| Hotline: 0983.970.780

Chương trình Mục tiêu Quốc gia có tiền nhưng không dễ tiêu: [Bài 2] Tiền hỗ trợ như gió vào nhà trống

Thứ Ba 02/07/2024 , 06:00 (GMT+7)

Nguồn vốn các Chương trình Mục tiêu Quốc gia biết bao nhiêu cho đủ? Ở Quảng Trị, với nhiều lý do, nguồn vốn vẫn tắc và chậm đến tay đối tượng thụ hưởng.

Vì nghèo nên… không nhận hỗ trợ

Ngôi nhà của ông Hồ Văn Lứt, thôn Thuận 5, xã Thuận, huyện Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị) nằm chênh vênh trên một con dốc, cách đập tràn suối Giai chưa đến vài trăm bước chân. Đây là điểm có nguy cơ cao sạt lở vào mùa mưa.

Ngôi nhà của ông Lứt có nguy cơ sạt lở cao nhưng gia đình ông không dám nhận tiền hỗ trợ từ các Chương trình Mục tiêu Quốc gia vì không có đối ứng để xây nhà mới. Ảnh: Võ Dũng.

Ngôi nhà của ông Lứt có nguy cơ sạt lở cao nhưng gia đình ông không dám nhận tiền hỗ trợ từ các Chương trình Mục tiêu Quốc gia vì không có đối ứng để xây nhà mới. Ảnh: Võ Dũng.

Căn nhà vài ba chục mét vuông của gia đình ông Lứt cũng đã ọp ọep, dường như không đủ sức bảo đảm sự an toàn cho 7 nhân khẩu trong gia đình. Thế nhưng, đến khi được đưa vào diện hỗ trợ để xây dựng nhà mới, ông Lứt gạt nước mắt từ chối. 7 nhân khẩu chỉ trông chờ vào một ít đất trồng sắn, đi làm thuê, chạy ăn từng bữa, nếu vay thêm 40 triệu đồng nữa từ Ngân hàng Chính sách xã hội, không biết đến đời con ông có trả nổi không.

Bài liên quan

Hôm chúng tôi đến, nhà ông Lứt chỉ có mẹ già gần 100 tuổi ngồi nhìn ra từ ô cửa sổ. Vợ chồng, con cái ông Lứt, người đi làm thuê, người lên rẫy đến tối mới về. Một người hàng xóm thương tình cho gia cảnh của ông Lứt chia sẻ: “Nhà nước hỗ trợ được 40 triệu đồng để làm nhà mới trong khi nhà ông Lứt nghèo quá, không có tiền để di chuyển chỗ ở, bù vào xây nhà mới nên từ chối, chờ nguồn vốn khác được nhiều hơn. Ở lại đây thì nguy hiểm lắm, mùa mưa, nước dâng lên đến chân nhà sàn, đất phía bờ suối bị sạt lở ăn sâu vào”.

Chúng tôi tìm đến nhà mẹ đơn thân Pỉ Ta Lử tại thôn Thuận 5 nhưng không có ai ở nhà. Căn nhà dột nát, cọc chống nhà nghiêng ngả, xiêu vẹo; các bức phên che tứ phía cũng rách tả tơi. Đây là nơi trú ngụ của 5 nhân khẩu. Nhìn căn nhà gần như không còn một chỗ lành lặn, ai dám chắc, mẹ con chị Lử sẽ an toàn khi mưa bão xẩy ra. Tuy nhiên, cũng giống như gia đình ông Lứt, bà Lử từ chối nhận 40 triệu đồng hỗ trợ xây dựng nhà ở.

Ông Hồ A Pươn, Phó Chủ tịch UBND xã Thuận cho biết, ông Lứt bà Lử là hai trong số nhiều trường hợp tại địa phương từ chối nhận hỗ trợ xây nhà vì quá nghèo không có tiền đối ứng trong khi số tiền 40 triệu không đủ để xây nhà mới. Những ngôi nhà này, nếu chỉ nhận số tiền 20 triệu đồng để cải tạo thì không thấm tháp vào đâu.

Mẹ con bà Pỉ Ta Lử sống trong ngôi nhà xiêu vẹo, rách nát. Ảnh: Võ Dũng.

Mẹ con bà Pỉ Ta Lử sống trong ngôi nhà xiêu vẹo, rách nát. Ảnh: Võ Dũng.

“Chúng tôi có quyết định phân bổ vốn rồi nhưng phải làm lại tờ trình, chuyển sang cho hộ khác. Vì vậy, hồ sơ nhiều lần phải làm đi làm lại. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến nguồn vốn hỗ trợ chậm so với dự kiến”, ông Pươn cho hay.

Đói vàng mắt ra nghĩ gì đến nông thôn mới

Là xã điểm và theo kế hoạch, đến 2025, xã Thuận sẽ về đích nông thôn mới. Nhưng đến giữa năm 2024, địa phương này mới chỉ đạt 9/19 tiêu chí xã nông thôn mới. Đa phần người dân là đồng bào dân tộc thiểu số, phương thức canh tác lạc hậu, thiếu tư liệu sản xuất nên tỷ lệ hộ nghèo theo tiếp cận đa chiều của xã gần 41%; thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 26 triệu đồng/năm.

Mặc dù, những năm qua, các Chương trình Mục tiêu Quốc gia đã đến được với tay người dân nhưng dường như vẫn chưa thể bù lấp được khoảng trống mênh mông về cái nghèo đang là thực tế hiển hiện trước mắt.

