| Hotline: 0983.970.780

Chuyện làng quê

Thứ Hai 11/02/2013 , 13:53 (GMT+7)

Đầu làng tôi có ngôi đền thờ một bà thánh. Người ta gọi là đền Đức Thánh Mẫu. Có người gọi nôm na là đền Đức Thánh Bà.

ĐẦM SEN NGÀO NGẠT

Đầu làng tôi có ngôi đền thờ một bà thánh. Người ta gọi là đền Đức Thánh Mẫu. Có người gọi nôm na là đền Đức Thánh Bà. Trước cửa đền có một đầm sen hình bán nguyệt vừa rộng vừa sâu. Nước đầm sen quanh năm đầy và trong vắt, có thể nhìn thấy  những ngọn rong thẫm đen bò lan man dưới đáy hồ. Mặt hồ lá sen che phủ một màu xanh ngọc thẫm. Trên mặt lá, hình như lúc nào cũng sáng lấp lánh những giọt nước trong văn vắt. Những giọt nước lăn lăn trong lòng lá sen theo những làn gió nhẹ.

Đầu vụ gặt chiêm, đầm sen nở hoa. Người ta bảo đấy là mùa Bà Thánh rời ngôi đền đi ra đồng phù hộ cho con cháu gặt hái, và để cho tâm hồn được thanh thản hơn. Sen nở hoa dệt nên tấm thảm hương thơm rước Bà Thánh đi dạo, hương sen thơm tỏa đến đâu Bà Thánh đi tới đó. Ban đêm, càng khuya, hương sen càng thơm đậm đà, tỏa lan khắp xóm làng. Người ta vác chõng tre ra đường làng hóng mát, và để tâm hồn mình thơm đậm hương sen. Hương sen ru người ta vào giấc ngủ sâu đằm. Ban ngày, hương sen tỏa tới tận những thửa ruộng xa tít, cuối cánh đồng trước đền Bà Thánh. Những người đi gặt, có lẽ vì thế mà hăng hái hơn, làm việc suốt cả ban trưa. Bà Thánh đang phù hộ cho con cháu trong làng! Những đêm sáng trăng, trai gái rủ nhau ra bờ đầm trò chuyện. Họ cứ ngồi ở đấy rất khuya mới trở về. Có một anh con trai nào đó nói với người bạn gái trên đường về: "Tóc em thơm hương sen". Cô gái có lẽ quá sung sướng, ù té chạy lên phía trước, bỏ lại trên đường làng người bạn trai của mình.

BÀ THÁNH LINH THIÊNG

Đền thờ Đức Thánh Bà ở trên một cồn đất cao thoáng mát, chung quanh trồng nhiều cây hoa đại, trước cổng có hai cây phượng cổ thụ. Còn cồn đất thì toàn những cây phi lao to cao, quanh năm rì rào ca hát. Con đường nối với làng bên đi qua giữa ngôi đền và đầm sen. Khung cảnh đã khiến người ta có cảm giác như mình lạc vào cõi huyền bí rồi. Nhưng người ta còn thấy mình phải tỏ lòng tôn kính hơn khi đi qua đấy vì ai cũng nói là đền linh thiêng lắm. Ai làm điều gì bậy bạ quanh ngôi đền, thậm chí vô tình nhổ nước bọt ở đấy thôi, đều bị Bà Thánh phật ý. Bà Thánh phật ý thì Bà sẽ làm cho ốm lăn ốm lóc.

