Trình bày tại Hội thảo lấy ý kiến đóng góp cho Dự thảo 6 Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác (Luật Hợp tác xã sửa đổi) ngày 22/9, Phó Cục trưởng Cục Phát triển Hợp tác xã Đặng Văn Thanh cho rằng, tên dự thảo luật mới phù hợp với Nghị quyết số 20- NQ/TW của Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII ban hành ngày 16/6/2022.
"Tên luật cũng phù hợp với đối tượng và phạm vi điều chỉnh, bao gồm các mô hình tổ chức kinh tế hợp tác đang hoạt động hiện nay là tổ hợp tác, HTX, liên hiệp HTX, liên đoàn HTX từ đơn giản đến phức tạp, từ quy mô nhỏ đến quy mô lớn. Các tổ chức có cùng hoặc tương đối giống nhau về bản chất, về nguyên tắc tổ chức, quản lý, hoạt động phục vụ các thành viên", ông Thanh chia sẻ.
Về vấn đề này, đại diện Liên minh Hợp tác xã cho rằng, tên gọi "Luật Hợp tác xã" mang nhiều nội hàm hơn về tinh thần hợp tác, so với tên "Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác" - được cho là thiên về định hướng kinh tế thị trường.
"Tại Việt Nam, khoảng 70% số HTX là HTX nông nghiệp. Tinh thần hợp tác, vốn thường tồn tại trong các tổ chức xã hội cần được đề cao", vị này nói.
Ngoài tên gọi, đa số đại biểu dự hội thảo nhất trí với mục tiêu của Dự thảo khi phấn đấu xây dựng hệ sinh thái các tổ chức kinh tế hợp tác mạnh. Trong đó, nhấn mạnh tới 4 khía cạnh: Tạo hành lang pháp lý thông thoáng; Tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa các tổ chức; Phát huy giá trị tốt đẹp của mô hình HTX; Thu hút nhiều đối tượng tham gia.
Dự thảo Luật này được thiết kế gồm 12 Chương, 117 Điều. Dự thảo Luật lần thứ 6 dự kiến trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 10/2022.
Trước đó, Tổ biên tập đã tổ chức khoảng 30 cuộc hội thảo lấy ý kiến các chuyên gia, các HTX địa phương, các tổ chức quốc tế, nhằm đưa kinh tế hợp tác trở thành thành phần kinh tế quan trọng của nền kinh tế Việt Nam.
Với phương châm đổi mới, thu hút thành viên và không làm mất bản chất, đặc trưng của mô hình kinh tế hợp tác, Dự thảo đề cao và bảo đảm quyền làm chủ, quyền được tham gia quản lý của tất cả thành viên HTX.
Đặc biệt, Dự thảo chi tiết nhiều điều, khoản để tránh hành vi trục lợi chính sách nhưng không gây khó khăn cho các tổ chức kinh tế hợp tác.
Trước đó, hôm 20/9, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng nêu một số quan điểm về Dự thảo Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác (Luật Hợp tác xã sửa đổi). Ông cho rằng, cần xây dựng một chương trình tổng thể hỗ trợ thông qua đào tạo, tư vấn, kinh doanh, thuế, tín dụng, bảo hiểm, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại và đầu tư.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị việc linh hoạt trong cách đặt tên Luật Hợp tác xã sửa đổi. "Nếu nhất thiết phải sửa thì không câu nệ, song quan trọng là bảo đảm thuận lợi, không ảnh hưởng đến việc thiết kế chính sách trong dự án luật", ông Huệ nói.