễn Thị Nghĩa, gia đình nhập phôi nấm từ Công ty CP Nguyên Long với giá 12.000 đồng/phôi. Với điều kiện sản xuất hiện nay, mỗi phôi nấm cho thu hoạch từ 0,3-0,4kg/chu kỳ.
Chị Nguyễn Thị Nghĩa nói: "Nguồn sản phẩm nấm hữu cơ được tiêu thụ bởi Công ty CP Nguyên Long theo hợp đồng. Hiện nay, với 4 nhà nấm thì mỗi tháng gia đình có nguồn thu nhập trên 20 triệu đồng".
Hiện nay, Tiến sĩ Trương Bình Nguyên tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất phôi và xây dựng chuỗi liên kết sản xuất nấm hương hữu cơ ở vùng Lạc Dương và TP Đà Lạt . Đặc biệt tập trung hỗ trợ cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số để giúp người dân phát triển kinh tế. "Cùng với việc xây dựng, mở rộng sản xuất, chúng tôi thực hiện chế biến nấm để đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao giá trị và tiếp tục mở rộng thị trường", Tiến sĩ Trương Bình Nguyên nói và cho biết thêm, hiện nay, mỗi tháng công ty cung cấp ra thị trường trên 15 tấn nấm hương.
Minh Hậu