Còn duy nhất một mặt hàng nữa được bán ở đây. Tại chợ gốm sứ Bát Tràng còn có một đặc biệt nữa, là có một người, duy nhất một người “ngồi bán” một mặt hàng duy nhất không phải gốm sứ mà là “bán chữ”, chữ Hán viết theo lối “thư pháp”. Không như mọi nơi chỉ viết hoặc cho chữ vào những ngày đầu xuân, “thầy đồ” chợ Bát Tràng ngồi cả năm trừ những ngày bận.
Cũng như mọi lần, hễ thấy người viết thư pháp là mải mê ngắm nhìn. Lần ấy vào một buổi trưa hè vắng vẻ, tôi mạo muội mượn thầy cây bút lông loại nhỏ. “Thầy” vui vẻ đưa bút kèm theo một tờ giấy. Tôi nào dám viết lên tờ giấy kia. Tôi lục túi của mình lấy ra một tờ giấy A4, cầm bút lông như bút sắt, bút bi… Bây giờ nghĩ lại thấy mình lúc ấy thật hồn nhiên! Thấy tôi cầm bút như vậy, những người viết bút lông chắc không thèm để ý.
Tôi mạnh dạn viết một hàng chữ Hán “phồn thể”, đó là một câu thơ trong bài thơ “Khách xá Nguyên đán” của cụ Nguyễn Khuyến. “Thầy đồ” chợ Bát Tràng giật mình hỏi: Sao ông không đi học? Ông có “duyên” với chữ đấy!
“Thầy đồ” kể: Nhà tôi cũng như mọi nhà ở đây đều có nghề gia truyền làm gốm sứ. Sau “đổi mới”, lò nhà tôi bắt nhịp với thị trường cho ra những sản phẩm mỹ nghệ cao cấp. Một lần các em tôi ra được một lò toàn hàng đẹp. Tôi ngắm nhìn họa tiết được các họa sỹ vẽ trên bình rất tuyệt vời. Mấy câu thơ chữ Hán viết trên bình càng tăng thêm nét cổ kính và thẩm mỹ cho sản phẩm, mặc dù tôi không hiểu những dòng chữ Hán kia nội dung là gì.
Những dòng thơ chữ Hán chẳng hiểu sao cứ in đậm vào trí óc tôi. Tại sao không phải là chữ Việt mà lại cứ phải là chữ Hán. Mãi sau tôi cũng tìm được lời biện minh cho lòng mình nguôi ngoai. “Thư, họa” vốn là cái đẹp đã được định hình cả ngàn năm rồi…
Bắt đầu một hành trình
Tôi bắt đầu để ý đến những dòng chữ viết trên bình, trên lọ và cũng đã từng chứng kiến một câu chuyện dở khóc dở cười xảy ra ở làng nghề. Có một ông khách mua một đôi bình to đẹp với giá rất cao.
Sau khi về nhà một vài ngày, ông khách trở lại gặp chủ lò nhất định xin trả lại sản phẩm với lý do những câu thơ chữ Hán viết trên đôi bình kia không ăn nhập gì với những hoạ tiết đã được trình bày. Ấy là chưa kể đên nội dung của nó khi dịch ra tiếng Việt… rất phản cảm!
Đêm đêm tôi vẫn giật mình với những sản phẩm nhà mình. Các em tôi đã viết những gì lên đó, nhà tôi đến lứa chúng tôi có ai học và biết chữ Hán đâu. Những chữ Hán viết trên thân bình được các em tôi nhặt nhạnh ở đâu đó rồi vẽ nhang nhác lên… cho ra vẻ!
Tôi nhận ra rằng, mấy năm gần đây làng nghề Bát Tràng đã nắm bắt được quy luật cung cầu, sản phẩm của làng nghề theo thương lái, theo khách du lịch đi khắp thế giới. Ngộ nhỡ có ai đó biết chữ Hán thì sao nhỉ. Chúng tôi đã hoàn thiện được mọi thứ để sản phẩm đạt để độ tuyệt hảo, trừ những dòng chữ. Những dòng chữ do “mù chữ” đã để lại những khiếm khuyết, những tỳ vết không khác gì những sản phẩm hỏng.
Vậy là tôi bắt đầu đi học chữ Hán. Việc học chữ với tôi nhằm mục đích những dòng chữ viết trên sản phẩm nhà mình phải đúng về văn tự, ý nghĩa phải phù hợp với hoạ tiết, nội dung phải hay! Những lúc rỗi rãi tôi ra ngồi ở chợ, viết thư pháp cho khách thập phương để nâng cao tay nghề.
Tôi thầm phục “thầy đồ” ở chợ Bát Tràng, và cũng từ đó khi mua bất cứ đồ vật gì có dính dáng đến chữ Hán tôi đều tìm cách hiểu được nội dung qua những ký tự đó. Song cũng rất phiền phức, không phải ai cũng biết chữ Hán (phồn thể) để mà hỏi. Có nhiều bạn trẻ đang học tiếng Trung Quốc hiện đại để kiếm việc làm. Với họ chữ “phồn thể” cũng là một… ngoại ngữ! Bực mình, tôi tìm sách tự học chữ Hán, học qua bạn bè và những người đi trước.
