| Hotline: 0983.970.780

Chương trình Mục tiêu Quốc gia có tiền nhưng không dễ tiêu: [Bài 4] Mạo hiểm với vốn ngân sách và những rủi ro khó tránh khỏi

Thứ Năm 04/07/2024 , 07:05 (GMT+7)

QUẢNG TRỊ Có địa phương thực hiện thí điểm, giải ngân sớm nhưng không tránh khỏi những rủi ro. Hiệu quả từ việc giải ngân các nguồn vốn này cũng rất khó đo đếm.

Cầm đèn chạy trước ô tô

Tháng 10/2022, UBND huyện Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị) có quyết định phân bổ nguồn vốn cho các Chương trình Mục tiêu Quốc gia trên địa bàn. Theo đó, xã Tân Lập được hỗ trợ xây mới 6 ngôi nhà với tổng số tiền 240 triệu đồng; 1 hộ dân được hỗ trợ đất sản xuất.

Nhiều thời điểm cán bộ xã Tân Lập  rơi vào trạng thái bất an. Ảnh: Võ Dũng.

Nhiều thời điểm cán bộ xã Tân Lập  rơi vào trạng thái bất an. Ảnh: Võ Dũng.

Cán bộ xã Tân Lập rất phân vân bởi nếu giải ngân chậm sẽ khó thúc đẩy phát triển sản xuất; tốc độ giảm nghèo vì thế cũng sẽ chững lại. Nhưng nếu “cầm đèn chạy trước ô tô”, nguy cơ lệch “đường ray” rất lớn.

Bài liên quan

“Các hướng dẫn về thanh quyết toán hỗ trợ xây dựng nhà ở chưa rõ nên chúng tôi rất phân vân. Nếu hiểu một cách đơn thuần, việc hỗ trợ xây dựng nhà ở chỉ thực hiện được khi người dân có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Trong khi đó, ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đa phần chưa có chứng nhận quyền sử dụng đất, họ cũng chưa quan tâm đến vấn đề này. Nếu máy móc như thế thì việc hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở sẽ rất khó”, ông Nguyễn Văn Nhuận, Chủ tịch UBND xã Tân Lập chia sẻ.

Nhưng sau khi đi thực tế tại một số tỉnh phía Bắc, UBND xã Tân Lập tổ chức họp bàn với bộ phận tham mưu và chọn 1 hộ dân đủ khả năng đối ứng để hỗ trợ xây dựng nhà ở.

Ngày 19 tháng 8/2023, căn nhà xây trên thửa đất chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của ông Hồ Dê tại bản Làng Vây khởi công và hoàn thành sau đó 1 tháng. Tổng kinh phí xây dựng hết 120 triệu đồng.

Khi xây xong nhà cho ông Dê cũng là thời điểm có những hướng dẫn cụ thể về giải ngân nguồn vốn hỗ trợ xây dựng nhà ở. Các hộ nằm trong diện được hỗ trợ, nếu thực tế sử dụng đất ổn định, không có tranh chấp, phù hợp quy hoạch, nếu chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũng sẽ được giải ngân. Lúc này, cán bộ xã Tân Lập thở phào nhẹ nhõm.

Sau căn nhà của ông Hồ Dê, lần lượt 5 ngôi nhà khác tại xã Tân Lập đã được hỗ trợ xây mới. Nhiều dự án thuộc nguồn vốn chương trình Mục tiêu Quốc gia tại xã Tân Lập cũng đã thực hiện trôi chảy. Tân Lập là một trong những xã giải ngân dự án cấp bò giống từ nguồn vốn phát triển sản xuất sớm nhất của huyện Hướng Hóa. Nhiều địa phương tại huyện Hướng Hóa đã đến Tân Lập để học hỏi kinh nghiệm triển khai các Chương trình Mục tiêu Quốc gia.

Ông Hồ Lão (trái) nhận được nguồn hỗ trợ phù hợp với điều kiện chăm sóc của người đồng bào để vật nuôi sinh trưởng, phát triển. Ảnh: ĐT. 

Ông Hồ Lão (trái) nhận được nguồn hỗ trợ phù hợp với điều kiện chăm sóc của người đồng bào để vật nuôi sinh trưởng, phát triển. Ảnh: ĐT. 

Tính đến cuối tháng 5/2024, về cơ bản, Tân Lập đã giải ngân được hầu hết nguồn vốn thuộc các chương trình Mục tiêu Quốc gia. Số tồn đọng chủ yếu là lý do khách quan nên địa phương này đã chủ động dừng lại để triển khai chắc chắn, tránh sai sót.

Tuy nhiên, cũng theo ông Nhuận, vì cầm đèn chạy trước ô tô nên hiện nay Tân Lập cũng đang rơi vào tình trạng phải trả nợ xây dựng cơ bản nông thôn mới dù số tiền đã được trả dần qua từng năm: “Giai đoạn 2021 -2025 chúng tôi được phân bổ 2,5 tỷ đồng xây dựng nhà đa chức năng. Công trình sau đó đã được xây dựng, nghiệm thu và đưa vào sử dụng vào năm 2023. Hiện đang còn nợ một ít, khi được cấp đủ vốn chúng tôi sẽ trả xong”, ông Nhuận chia sẻ.

