| Hotline: 0983.970.780

Thanh Hóa: Chuyển đổi số là ‘chìa khóa’ để bứt phá trong kỷ nguyên mới

Thứ Năm 05/12/2024 , 21:01 (GMT+7)

Thanh Hóa đặt ra mục tiêu đến năm 2025 thuộc nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số.

Lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm

Chuyển đổi số đã trở thành yếu tố then chốt giúp các quốc gia tăng cường năng lực cạnh tranh và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Ý thức được vai trò của chuyển đổi số là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế, trong những năm qua tỉnh Thanh Hóa đã và đang tích cực đẩy mạnh chuyển đổi số ở cả 3 trụ cột là: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.

Tỉnh Thanh Hóa đặt ra mục tiêu, đến năm 2025 Thanh Hóa thuộc nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số; đến năm 2030 thuộc nhóm 5 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chính quyền số.

Sau 3 năm triển khai Nghị quyết 06 của Tỉnh ủy tỉnh Thanh Hóa về chuyển đổi số, Thanh Hóa đã đạt những kết quả quan trọng, là động lực cho sự phát triển kinh tế, xã hội. Năm 2022, Thanh Hóa đứng thứ 15/63 tỉnh, thành phố trong cả nước về xếp hạng chuyển đổi số. Trong đó, chính quyền số xếp thứ 16, kinh tế số xếp thứ 14, xã hội số xếp thứ 13. 

Tỉnh đã xây dựng và đưa vào hoạt động cổng dữ liệu mở, cung cấp 195 cơ sở dữ liệu thuộc 15 lĩnh vực, từ đó góp phần cung cấp, chia sẻ dữ liệu kịp thời, công khai, minh bạch tới doanh nghiệp và người dân được nhanh chóng, hiệu quả.

Hiện nay, Thanh Hóa là tỉnh có số lượng thủ tục hành chính cung cấp dịch vụ công trực tuyến đứng đầu cả nước; tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính được giải quyết trước hạn và đúng hạn đạt 99,51%. Việc trao đổi và xử lý văn bản hồ sơ liên thông trên môi trường mạng giữa các cơ quan khối Đảng, chính quyền, đoàn thể ở cả 3 cấp với tổng số lượt trao đổi, xử lý văn bản là trên 3,3 triệu lượt, tỉ lệ ký số cơ quan đạt 98%...

Thanh Hóa đã kích hoạt thành công gần 2,6 triệu tài khoản định danh điện tử, 100% người dân và doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến được định danh và xác thực qua cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Thực hiện rà soát được gần 2,3 triệu mã số thuế cá nhân, đạt tỉ lệ 98,4%; tỉ lệ các doanh nghiệp thực hiện nộp thuế điện tử đạt 84%; 100% doanh nghiệp được tiếp cận và ứng dụng các nền tảng số trong hoạt động sản xuất kinh doanh… Hiện toàn tỉnh có 615 doanh nghiệp công nghệ số.

Triển lãm các sản phẩm, giải pháp chuyển đổi số, phát triển công nghệ thông tin Thanh Hóa năm 2023. Ảnh: Quốc Toản.

Triển lãm các sản phẩm, giải pháp chuyển đổi số, phát triển công nghệ thông tin Thanh Hóa năm 2023. Ảnh: Quốc Toản.

Thanh Hóa cũng là một trong những địa phương đầu tiên của cả nước ban hành Bộ tiêu chí và giao chỉ tiêu hoàn thành chuyển đổi số đến cấp huyện, cấp xã. Đến nay, tỉnh đã có 114 xã, phường, thị trấn được công nhận hoàn thành chuyển đổi số cấp xã. Hiện Cổng dịch vụ công và hệ thống một cửa điện tử tỉnh Thanh Hóa đã hoàn thành kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để khai thác dữ liệu dân cư trong việc thực hiện các thủ tục hành chính. Tỉnh cũng thực hiện việc xử lý văn bản và hồ sơ công việc, gửi nhận văn bản hoàn toàn trên môi trường điện tử ở tất cả các cấp...

Minh bạch, hiệu quả trên không gian số

Tại tỉnh Thanh Hóa, tỷ trọng đóng góp kinh tế số trong tổng quy mô nền kinh tế đạt 10,74%. Việc phát triển kinh tế số đã từng bước thay đổi nhận thức, cách làm truyền thống của doanh nghiệp, người dân, hộ gia đình về tiêu thụ sản phẩm trên không gian số, sàn thương mại điện tử, mở rộng không gian tiêu thụ sản phẩm.

100% các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, các thương nhân kinh doanh xăng dầu, 80% trung tâm thương mại, siêu thị trên địa bàn đã sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế khởi tạo từ máy tính tiền nhằm chống thất thu thuế, thất thu ngân sách. Thực hiện việc chi trả không dùng tiền mặt đến các đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội; 100% đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội đã đăng ký tài khoản ngân hàng, ví điện tử, tài khoản Mobile Money...

Hiện nay, 100% doanh nghiệp được tiếp cận và ứng dụng các nền tảng số trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, có 6,5 nghìn doanh nghiệp (đạt 40,62%, tăng 14,82% so với năm 2023) đạt mức độ chuyển đổi số theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông. Tổng số doanh nghiệp công nghệ số trên địa bàn tỉnh phát triển lên 615 doanh nghiệp.

Ông Đỗ Hữu Quyết, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Thanh Hóa. 