Chữ Hán đã được người Việt dùng từ bao giờ. Hãy tạm lấy mốc sau khi Mã Viện mang quân sang đàn áp khởi nghĩa Hai Bà Trưng rắp tâm sáp nhập Việt Nam thành quận, huyện của chúng. Trong đoàn quân xâm lược này có Sỹ Nhiếp đi theo. Sỹ Nhiếp đến Việt Việt Nam “xây trường, mở học hiệu” dạy chữ Hán cho người Việt (sau khi Sỹ Nhiếp chết có nhiều nơi tôn là Sỹ Vương).
Nếu tính từ thời điểm đó người Việt đã coi chữ Hán là văn tự chính thống, cho đến khi đề cao tính tự cường dân tộc, ông cha ta đã sáng tạo ra chữ Nôm thì chữ Hán cũng được dùng cả ngàn năm.
Chữ Nôm ra đời trên cơ sở “cải tiến” chữ Hán mà thành nên cũng hết sức phức tạp. Chữ Nôm có ưu điểm diễn tả được một số âm Việt mà chữ Hán không thể làm được. Chữ Nôm phát triển rực rỡ vào thế kỷ XV mà đỉnh cao là "Truyện Kiều" của Nguyễn Du.
Rồi chữ Nôm lại bị kỳ thị bởi các nhà Nho với câu nói: “Nôm na là cha mách qué”! Chữ Hán lấy lại vị trí độc tôn cho đến khi các nhà truyền giáo người Bồ đến Việt Nam, họ đã dùng ký tự Latinh kèm theo các dấu để ghi âm tiếng Việt. Kể từ đây chúng ta đã có một cuộc cải cách, một bước tiến rất dài trong lĩnh vực chữ viết.
Làng quê Việt Nam là một sản phẩm của lịch sử, trong mỗi ngôi nhà truyền thống (kể cả nông thôn lẫn thành thị), “liễn, đối, hoành phi…” vốn là cái góp phần tăng tính thẩm mỹ cho nội thất. Nhà truyền thống của người Việt là kết tinh nhiều nghìn năm của lao động sản xuất, của tâm lý, sinh lý, tín ngưỡng, tập quán, lối sống…, nhưng rất tiếc là những ngôi nhà này còn lại không nhiều. Dẫu cho có muộn màng đi nữa thì việc xây dựng lại (khi điều kiện cho phép) là rất cần thiết.
Tôi đã được chứng kiến nhiều ngôi nhà xây dựng gần đây rất hoành tráng. Trong nội thất nổi bật là bàn thờ gia tiên, có thể nói là lộng lẫy và sang trọng với nhiều công sức, tiền của. Còn gì hơn thế khi đạo lý với tiên tổ, ông bà, cha mẹ được đề cao. Cái không thể thiếu là hoành phi và câu đối trong những ngôi nhà này, hầu như đều được viết bằng chữ Hán (phồn thể), rất ít khi được viết bằng chữ Nôm hay chữ Quốc ngữ.
Sao cứ phải là chữ Hán?
Ở Việt Nam có một nghịch lý, rất nhiều nhà truyền thống đã treo từ chục, đến vài chục hoành phi câu đối (vừa làm xong) trong nhà nhưng rất ít chủ nhà đọc được. Khi hỏi, được nghe trả lời hồn nhiên: Nếu không thế thì còn đâu là nhà truyền thống nữa!
Một số gia đình chép hoành phi câu đối ra chữ Quốc ngữ và đánh dấu từng đôi một, nếu có ai hỏi thì cứ việc mang giấy ra mà đọc. Thật nguy hiểm khi một số đình, chùa xảy ra hiện tượng những người hảo tâm cung tiến vào những công trình này rất nhiều hoành phi câu đối. Người cúng tiến do không biết chữ nên đi nhờ ai đó viết hộ.
Người viết hoành phi câu đối hiện nay không có nhiều nên chữ không ra chữ. Người nhận cũng không hơn gì, cứ thấy “đẹp thì vàng son” là nhận. Đến các chùa chiền hôm nay, nếu người biết chữ Hán cảm giác thật là buồn, ấy là chưa kể đến nội dung khi dịch ra tiếng Việc chắc còn nhiều điều bất hợp lý hơn nữa.
Hiện tượng có vẻ là nhỏ nhưng đằng sau đó là cả một vấn đề đặt ra cho các nhà quản lý và những người có thú chơi chữ Hán…
Chơi chữ và xin chữ vẫn là một dòng chảy, lúc âm thầm khi rào lên cho đến tận bây giờ. Cách đây vài năm, cơ quan quản lý tiến hành sát hạch các “thầy đồ” ngồi ở Văn Miếu (Hà Nội) thì mới vỡ lở: Chỉ có khoảng một phần ba số người hành nghề ở đây có đủ tiêu chuần viết và cho (bán) chữ. Nhiều người năm nào cũng đi xin (mua) chữ như một thú chơi phải thốt lên: Năm nào tôi cũng đến đây nhưng không biết các thấy viết chữ gì vì đôi khi cả người viết và người mang chữ về đều không biết… “nó là cái gì”!