| Hotline: 0983.970.780

Chuyện đi chợ tết ở ‘vương quốc trái cây’ Chợ Lách

Thứ Sáu 19/02/2021 , 11:32 (GMT+7)

Chợ Lách là một huyện miệt vườn của tỉnh Bến Tre, xứ sở của hoa kiểng và cây giống- địa phương đã đạt chuẩn huyện nông thôn mới tháng 10/2020.

Về Chợ Lách đi chợ tết năm nay, huyện không tổ chức Hội hoa Xuân, chợ hoa ở ngoài sân vận động và khu hành chính cũ vẫn lưa thưa ít người. Hoa vạn thọ kêu bán 70k/cặp, có nơi bán 50k/cặp, hoa giấy, hoa mồng gà cũng có nhiều nhưng ít người chở.

Giá hoa tươi ở Chợ Lách năm nay thấp hơn nhiều so với mọi năm. Ảnh: LM

Giá hoa tươi ở Chợ Lách năm nay thấp hơn nhiều so với mọi năm. Ảnh: LM

Mai vườn không phải mai thế mà vẫn trên dưới một triệu đồng, có lẽ mai nhà, tết đến người trồng bứng ra bán kiếm tiền tiêu tết. Đi dọc các ngả đường quê, nhà nào cũng có hàng chục cây mai lớn, hoa vàng trổ khắp cả sân vườn.

Mặt hàng bánh mứt kẹo năm nay ở quê không tiêu thụ mạnh, riêng bánh pía ở các hiệu tạp hóa đều hút hàng do không nhập về nhiều, bánh hộp chỉ để mua làm quà để cho qua tặng lại, ít ai mua dùng vì giá cao. Bánh tráng, bánh phồng trước đây bán bánh sống, tính theo chục, giờ loại này nướng sẵn bỏ bao ni-lon 5 cái cho người dùng khỏi phải nướng, đương nhiên là không nóng giòn và người ăn mất đi cái thú chờ bánh chín.

Mứt dừa, mứt tắc (quất) nhà nào cũng có do tắc giảm giá chỉ còn 3 ngàn đồng/kg, thương lái bảo chủ vườn đủ rồi đừng hái nữa! Riêng bưởi da xanh thì vẫn chạy nhờ giá rẻ. Nếu như các năm khác, vụ tết này bưởi da xanh giá 60 đến 70 ngàn đồng/ký các trạm thu mua xuất khẩu “ăn hết” thì nay một ký còn 30 ngàn đồng đến 35 ngàn đồng, nhờ vậy dân chúng mới được ăn.

Chôm chôm ngày 30 Tết vẫn còn chở đi các chợ do giá vẫn cao 30 ngàn đồng/kg. Sầu riêng ngoài chợ rao bán giá 45 ngàn đồng/kg không ai dám mua do ăn không ngon. Trái sầu riêng ăn được, theo người bán giá phải cỡ 90 ngàn đến 100 ngàn đồng/kg.

Dưa hấu tiêu thụ ít, những trái lớn đều đưa đi các chợ lớn, chợ nhỏ ngày 30 bán xô 5 ngàn đồng/ký, bán hết để về nhà còn đón giao thừa.

Chợ Lách từ lâu đã được ví là 'vương quốc trái cây' ở đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: LM

Chợ Lách từ lâu đã được ví là "vương quốc trái cây" ở đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: LM

Ở Chợ Lách bây giờ đã mọc lên những cửa hàng hoa tươi, giá mỗi lẵng, vòng cao không thua gì ở Sài Gòn. Vào ngày mùng 3 Tết, nhằm trúng ngày lễ Tình yêu Valentine giá hoa ở quê cũng cao, một lẵng giá 250 ngàn đồng, may là tục lệ này chưa phổ biến rộng rãi ở nông thôn.

Nếu như hàng bách hóa ở chợ ít người mua thì các cửa hàng điện máy, bách hóa xanh vẫn khá đông đúc, giá có đắt hơn giá tiểu thương ở chợ nhưng khách hàng chấp nhận, chứng tỏ mức thu nhập của người địa phương đã cao.

Cụm từ “mở bán xuyên tết” mới có năm nay ở Sài Gòn, nhưng ở quê các tiểu thương cũng bán suốt không nghỉ. Những mặt hàng bán sáng đêm như trái cây, đồ uống tết đều bày bán dọc đường.

Quán xá ở Chợ Lách nhìn chung giá có cao hơn ngày thường, sức mua có yếu do việc đi lại thăm viếng ngày tết không nhộn nhịp bằng các năm trước vì ý thức phóng chống dịch bệnh Covid.

Chợ bách hóa hàng quần áo cũng không khá hơn, hỏi một chủ sạp trong chợ, chủ sạp cho biết sức mua cũng như ngày thường, không giống như mọi năm. Nguyên do là hàng hóa của địa phương chủ lực là cây giống và hoa kiểng, mà đều tiêu thụ chậm thì cũng kéo theo việc mua sắm tết cũng giảm theo.

Cúc vạn thọ được bày bán khắp nơi. Ảnh: LM

Cúc vạn thọ được bày bán khắp nơi. Ảnh: LM

Những năm trước đây, các vùng nông thôn ở Bến Tre nói chung hầu như không có các dịch vụ văn hóa như cửa hàng hoa tươi, bánh sinh nhật, tiệm cho thuê đồ cưới, thì hiện nay ở các thị trấn đã mọc lên khá nhiều.

Các hiệu in ấn ở Chợ Lách đếm sơ sơ cũng có vài cái, muốn in pa-nô hay bảng hiệu thì hiện nay chỉ sau một giờ là có ngay, chứ không cần phải đi tỉnh như mấy năm trước.

Xem thêm
Tổng cục Thuế chỉ đạo tinh gọn và siết chặt kỷ luật ngành

Tổng cục Thuế chỉ đạo toàn ngành tinh gọn bộ máy, siết chặt kỷ luật, đảm bảo hiệu quả công tác và hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước.

Gượng dậy sau bão Yagi: Nơi bảo tồn nguồn gen 15 loài cá biển quý hiếm

Anh Phạm Văn Thìn - Trưởng phòng Nuôi giữ và Bảo tồn nguồn gen của Trung tâm Quốc gia Giống hải sản miền Bắc lái cano chở tôi ra khu Tai Kéo vịnh Lan Hạ.

Bố trí đất, xây nhà ở cho người dân sau bão lũ

YÊN BÁI Hàng trăm ngôi nhà bị ảnh hưởng trong bão số 3 ở huyện Trấn Yên đang được xây dựng, sửa chữa đồng loạt để giúp bà con ổn định cuộc sống, đón Tết yên vui.