Ông Đỗ Hữu Quyết, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Thanh Hóa. 

Ông Đỗ Hữu Quyết, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Thanh Hóa cho biết, để thực hiện thành công các mục tiêu của Nghị quyết số 06/NQ-TU ngày 10/11/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa về chuyển đổi số tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, tỉnh Thanh Hóa tiếp tục triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp, cụ thể:

Tiếp tục rà soát, tham mưu hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy quá trình chuyển đổi số như rà soát sửa đổi, bổ sung các quy định, quy chế, các cơ chế, chính sách đảm bảo điều kiện và thúc đẩy chuyển đổi số; căn cứ các cơ chế, chính sách, các quy định của tỉnh về chuyển đổi số các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thị xã, thành phố, điều chỉnh, ban hành kịp thời quy trình nội bộ của ngành, lĩnh vực sát với yêu cầu thực tế, để tập trung chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số.

Phát triển hạ tầng số, các doanh nghiệp viễn thông tiếp tục đầu tư phát triển hạ tầng băng thông rộng cố định, nâng cấp hạ tầng mạng di động 4G, đẩy nhanh phủ sóng di động 5G; khuyến khích các doanh nghiệp công nghệ thông tin có đủ năng lực tham gia đầu tư xây dựng hạ tầng, triển khai những ứng dụng dịch vụ, nền tảng, giải pháp công nghệ mới để chuyển đổi số đối với các lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội.

Hoàn thiện hạ tầng dữ liệu từ hạ tầng vật lý các trung tâm dữ liệu đến xây dựng dữ liệu mở của tất cả các ngành, lĩnh vực đảm bảo việc liên thông, kết nối chia sẻ dữ liệu, nhất là kết nối liên thông với cơ sở dữ liệu về dân cư. Đẩy mạnh việc xây dựng và phát triển hạ tầng tiện ích để phục vụ người dân, doanh nghiệp theo hướng đơn giản, thuận tiện, an toàn.

Một góc thành phố Thanh Hóa. Ảnh: Quốc Toản.

Một góc thành phố Thanh Hóa. Ảnh: Quốc Toản.

Tiếp tục hoàn thiện các ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo, điều hành; ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ người dân và doanh nghiệp theo hướng công khai minh bạch, nhanh chóng, kịp thời; đơn giản, dễ sử dụng. Xây dựng và phát triển dữ liệu số; tạo lập, kết nối, số hóa tài liệu hình thành kho dữ liệu dùng chung của tỉnh (Big Data) để thực hiện lưu trữ, kết nối liên thông, chia sẻ thông tin, dữ liệu giữa các cơ quan với nhau và với người dân, doanh nghiệp.

Triển khai trợ lý ảo trong cơ quan Nhà nước để hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức nhằm nâng cao hiệu quả và năng suất lao động; nâng cao hiệu quả cung cấp, sử dụng dịch vụ công trực tuyến; thường xuyên rà soát, tái cấu trúc quy trình, thành phần hồ sơ thủ tục hành chính, nâng cao tỷ lệ xử lý hồ sơ trực tuyến toàn trình...

Tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế số trong ngành, lĩnh vực và trong doanh nghiệp; triển khai có hiệu quả kế hoạch phát triển doanh nghiệp số trên địa bàn tỉnh, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số; tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức và thay đổi tư duy trong áp dụng mô hình kinh doanh số, chủ động ứng dụng khoa học, công nghệ, đặc biệt là chuyển đổi số vào hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm nâng cao sức cạnh tranh, tăng năng suất lao động và hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Phát triển xã hội số, kỹ năng số, công dân số, văn hóa số theo hướng phổ cập kỹ thuật số toàn diện để hình thành nên một xã hội số công bằng và bao trùm, khơi dậy tiềm năng, sự tự hào và niềm tin của người dân trên không gian số góp phần xây dựng xã hội văn minh, hiện đại, tiến bộ, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân; cung cấp các tiện ích phục vụ người dân, doanh nghiệp; phát huy vai trò của tổ công nghệ số cộng đồng, lực lượng đoàn thanh niên trong triển khai thực hiện công tác chuyển đổi số ở cơ sở.

Cùng với đó là các giải pháp tăng cường đảm bảo an toàn thông tin phục vụ chuyển đổi số; tập trung nguồn lực triển khai thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ về chuyển đổi số để chuyển đổi số sẽ thực sự làm thay đổi kinh tế, xã hội của tỉnh theo hướng hiện đại, bền vững, góp phần đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới...

Xem thêm
Vĩnh Phúc giảm 10 tổ chức Đảng, 1 Ban Đảng và 8 Sở...

Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc cho biết sẽ sớm ban hành chính sách với những trường hợp 'hy sinh' vì lợi ích chung, thôi làm việc trong cơ quan hưởng lương từ ngân sách.

Gượng dậy sau bão Yagi: Nơi bảo tồn nguồn gen 15 loài cá biển quý hiếm

Anh Phạm Văn Thìn - Trưởng phòng Nuôi giữ và Bảo tồn nguồn gen của Trung tâm Quốc gia Giống hải sản miền Bắc lái cano chở tôi ra khu Tai Kéo vịnh Lan Hạ.

Xóm chài Xuân Lam tìm đường đến khu tái định cư

Sống giữa vùng đất thấp trũng, quanh năm vật lộn với thiên tai là nỗi lo chung của người dân Xuân Lam, riêng 8 hộ xóm chài cơ cực hơn cả.