Người đứng đầu cuộc điều tra về vụ bê bối thịt ngựa năm 2013 đã gióng lên hồi chuông cảnh báo khi Vương quốc Anh bị cô lập thông tin tình báo về chuỗi cung ứng thực phẩm ở châu Âu, làm gia tăng nguy cơ xảy ra các vụ bê bối mới.
Ông Chris Elliott, giáo sư về lĩnh vực an toàn thực phẩm tại Trường Đại học Nữ hoàng Belfast, đã chủ trì cuộc điều tra của chính phủ về vụ bê bối “thịt ngựa thay thế thịt bò trong hàng loạt sản phẩm”. Hàng triệu sản phẩm thịt bò đã bị rút khỏi hệ thống siêu thị sau khi các cuộc kiểm tra cho thấy các mặt hàng bị pha trộn với thịt ngựa.
Mười năm sau vụ bê bối, giáo sư Elliott nhận định, Brexit đồng nghĩa với việc Vương quốc Anh không còn được hưởng lợi từ các cuộc họp giao ban tình báo của Mạng lưới gian lận thực phẩm nông nghiệp EU (FFN) - cơ quan hỗ trợ điều phối các hoạt động liên quan đến gian lận thực phẩm xuyên biên giới.
Vương quốc Anh cũng không còn có quyền truy cập đầy đủ vào Hệ thống cảnh báo nhanh về thực phẩm và thức ăn chăn nuôi (RASFF), tuy nhiên vẫn nhận được cảnh báo về các vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến Vương quốc Anh.
“Chúng ta đã mất rất nhiều quyền kiểm soát đối với thực phẩm chúng ta tiêu thụ, đặc biệt là thực phẩm được sản xuất bên ngoài Vương quốc Anh. Hiện tại đất nước của chúng ta không nhận được một thông tin tình báo nào về gian lận đang xảy ra hoặc nghi ngờ đang xảy ra ở lục địa châu Âu”, Giáo sư Elliot cho biết.
Theo giáo sư Elliot, sau khi vụ bê bối thịt ngựa nổ ra, nước Anh đã có những cải thiện tổng thể trong việc chống gian lận thực phẩm, một phần là nhờ vào việc thành lập Đơn vị Tội phạm Thực phẩm Quốc gia trực thuộc Cơ quan Tiêu chuẩn Thực phẩm (FSA). Cùng với việc thành lập Mạng lưới Tình báo Công nghiệp Thực phẩm vào năm 2015, việc chia sẻ thông tin trong ngành đã trở nên thuận tiện hơn do có sự tham gia của các thành viên trong lĩnh vực bán lẻ, sản xuất thực phẩm và ngành du lịch - nhà hàng - khách sạn.
Người phát ngôn Bộ Môi trường, Thực phẩm và Nông thôn Vương quốc Anh cho biết: “Chúng tôi luôn hết mình hỗ trợ nông dân Anh, đó là lý do tại sao chúng tôi thực hiện các biện pháp kiểm soát an toàn sinh học nghiêm ngặt đối với hàng nhập khẩu có rủi ro cao, đảm bảo không có sản phẩm nào vượt qua biên giới, đem lại rủi ro cho ngành.
Bộ Môi trường, Thực phẩm và Nông thôn giám sát chặt chẽ các đợt bùng phát dịch trên toàn cầu, đánh giá mọi rủi ro đối với chuỗi cung ứng thực phẩm và hợp tác chặt chẽ với Đơn vị Tội phạm Thực phẩm Quốc gia để giải quyết gian lận thực phẩm, đồng thời thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm nội địa chất lượng cao. Chúng tôi hoàn toàn có đủ nguồn lực để kiểm tra và thu giữ các sản phẩm không tuân thủ quy định quốc gia về an toàn thực phẩm. Chúng tôi sẽ không ngần ngại thực thi pháp luật”.