| Hotline: 0983.970.780

Chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm bền vững là thể hiện trách nhiệm cao nhất

Thứ Bảy 22/04/2023 , 06:25 (GMT+7)

Dưới những đòi hỏi mới, các quốc gia cần có thay đổi kịp thời để vừa duy trì sản xuất nông nghiệp vừa đảm bảo môi trường đất, nước, đa dạng sinh học và rừng.

Tại Hội nghị toàn cầu lần thứ 4 Hệ thống Lương thực thực phẩm (LTTP) bền vững diễn ra tại Hà Nội từ 24 - 27/4, PGS.TS Đào Thế Anh, Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam được Ban tổ chức mời làm diễn giả tại phiên thảo luận chính thức thứ 4, diễn ra vào ngày 26/4. Cùng với đó, ông tham dự một số sự kiện bên lề, liên quan tới nông nghiệp sinh thái và chuyển đổi hệ thống LTTP.

Là một trong số ít các "triệu tập viên" của các tổ chức quốc tế tại Việt Nam trong thời gian đại dịch Covid-19, về việc kêu gọi, thúc đẩy an ninh lương thực, chuyển đổi hệ thống LTTP bền vững, PGS.TS Đào Thế Anh đã chia sẻ nhiều nội dung liên quan tới vấn đề này. Báo Nông nghiệp Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông nhằm làm rõ hơn những nội hàm và ý nghĩa của một hệ thống LTTP bền vững.

PGS.TS Đào Thế Anh được xem là chuyên gia đầu ngành về nông nghiệp sinh thái và chuyển đổi hệ thống LTTP. Ảnh: Bảo Thắng.

PGS.TS Đào Thế Anh được xem là chuyên gia đầu ngành về nông nghiệp sinh thái và chuyển đổi hệ thống LTTP. Ảnh: Bảo Thắng.

Bước đột phá sau 30 năm của ngành nông nghiệp

Trong khoảng 30 năm, Việt Nam có nhiều thành tựu trong sản xuất nông nghiệp, cả về tăng trưởng lẫn xuất khẩu nông lâm thủy sản và đảm bảo an ninh lương thực trong nước. Từ một nước là thiếu ăn, phải nhập khẩu lương thực vào những năm 1980, 1990, chúng ta đã chuyển đổi rất nhanh thành nhà xuất khẩu lương thực hàng đầu thế giới.

Đến với hội nghị lần này, các quốc gia chắc chắn muốn được nghe Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm về quá trình chuyển đổi này. Tựu trung, tôi thấy có 4 điểm. Một là, Việt Nam thừa nhận kinh tế hộ gia đình, chuyển giao quyền sử dụng đất lâu dài cho cá nhân nhằm khuyến khích tinh thần lao động của mỗi cá thể, trước là tự đảm bảo an ninh lương thực, sau là bán cho xã hội nếu dư thừa. Hai là, sự đầu tư vào hệ thống thủy lợi, để người nông dân hoàn toàn chủ động trong việc canh tác, đặc biệt là cây lương thực. Ba là, đầu tư vào nghiên cứu khoa học, chọn tạo các giống mới, các tiến bộ kỹ thuật. Bốn là, xây dựng, phát triển hệ thống khuyến nông để phổ biến kiến thức cho người dân.

Nếu thiếu một hoặc một vài yếu tố này, quá trình chuyển đổi sẽ khó đạt kỳ vọng. Ví dụ như tại châu Phi, nơi chiếm 60% diện tích đất nông nghiệp của toàn thế giới, điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của họ tốt hơn, nhưng đến giờ vẫn chưa đảm bảo được an ninh lương thực. Vấn đề là các quốc gia khu vực này chưa có chính sách phù hợp để người nông dân phát huy tối đa hiệu quả làm việc. Phần lớn họ vẫn đang "lầm lũi đi một mình".

Nhờ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, bộ khung pháp lý tương đối đầy đủ, toàn diện khi sớm ban hành Luật Trồng trọt, Luật Chăn nuôi, Luật thủy sản và gần đây nhất là Quyết định 300 của Thủ tướng về kế hoạch hành động quốc gia chuyển đổi hệ thống LTTP minh bạch, trách nhiệm, bền vững đến năm 2030, Việt Nam luôn sẵn sàng hỗ trợ, xuất khẩu lương thực trên trường quốc tế, ngay cả trong điều kiện dịch bệnh Covid-19.