Theo ông Hồ A Dung, Chủ tịch UBND xã Thuận (phải), nâng cao thu nhập cho người dân là bài toán khó. Ảnh: ĐT.

Theo ông Hồ A Dung, Chủ tịch UBND xã Thuận (phải), nâng cao thu nhập cho người dân là bài toán khó. Ảnh: ĐT.

“Cái cần nhất bây giờ là nâng cao thu nhập cho người dân nhưng rất khó”, ông Hồ A Dung, Chủ tịch UBND xã Thuận xác nhận.

Một số hộ dân có nhu cầu phát triển sản xuất nhưng việc giải ngân nguồn vốn các chương trình mục tiêu còn gặp rất nhiều khó khăn, liên kết sản xuất gần như không có. Vì thế, bộ mặt kinh tế của xã sắp về đích nông thôn mới không lấy gì sáng sủa.

Theo căn cước công dân vừa được cấp, Hồ Văn Phước, thôn Thuận 5 sinh năm 1980. Có lẽ, cuộc sống khắc khổ đã khiến người đàn ông là trụ cột trong gia đình có 7 miệng ăn già trước tuổi. Đất không sinh sôi nhưng nhân khẩu mỗi ngày một tăng khiến vài héc-ta đất trồng sắn của vợ chồng ông chia năm sẻ bảy khi con cái lập gia đình, ra ở riêng. Cái ăn vì thế ngày càng khó khăn, làm thuê bữa đực bữa cái khiến nhiều thời điểm gia đình ông chạy ăn từng bữa. Vợ chồng ông Phước chỉ ước nhanh chóng được cấp thêm tư liệu sản xuất, có thêm con bò, con dê để thay đổi cuộc sống cùng cực này.

“Nhà không có trâu bò, lợn gà gì hết. Chỉ có gần 1 ha sắn, năm được mùa thì thu về 30-40 triệu đồng. Năm mất mùa thì 15-20 triệu đồng thôi. Ngoài thời gian làm sắn thì vợ chồng, con cái đi làm thuê nhưng cứ đến mấy tháng mùa mưa, ít việc làm thêm nên cái ăn cũng khó khăn”, anh Phước buồn bã.

Đại diện UBND xã Thuận cho biết, theo kế hoạch, đợt này, gia đình ông Phước và một số hộ sẽ được cấp dê từ nguồn vốn phát triển sản xuất thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc gia Phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi chuyển sang từ năm 2023. Hiện nay, UBND xã Thuận đang hoàn thiện các hồ sơ để chuẩn bị mở thầu. Xã Thuận cũng được phân bổ nguồn vốn xây dựng nhà ở cho 18 gia đình trong các năm 2022-2023 nhưng địa phương này hiện mới chỉ giải ngân được 7 ngôi nhà.

Ông Hồ A Dung, Chủ tịch UBND xã Thuận thừa nhận, tiến độ giải ngân chậm ít nhiều ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế của địa phương. Nguyên nhân chậm tiến độ là do vướng mắc về mặt thủ tục. Ví dụ, xã được giao giải ngân 500 triệu đồng để cung cấp bò giống cho hộ nghèo nhưng khi trình lên tỉnh để được thẩm định thì tỉnh lại trả về huyện phê duyệt.

Cứ theo lời ông Dung thì mục tiêu cán đích nông thôn mới vào năm 2025 là xa vời bởi để tăng thêm thu nhập bình quân đầu người thêm 22 triệu đồng/người/năm trong khoảng thời gian 1 năm sắp tới gần như là không thể.

Cái đích đến NTM của xã Thuận còn quá xa vời. Ảnh: ĐT.

Cái đích đến NTM của xã Thuận còn quá xa vời. Ảnh: ĐT.

“Chậm tiến độ là do hồ sơ qua nhiều bước, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế của người dân. Xã Thuận hiện mới đạt 9 tiêu chí nông thôn mới. Các tiêu chí còn lại đều rất khó nhưng khó khăn nhất là tiêu chí thu nhập trong khi tại địa phương chưa có chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; chưa có hợp tác xã. Để về đích nông thôn mới đúng kế hoạch là hết sức khó khăn”, ông Dung dãi bày.

Tuy nhiên, ông Dung tin rằng, sau khi hiểu thông suốt từ các văn bản hướng dẫn thì địa phương có thể đã thực hiện tốt việc giải ngân và đã có nhiều khởi sắc. Khi nguồn hỗ trợ đến được tay người dân, sản xuất phát triển, đời sống sẽ được cải thiện phần nào.

Xem thêm
Tỉnh Phú Thọ còn 15.983 hộ nghèo

Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Phú Thọ do các hộ thiếu vốn sản xuất, kinh doanh, không có lao động, gia đình có người ốm đau, bệnh tật...

Người dân tự nguyện bàn giao mặt bằng thực hiện dự án đường cao tốc Bắc-Nam

Quảng Bình Người dân huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) đã tự nguyện bàn giao mặt bằng để thực hiện dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông, giai đoạn 2021-2025

Chương trình OCOP là 'cú hích' phát triển kinh tế vùng nông thôn

HẢI PHÒNG Chương trình OCOP và những sự hỗ trợ xung quanh như là một cú hích cực kỳ quan trọng để giúp cho nông dân nâng tầm giá trị sản phẩm của mình làm ra.