Diễn đàn được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến tới 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Tại điểm cầu trụ sở Chính phủ có Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng; Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Lê Tiến Châu; Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga; Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo cùng lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương.
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh vai trò của đổi mới, sáng tạo, đột phá đối với mô hình kinh tế tập thể.
"Tinh thần đổi mới bao gồm thay đổi tư duy nhận thức và hành động để thay đổi phương thức hoạt động, quản lý, đồng thời gắn với chuyển đổi số để tạo những giá trị mới. Việc chuyển đổi mô hình kinh tế tập thể cần linh hoạt, tiết giảm chi phí, tối ưu và tăng nguồn lực cho sự phát triển", Thủ tướng nói.
Sau hai năm dịch bệnh, chuyển đổi số trở thành đòi hòi bức thiết của các cấp, các ngành, các địa phương và người dân, doanh nghiệp.
Khi Việt Nam kiểm soát được Covid-19, chuyển đổi số tiếp tục giữ vai trò trọng tâm, góp phần phục hồi nhanh, phát triển bền vững kinh tế - xã hội, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng.
Nhắc lại sự quan tâm chung của Đảng và Nhà nước tới hoạt động chuyển đổi số gắn với phát triển kinh tế tập thể, Thủ tướng chia sẻ: "Kinh tế tập thể là thành phần kinh tế quan trọng, phải được củng cố và phát triển cùng kinh tế nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân".
Cả nước hiện có 28.237 HTX, trong đó 18.785 là HTX nông nghiệp. Đồng bằng sông Hồng có 7.085 HTX, chiếm hơn 25% số lượng cả nước, là vùng kinh tế có tỷ lệ HTX nhiều nhất. Xếp sau lần lượt là Đông Bắc, Bắc Trung bộ và Đồng bằng sông Cửu Long.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hầu hết các HTX, liên hiệp HTX thành lập từ sau Luật Hợp tác xã năm 2012 đều xây dựng phương án sản xuất kinh doanh. Nhiều HTX chủ động tiếp cận nhu cầu thị trường, đổi mới cơ sở vật chất nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng sản xuất, cũng như công tác quản lý, điều hành.
Điều này thể hiện rõ qua khảo sát: 83,5% HTX đánh giá việc chuyển đổi số là cần thiết; 19% HTX đã có kế hoạch với lộ trình thực hiện cụ thể; 68% HTX có sử dụng ít nhất một trong các phương thức giới thiệu và bán sản phẩm trực tuyến.
Nhiều HTX nông nghiệp, đặc biệt là các HTX nông nghiệp, có giám đốc và nguồn nhân lực trẻ, năng động. Họ chủ động đầu tư, kết nối sản xuất, tiêu thụ với các HTX cùng loại theo chiều hướng tăng ứng dụng chuyển đổi số.
Trên tinh thần đó, Diễn đàn với chủ đề "Chuyển đổi số - Động lực phát triển kinh tế hợp tác, HTX trong kỷ nguyên mới gắn với thực hiện Nghị quyết số 20- NQ/TW" sẽ thảo luận những giải pháp phù hợp để thúc đẩy chuyển đổi số trong thời gian tới, tạo động lực cho kinh tế tập thể, HTX phát triển nhanh và bền vững, gắn với việc cụ thể hóa Nghị quyết số 20 của Hội nghị Trung ương 5 Khóa XIII.
Dù có những bước tiến, khu vực kinh tế tập thể được đánh giá là chưa phát triển đạt mục tiêu đề ra. Đặc biệt, hoạt động đổi mới và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể còn có điểm nghẽn. Năng lực, nội lực của HTX còn yếu, hiệu quả hoạt động chưa cao, mô hình tổ chức lỏng lẻo, chưa phù hợp. Trình độ cán bộ quản lý HTX còn hạn chế.
Nguyên nhân được Thủ tướng chỉ ra là hoạt động chưa theo kịp tình hình, trong đó chuyển đổi số còn chậm và thiếu chiến lược, hành động cụ thể. "Kinh tế hợp tác, HTX phải chủ động thay đổi cơ bản phương thức sản xuất, kinh doanh, chuyển đổi số để thích nghi với tình hình phát triển mới. Đó là yêu cầu cấp thiết, không thể đảo ngược", người đứng đầu Chính phủ bày tỏ.
Với tinh thần quyết tâm chuyển đổi số, đổi mới, thay đổi gắn với hiệu quả của mô hình kinh tế hợp tác, HTX, Thủ tướng yêu cầu các bên phân tích rõ cơ hội và thách thức trong chuyển đổi số, đề xuất giải pháp cụ thể, nhất là giải pháp thể chế, chính sách gắn với từng bộ, ngành.
Về phía Bộ NN-PTNT, nhiệm vụ chuyển đổi số trong năm 2022 được tập trung cho 2 lĩnh vực là chăn nuôi và trồng trọt.
Ngày 15/6 vừa qua, Bộ NN-PTNT công bố Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu chăn nuôi, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý theo Luật Chăn nuôi, đồng thời chủ động kết nối về thông tin giữa cơ quan quản lý nhà nước với doanh nghiệp và người chăn nuôi.
Với lĩnh vực trồng trọt, từ nay đến cuối năm 2022, Bộ NN-PTNT sẽ tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu cấp, quản lý mã số vùng trồng với cây thanh long và lúa gạo nhằm nâng cao hiệu quả giữa cơ quan quản lý nhà nước với doanh nghiệp trong tổ chức sản xuất, kết nối thị trường, truy xuất nguồn gốc phục vụ xuất khẩu.
Ban chỉ đạo Chuyển đổi số Bộ NN-PTNT yêu cầu các đơn vị trực thuộc Bộ nêu cao tinh thần trách nhiệm và nắm chắc nội dung Đề án Chuyển đổi số ngành NN-PTNT đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Ngoài không gian chung, lãnh đạo Bộ NN-PTNT chỉ đạo đơn vị thực hiện triển khai Đề án phải cụ thể vào từng lĩnh vực và bám sát theo tiến độ. Đây là cơ sở để Ban Chỉ đạo chắt lọc nội dung chuyển đổi số cho các đơn vị, nhằm xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ cho ngành.