Chúng ta cũng rất chú trọng Hợp tác Nam - Nam (trao đổi tài nguyên, kỹ thuật và tri thức giữa các nước đang phát triển với nhau). Cụ thể, là cử hàng nghìn cán bộ kỹ thuật, chuyên gia để chuyển giao giống lúa, ngô, cà phê, các cây họ đậu cho Cuba, Venezuela, các nước châu Phi như Mozambique, Angola, Nigeria... giúp họ nâng cao năng lực về nghiên cứu, chọn tạo, quy trình canh tác. 

Từ chỗ phải nhập khẩu, Việt Nam vươn lên trở thành quốc gia xuất khẩu lương thực hàng đầu thế giới. Ảnh: Bảo Thắng.

Từ chỗ phải nhập khẩu, Việt Nam vươn lên trở thành quốc gia xuất khẩu lương thực hàng đầu thế giới. Ảnh: Bảo Thắng.

Sau hai năm Covid-19, những nước chưa tự chủ được an ninh lương thực càng có nhu cầu cao hơn về vấn đề này. Chẳng hạn Sierra Leone đã cử tới 4 lãnh đạo, nguyên thủ quốc gia sang nước ta, mà trực tiếp là Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, để học hỏi, trao đổi kinh nghiệm. Uy tín của ngành nông nghiệp Việt Nam nằm ở đây, khi chúng ta gắn được trách nhiệm với hoạt động sản xuất, xuất khẩu lương thực

Trong Quyết định 300 của Thủ tướng còn nhấn mạnh tới yếu tố "minh bạch". Có thể nói, trong thời đại công nghệ bùng nổ hiện tại, muốn xuất khẩu bền vững, chúng ta bắt buộc phải đưa ra và cung cấp được những thông tin minh bạch, từ môi trường của khu vực sản xuất, truy xuất nguồn gốc, đến dán nhãn dinh dưỡng cho sản phẩm chất lượng. Nếu làm được, cả ở thị trường quốc tế lẫn tiêu dùng nội địa, tính bền vững của hệ thống lương thực, thực phẩm mới được đảm bảo. 

Thay đổi kịp thời, thích ứng với yêu cầu mới

Thế giới hiện đánh giá rất cao Việt Nam, nhưng chúng ta không nên ngủ quên trên chiến thắng. Phải nhìn thẳng vào thực tế, là những thành tựu của nông nghiệp Việt Nam hiện mới dừng ở năng suất, sản lượng, nhưng thiếu yếu tố bền vững. Nhiệm vụ của chúng ta bây giờ không đơn thuần là đủ ăn như trước đây mà còn là ăn uống có chất lượng, đảm bảo dinh dưỡng.

Vấn đề này đã được Liên hợp quốc đề cập và nhiều lần nhắc đến, đó là tập trung phát triển con người. Trong chương trình nghị sự 2030, Liên hợp quốc tập trung rất nhiều vào các nội dung liên quan như đa dạng các loại lương thực, thực phẩm, đảm bảo cân đối về dinh dưỡng, khẩu phần ăn lành mạnh...

Nền sản xuất bắt buộc phải thay đổi để đáp ứng những yêu cầu như: Lương thực đảm bảo chất lượng, an toàn, vệ sinh; Người dân ở mọi giai cấp, vùng miền đều được quyền tiếp cận với thực phẩm; Hệ thống cung ứng, phân phối không làm ô nhiễm môi trường, không gây hủy hoại các nguồn tài nguyên...

Hiện tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em của nước ta hiện khoảng 20%, nghĩa là tương đối cao. Đặc biệt, tại vùng miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, tỷ lệ này cao hơn từ gấp rưỡi đến gấp đôi mức bình quân cả nước. Ngoài ra, đất nông nghiệp Việt Nam nhìn chung bị thoái hóa khá nặng, đa dạng sinh học bị suy giảm ở nhiều vùng, phát thải khí nhà kính từ canh tác lúa nước chưa được cắt giảm. Đó có thể xem là hệ lụy của quá trình thâm canh trước đây. Do đó, những mục tiêu về tăng trưởng nông nghiệp, hay sản xuất với khối lượng dư thừa mới là một khía cạnh của quá trình khi đặt bên cạnh thực trạng về an ninh dinh dưỡng.

Những nhà quản lý, nghiên cứu khoa học và người dân trực tiếp sản xuất ở Việt Nam, hầu hết nhận thức được vấn đề này và đã tích cực tham gia vào các chương trình đối thoại về hệ thống LTTP bền vững toàn cầu, do Liên hợp quốc, FAO hoặc một số tổ chức quốc tế thực hiện.