Trong làng, có một người đã vô tình nhổ nước bọt trước cửa đền. Khi về, trời đang nắng bỗng đổ mưa rào làm anh ta ướt như chuột. Về tới nhà, anh ta ốm li bì, khi sốt khi rét, không thuốc nào chữa khỏi. Của cải trong nhà bán nhẵn để chạy thuốc, nhưng đành chịu bó tay. Anh ta nằm chờ Bà Thánh đến bắt mang đi, các cụ già, sau khi biết anh ta đã phạm lỗi với Bà, khuyên phải mang lễ lên đền cúng xin Bà giải bùa cho. Thế là mâm lễ được mang lên đền, hương được thắp, tỏa khói nghi ngút. Nhưng khi khấn xin lá bùa Bà Thánh, người ta chợt nhớ là phải mời con Thánh đến. Con Thánh là bác Sở Liêu trong làng. Bác đang cày ruộng ngoài đồng, thấy có người ra gọi, liền buộc trâu chạy một mạch về nhà. Bác để nguyên quần áo, nhảy vào bể nước, ngụp lên ngụp xuống bảy lần rồi vào nhà thay bộ quần áo lụa nâu, đi vội tới đền. Việc đầu tiên, bác Sở Liêu quỳ sụp trên tấm chiếu, vái ba vái. Xong, bác đứng dậy, thè dài lưỡi ra.

Bác rút trong túi áo ra một con dao nhọn, mỏng và sáng lấp lánh. Dùng mũi dao đó, bác tự rạch một nhát vào lưỡi mình. Máu từ lưỡi bác tứa ra. Người ta trao cho bác một chén rượu vừa rót. Bác uống chén rượu nhưng không nuốt rồi bác phun ngụm rượu ấy lên mảnh giấy vuông to bằng bàn tay, quét nhũ vàng. Mảnh giấy vàng thấm rượu đỏ ửng lên. Người ta đốt mảnh "bùa" ấy, cho tàn tro rơi vào một chiếc bát vàng trên bàn thờ Bà Thánh. Tạ lễ xong, mang bát nước ấy về cho người ốm uống. Hai ngày sau người ốm khỏi bệnh. Ai chứng kiến việc đó mà chẳng kính nể sự linh thiêng của Bà Thánh? Nhưng tôi không được chứng kiến sự kiện ấy. Sự kiện ấy xảy ra trước cách mạng, và tôi được nghe mấy người trong làng kể lại. Tuy nhiên, tôi đã có một lần trông thấy bác Sở Liêu tự rạch lưỡi mình cho tứa máu, rồi nhấp rượu phun vào lá bùa. Lần ấy trong làng có một người bị thương hàn. Nhưng người ốm thì không qua khỏi. Bác Sở Liêu cuối năm ấy cũng qua đời.

Người ta bảo nguyên do là bác Sở Liêu bắt trộm một con gà của nhà hàng xóm hồi đầu năm. Con Thánh đã làm ngôi đền mất thiêng. Về sau, sân đền thành nơi hội họp vui chơi của trẻ con chúng tôi. Nhưng mỗi lần qua ngôi đền, hay nghĩ đến nó, tôi lại rùng mình thấy cái lưỡi dài của bác Sở Liêu tứa ra những tia máu đỏ tươi.

BÀ CÔ

Có lần tôi nghĩ, hình như con người sống nghĩ suy và làm việc cho đến lúc mái đầu bạc trắng như bông cũng cốt để giải đáp những câu hỏi mà thời thơ ấu mình đã đặt ra. Nhắm mắt từ biệt thế giới rồi, những câu hỏi vẫn lởn vởn quanh nấm mồ xanh rờn cỏ mọc.

- Cô ơi, lớn lên cháu làm gì? - Tôi hỏi bà cô đang ru đứa em nhỏ của tôi trên võng.

- Lớn lên cháu sẽ làm người. - Cô tôi nói, âu yếm.

- Làm người là thế nào hở cô? Thế còn nhỏ, cháu không phải là người à? - Tôi lại hỏi.

Đứa em gái của tôi lại khóc. Cô tôi không trả lời tôi mà bà vỗ vỗ vào chăn lót nó, ru cháu. Giọng ru của bà thật ấm dịu, ngọt ngào. Tôi nghe một cách say sưa, và quên đi câu hỏi của mình chưa được cô giải đáp. Cô tôi cũng không nhắc lại nữa. Có thể cô tôi không giải thích cho tôi được. Có thể cô tôi quên bẵng câu hỏi của tôi. Nhưng rồi một lần, tôi hỏi cô:

- Cô làm gì hở cô?

- Cô giữ các cháu, chứ còn làm gì nữa. - Cô tôi nói.

- Cô lớn thế mà cô không làm người à?

