Chia sẻ tại Hội nghị lần thứ 34 Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM khóa XI, nhiệm kỳ 2020-2025, ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM cho biết, trong kỷ nguyên mới, TP.HCM vẫn đối diện với nhiều thách thức trong quá trình chuyển đổi số.
Hiện vẫn thiếu hụt nguồn nhân lực chuyên trách quản trị mạng và an toàn thông tin trong cơ quan nhà nước, đặc biệt tại các cấp cơ sở.
Việc này dẫn đến rủi ro về đảm bảo an toàn thông tin khi toàn bộ hệ thống đã đưa lên môi trường số, dữ liệu trở thành tài sản có giá trị.
Bên cạnh đó, dữ liệu số chưa hoàn thiện, chưa được khai thác triệt để để nâng năng lực của chính quyền và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
"Hạ tầng số chưa được khai thác triệt để, phát huy tối đa hiệu quả tiềm năng của dữ liệu trong nâng cao năng lực chính quyền số, thúc đẩy kinh tế số, phát triển kinh tế - xã hội. Việc phát triển dữ liệu mở để xây dựng hệ sinh thái sáng tạo giữa Nhà nước, doanh nghiệp các trường đại học cũng như hỗ trợ các startup còn hạn chế.
Dịch vụ hành chính công trực tuyến tuy có nhiều tiến bộ nhưng chưa đáp ứng 3 mục tiêu lớn: cá nhân hóa, tái sử dụng dữ liệu, không ranh giới địa chính", ông Lâm Đình Thắng cho hay.
Theo Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM, mặc dù kinh tế số đang tăng trưởng, nhưng đóng góp vào GRDP vẫn chưa hết tiềm năng. Một bộ phận người dân vẫn còn gặp khó khăn trong việc tiếp cận và sử dụng công nghệ số, hoặc thiếu thiết bị hoặc chưa được huấn luyện kỹ năng.
Do đó, TP.HCM đặt ra mục tiêu, trong thời gian tới, giữ vững vị thế là 1 trong 3 tỉnh, thành có chỉ số chuyển đổi số cao nhất nước. Trong đó TP.HCM sẽ tiếp tục dẫn đầu về hạ tầng số (bao gồm hạ tầng viễn thông, hạ tầng dữ liệu).
Hạ tầng số được đầu tư mạnh có vai trò rất quan trọng trong việc thu hút các nhà đầu tư (phát triển điện sạch và kết nối nguồn điện đảm bảo nguồn cung cho các Trung tâm dữ liệu, TT tính toán hiệu năng cao, TT AI…).
"Phát triển kinh tế số không chỉ đạt chỉ tiêu đã đặt ra là 25% GRDP vào 2025 và 40% GRDP TP.HCM mà còn phải trở thành một trong những động lực tăng trưởng mới của thành phố, đóng góp vào mục tiêu tăng trưởng kinh tế thành phố. Chỉ tiêu vào 2030 của TP.HCM cao hơn chỉ tiêu quốc gia 10% cho thấy khát vọng của TP là rất lớn", ông Lâm Đình Thắng cho hay.
Cũng theo ông Lâm Đình Thắng, mục tiêu của TP.HCM là đưa các hoạt động chỉ đạo, điều hành và nền hành chính của thành phố lên nền tảng số; chỉ đạo, điều hành, báo cáo, đánh giá trực tuyến và dựa trên dữ liệu. Chỉ số LOSI tăng lên nhóm 50 thành phố tiêu biểu của các quốc gia trên thế giới.
Tập trung phát triển Cổng dịch vụ công, các dịch vụ, tiện ích số cho người dân, và doanh nghiệp với phương châm “người dân và doanh nghiệp là chủ thể và mục tiêu phục vụ của chuyển đổi số”.
Phát triển ngành công nghiệp công nghệ số, trọng tâm là phát triển lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, công nghiệp bán dẫn, hỗ trợ chuyển đổi số cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Về giải pháp, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM cho biết, thành phố sẽ tập trung vào 7 giải pháp cụ thể: Người đứng đầu các cấp, các ngành là người trực tiếp chỉ đạo công tác chuyển đổi số.
Xây dựng những chính sách, cơ chế có tính vượt trội của thành phố để thúc đẩy chuyển đổi số. Bố trí ít nhất 2% tổng chi ngân sách hàng năm cho chuyển đổi số; mở rộng cơ chế thử nghiệm có kiểm soát từ Nghị Quyết 98; ban hành một số cơ chế ưu đãi đầu tư trên lĩnh vực công nghệ số.
Tiếp tục đầu tư mạnh cho hạ tầng số; Kiên trì xây dựng dữ liệu số trong cơ quan nhà nước, từ đó mở rộng cho doanh nghiệp khai thác, tạo ra giá trị tăng thêm; đẩy nhanh 8 nền tảng số chuyên ngành còn lại để hoàn thành đưa nền hành chính TP lên nền tảng số trong năm 2025.
"Lãnh đạo Thành phố tiên phong trong chỉ đạo, điều hành và nhận báo cáo trên hệ thống quản trị thực thi TP. Đẩy mạnh ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong hành chính công, các lĩnh vực chuyên ngành có điều kiện như giao thông, y tế, giáo dục", ông Thắng thông tin.
Ngoài ra, TP.HCM tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến cho người dân; hoàn thành mục tiêu: Định danh, cá nhân hóa; Tái sử dụng dữ liệu; Không ranh giới địa chính.
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và năng lực số cho người dân. Giao cho 1 cơ quan chủ trì, xác định chỉ tiêu cụ thể và nhiều đơn vị cùng tham gia.
Tập trung phát triển kinh tế số bằng 4 nhóm giải pháp: chuyển đổi số các ngành trọng điểm, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số, phát triển thương mại điện tử và xây dựng ít nhất 1 Khu công nghệ thông tin tập trung mới.