Trong xu hướng chuyển đổi số để hội nhập kinh tế quốc tế, thương mại điện tử đang trở thành "chìa khóa” giúp các địa phương nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ. Tỉnh Cà Mau, đặc biệt coi trọng việc phát triển thương mại điện tử, hỗ trợ doanh nghiệp địa phương bắt nhịp với xu hướng hiện đại hóa.
Năm 2024, tỉnh Cà Mau đã tổ chức nhiều chương trình tập huấn dành cho các doanh nghiệp, hợp tác xã và cơ sở sản xuất kinh doanh. Tham gia chương trình, học viên sẽ được trang bị kiến thức nền tảng và kỹ năng thực hành để vận dụng vào kinh doanh nhằm đạt hiệu quả trên các nền tảng thương mại điện tử như TikTok Shop, Shopee.... Đặc biệt, việc hướng dẫn sử dụng công cụ livestream trên các nền tảng này đã tạo ra sự đột phá trong quảng bá và tiêu thụ sản phẩm địa phương.
Hiện nay, các sản phẩm OCOP đặc trưng của Cà Mau như tôm khô, bánh phồng tôm, và ba khía đã được đưa lên các sàn thương mại điện tử, tiếp cận hàng chục nghìn khách hàng.
Trong khuôn khổ chương trình “Ngày hội chuyển đổi số quốc gia”, các phiên livestream đã đạt hơn 1.400 đơn hàng với tổng lượt xem vượt 300.000. Điều này không chỉ giúp tăng doanh thu mà còn khẳng định giá trị thương hiệu của sản phẩm Cà Mau trên thị trường cả nước.
Bên cạnh đó, việc tổ chức các sự kiện xúc tiến thương mại lớn nhằm quảng bá sản phẩm Cà Mau đến các đối tác tiềm năng đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Tại hội chợ “Đặc sản vùng miền Việt Nam 2024”, các sản phẩm OCOP như tôm khô, mắm tôm đã thu hút sự chú ý lớn, với nhiều hợp đồng tiêu thụ dài hạn được ký kết.
Chị Nguyễn Thúy An, chủ cơ sở Ba khía Bà Na, khóm 6, phường 1, thành phố Cà Mau cho biết: Để hàng hóa có thể đảm bảo xuất khẩu đi nước ngoài, chất lượng, an toàn, thì ba khía Bà Na đã đầu tư các thiết bị máy móc, nguyên liệu đầu vào phải đảm bảo nguồn gốc xuất xứ và được đăng ký trên sàn giao địch điện tử. Hiện tại ba khía Bà Na đã xuất bán trong và ngoài nước, số lượng phân phối đi nước ngoài là từ 20 – 25% tổng sản lượng”.
Ông Dương Vũ Nam, Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Cà Mau, cho biết: Chuyển đổi số không chỉ là xu hướng mà còn là yếu tố sống còn trong việc phát triển kinh tế. Thương mại điện tử giúp chúng ta mở rộng thị trường, gia tăng giá trị sản phẩm và xây dựng thương hiệu bền vững. Trong những năm qua, các thành tựu đạt được trong việc triển khai thương mại điện tử đã cho thấy hiệu quả rõ rệt, đặc biệt thông qua các sản phẩm OCOP và đặc sản địa phương. Để đảm bảo tính bền vững và lâu dài, ngành công thương tỉnh Cà Mau đã đề ra những giải pháp cụ thể nhằm thúc đẩy chuyển đổi số, không chỉ trong kinh doanh mà còn trong quản lý và vận hành kinh tế.
Đồng thời, tỉnh Cà Mau tiếp tục xây dựng chiến lược thương mại điện tử dài hạn, trọng tâm là phát triển hệ sinh thái thương mại điện tử toàn diện. Bao gồm việc tạo dựng các nền tảng trực tuyến dành riêng cho tỉnh, nơi các doanh nghiệp nhỏ, hợp tác xã và hộ kinh doanh có thể quảng bá sản phẩm một cách hiệu quả mà không phụ thuộc hoàn toàn vào các nền tảng thương mại điện tử lớn. Các nền tảng này không chỉ cung cấp một kênh giao dịch mới mà còn tạo sự kết nối chặt chẽ giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng, nâng cao giá trị sản phẩm địa phương.
Việc đầu tư vào hạ tầng công nghệ và internet tốc độ cao là điều kiện tiên quyết để thương mại điện tử phát triển đồng bộ. Đặc biệt tại các khu vực nông thôn, việc cải thiện khả năng tiếp cận mạng internet sẽ mở ra cơ hội để các hộ kinh doanh nhỏ lẻ tiếp cận khách hàng trên toàn quốc. Cùng với đó, hạ tầng thanh toán trực tuyến cũng cần được chú trọng, với sự hợp tác chặt chẽ giữa các tổ chức tài chính, ngân hàng và doanh nghiệp địa phương nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, giảm chi phí giao dịch và tăng tính tiện lợi cho người tiêu dùng.