Bên cạnh những yếu tố như phát triển thủy lợi, xây dựng kinh tế hộ gia đình, tổ chức các mô hình khuyến nông, đẩy mạnh cơ giới hóa cũng là một cách giúp nông nghiệp Việt Nam cất cánh. Ảnh: Bảo Thắng.

Bên cạnh những yếu tố như phát triển thủy lợi, xây dựng kinh tế hộ gia đình, tổ chức các mô hình khuyến nông, đẩy mạnh cơ giới hóa cũng là một cách giúp nông nghiệp Việt Nam cất cánh. Ảnh: Bảo Thắng.

Chúng ta đều hiểu và nắm rõ được đòi hỏi cấp thiết lúc này, là chuyển đổi mục tiêu từ năng suất sang chất lượng, sản xuất thân thiện với môi trường, giảm phát thải khí nhà kính; tiến tới nền sản xuất vừa duy trì tăng trưởng xuất khẩu vừa đảm bảo an ninh dinh dưỡng, lương thực cho toàn bộ 100 triệu dân, đặc biệt là tại vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc.

Nếu như trước đây, nhiệm vụ đảm bảo an ninh lương thực hầu hết do Bộ NN-PTNT đảm nhiệm, thì việc xây dựng hệ thống LTTP bền vững là trách nhiệm của cả Bộ Y tế, Bộ Công thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường... bởi liên quan tới rất nhiều khâu.

Một đặc điểm nữa ở nước ta, là hệ thống cung ứng hiện có nhiều nông hộ nhỏ lẻ cùng các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Họ là mắt xích quan trọng giúp mạng lưới phân phối được phủ khắp, nhưng lại thuộc nhóm yếu thế, dễ bị tổn thương bởi các tác nhân bên ngoài. Thêm vào đó, nền kinh tế của Việt Nam có độ mở lớn. Sự phối hợp giữa Nhà nước, tư nhân và các chủ thể tham gia chuỗi thực phẩm cần được nâng lên một bước.

Giống các quốc gia khác, Việt Nam không thể tự giải quyết hết các vấn đề. Hợp tác quốc tế sẽ là chìa khóa giúp chúng ta tiếp tục thâm canh sản xuất nông nghiệp nhưng không hủy hoại các yếu tố môi trường như là đất, nước, đa dạng sinh học và rừng.

Hội nghị toàn cầu sắp tới về Hệ thống LTTP, vì thế, có ý nghĩa đặc biệt to lớn.

Thứ nhất, các quốc gia, tổ chức, cá nhân sẽ cùng thảo luận và đánh giá về tầm quan trọng của việc chuyển đổi hệ thống LTTP theo hướng minh bạch, trách nhiệm, bền vững. Thứ hai, thực hiện những cam kết liên ngành, liên quốc gia, liên tổ chức. Thứ ba, tìm thêm những nguồn lực, ủng hộ từ quốc tế trong việc đạt các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030.

Với nước chủ nhà Việt Nam, hội nghị là cơ hội để chúng ta công bố với quốc tế nội dung của kế hoạch hành động quốc gia về chuyển đổi hệ thống LTTP (Quyết định 300 của Thủ tướng). Đây là một định hướng chính sách nhất quán và cam kết rất rõ ràng của Việt Nam. Tôi tin tưởng, bản kế hoạch sẽ tạo ra sức hút lớn để mời gọi các tổ chức quốc tế và các nước đồng hành với Việt Nam, nhất là trong vấn đề truyền thông, đào tạo và nghiên cứu công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp.

Xem thêm
Thông tin đối ngoại về quyền con người trong tình hình mới

Hiện nay, truyền thông về quyền con người, thông tin đối ngoại đã được triển khai mạnh mẽ với sự quan tâm chỉ đạo, tham gia đóng góp của cả hệ thống chính trị.

Số hóa thị trường nông sản thông qua phần mềm AgriDataGo

AgriDatatGo là phần mềm giúp bà con nhanh chóng tiếp cận với thị trường mà sản phẩm hướng tới, cũng như cách thức để sản phẩm đáp ứng các yêu cầu của thị trường đó.

Uông Bí tiếp nhận gần 4.000 đơn đề nghị hỗ trợ sản xuất nông nghiệp

QUẢNG NINH Sau cơn bão số 3, các hộ dân và các công ty lâm nghiệp đang tích cực thực hiện tận thu, dọn dẹp phòng chống cháy rừng, chuẩn bị hiện trường trồng rừng vụ mới.