Dấu hỏi về hiệu quả

Ông Hồ Lão, 62 tuổi tại bản Cồn là một trong số nhiều gia đình may mắn khi nhận được bò dự án mà theo ông phù hợp với với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng địa phương, có thể làm bò giống. Nói như vậy là bởi, trong số 35 con bò cấp cho người dân xã Tân Lập vào cuối năm 2023 có 2 con bị chết. Theo cán bộ xã Hướng Lập, 2 con bò chết này là do rủi ro xuất phát từ phía người dân nên không được đơn vị cung ứng cấp bù(?).

Rủi ro là điều khó tránh khỏi khi tự tạo ra cho mình một lối đi riêng trong thực hiện giải ngân nguồn vốn ngân sách. Ảnh: Thanh Chương.

Rủi ro là điều khó tránh khỏi khi tự tạo ra cho mình một lối đi riêng trong thực hiện giải ngân nguồn vốn ngân sách. Ảnh: Thanh Chương.

Tháng 3/2024, trong số hàng trăm con bò đã cấp cho người dân xã Húc, Hướng Lộc… huyện Hướng Hóa, con chết, con đổ bệnh, nhiều con bò lai không phù hợp với điều kiện sống vùng miền núi. theo người dân, bò lai về địa phương rất khó phát triển tốt để trở thành bò giống. Vào tháng 10/2023, hàng vạn cây giống cấp cho người dân huyện Hướng Hóa không đạt chất lượng khiến người dân bức xúc, đơn vị cung ứng sau đó đã phải cấp đổi.

Không chỉ cấp xã (được giao làm chủ đầu tư), ngay cả các ban ngành chuyên môn cấp huyện tại Đakrông, Hướng Hóa cũng tỏ ra lúng túng khi chúng tôi viện dẫn các văn bản quy định về việc cấp giống cây trồng, vật nuôi. Bức tranh về việc hỗ trợ từ nguồn vốn chính sách tại một số huyện của tỉnh Quảng Trị đang xuất hiện những bất cập và những rủi ro nếu chủ đầu tư dự án không am tường các quy định của pháp luật hoặc cố tình để những bất cập ấy xẩy ra. Lúc đó, thiệt hại lại đổ lên đầu người dân.

Một cán bộ chuyên môn ngành nông nghiệp tại huyện Hướng Hóa thừa nhận, cấp bò giống cho người dân miền núi, tốt nhất vẫn là cấp bò vàng địa phương vì chúng thích nghi nhanh và sẽ phát triển thành vật nuôi đem lại hiệu quả kinh tế. Nhưng, ở Quảng Trị làm gì đủ cả hàng trăm, hàng nghìn con bò vàng giống cùng lúc để cấp cho người dân? Không ít chương trình cấp bò tại địa phương này phải lấy giống bò lai từ các địa phương khác. Rủi ro vì thế là điều không thể tránh khỏi và hiệu quả như nhiều người nhận định.

Người dân tại các huyện miền núi Hướng Hóa, Đakrông cho biết, vật nuôi được cấp sau dăm bữa nửa tháng đã thả nuôi trong rừng. Nhiều khi, chủ vật nuôi còn không biết chúng sống chết thế nào thì các ban ngành lấy căn cứ đâu để đánh giá về mức độ hiệu quả của các chương trình cấp bò, dê dự án?

Theo báo cáo từ Phòng Tài chính Kế hoạch huyện Hướng Hóa, tính đến giữa tháng 5/2024, các nguồn vốn được phân bổ từ 2022-2024 và giải ngân ở mức khá cao. Trong đó, Xây dựng Nông thôn mới giải ngân được 76%; Giảm nghèo bền vững  70%; Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi 55%. Riêng nguồn vốn năm 2024 đến thời điểm này chưa giải ngân được đồng nào.

Nguồn vốn từ các Chương trình MTQG có tác động rất lớn đến kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Ảnh: Võ Dũng.

Nguồn vốn từ các Chương trình MTQG có tác động rất lớn đến kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Ảnh: Võ Dũng.

Ông Nguyễn Song Tuyền, Trưởng phòng Tài chính kế hoạch huyện Hướng Hóa cho rằng, sai sót nếu có cũng là trách nhiệm của chủ đầu tư, đơn vị cung ứng. Trách nhiệm của chủ đầu tư là làm đúng với hồ sơ đã được thẩm định.

“Mặt bằng chung là tốt, một số xã chưa đạt nhưng nhìn chung là ổn. Ví dụ xã Húc, có một số cái còn hạn chế nhưng không phải cố tình, có thể đó là câu chuyện năng lực”, ông Tuyền lý giải.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Bến Tre phát động công trình 'Hàng cây nông dân'

Bến Tre Tại xã Ngãi Đăng, các đại biểu thực hiện trồng 700 cây me chua tại địa điểm phát động chương trình 'Hàng cây nông dân'.

Phát huy lợi thế, nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP

TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận tiếp tục phát triển sản phẩm OCOP từ tiềm năng và lợi thế của địa phương, cùng với đó nâng cấp các sản phẩm đã được chứng nhận.

Bình luận mới nhất