- Cái thằng chỉ nói dại!

Tôi cụt hứng, không hỏi nữa. Nhưng đầu óc tôi bởi thế mà âm âm i i như có tiếng cối xay suốt buổi. Cô tôi nói vậy, tức là cô đang làm người. Giữ các cháu là làm người. Chẳng lẽ lớn lên, tôi cũng đi giữ các cháu như cô để làm người? Tôi muốn lục vấn cô nhưng vì thấy thương bà, nên lại thôi. Mà làm sao không thương bà được. Bà đã giữ em cho bố mẹ tôi đi làm đồng. Chắc trước kia bà cũng giữ tôi như bây giờ bà giữ em gái tôi.

Có một dạo, tôi bỗng thấy vắng bà trong nhà. Dạo ấy, mẹ tôi chưa sinh em gái. Tôi đã hỏi mẹ tôi là bà cô đi đâu. Mẹ tôi nói, bà sang làng bên, giữ con cho một người cháu gái lấy chồng ở bên đó. Trong làng có ai sinh nở gọi bà, bà đến ngay. Khi rời đứa cháu này để đến với đứa cháu khác, bà thường mang trên vai một cái xéo vải, trong đó đựng mấy bộ quần áo, cái hộp đồng đựng cau trầu. Lưng bà hơi còng xuống, xéo vải trên lưng càng làm cho dáng đi của bà còng hơn. Bà già lắm rồi. Miệng không còn  chiếc răng nào. Cái cối giã trầu bằng đồng của bà lấm tấm những vết vôi trắng, còn cái chìa của nó có ba răng thì cũng đã mòn tù. Vậy mà không mấy khi thấy bà buồn. Trẻ con trong làng, hễ thấy bà là chạy theo chào hỏi. Bà nhớ tên từng đứa một, và còn biết rõ đứa nào hay đái dầm, đứa nào hay khóc thét và đứa nào hay nhè. Tết nào tôi cũng được bà mừng tuổi bằng tờ bạc hai hào mới cứng. Hai hào có thể mua được một gói kẹo ngọt, hoặc mười cái pháo lói.

Tôi cứ đinh ninh bà là chị ruột bố tôi. Lâu lắm, tôi mới biết bà không phải chị ruột bố. Bà là người họ hàng xa bên nội nhà tôi. Hồi còn con gái, bà có nhan sắc. Nhiều người phải lòng bà. Bà lấy chồng được năm năm thì người chồng bảo bà không có con, đòi lấy vợ hai. Bà bỏ nhà chồng về ở với mẹ. Lúc ấy, bà còn tuổi thanh niên. Nhưng đàn ông trong làng tin là bà không sinh nở được nên không ai đến hỏi bà. Hai mẹ con ở với nhau, mẹ bà qua đời, bà ở một mình cho đến già. Khi thấy không thể sống đơn độc được mãi, bà đi giữ con cho hầu hết các gia đình trong làng. Bà sống với trẻ con như vậy, dễ đến mấy chục năm rồi. Và trẻ con trong làng đều gọi bà là cô.

Khi đứa em gái tôi đã cứng cáp, cô tôi sửa soạn quần áo bỏ vào chiếc xéo vải. Hôm ấy, bố mẹ tôi làm một bữa ăn tiễn cô. Bà không ăn nhiều, chỉ luôn tay gắp cho anh em tôi những thức ăn ngon dành riêng cho bà. Khi tiễn bà đi, tôi mang hộ bà cái xéo vải ra ngõ, còn bà thì bế đứa em gái của tôi. Đến đường cái lớn, bà mới trao lại em gái cho mẹ tôi.

- Con chó con của cô, lớn lên như một nàng công chúa nhé! - Bà nói - Còn cậu hoàng tử này đừng hỏi cô nhiều như thế nữa. Lớn lên, cháu sẽ tự trả lời lấy. Cô không thể trả lời thay cho cháu được.

Bà đi về phía cuối làng. Lá tre khô rơi xuống mái tóc bạc trắng của bà, rơi xuống cái xéo vải màu nâu cũ kỹ của bà.

Tôi không ngờ, chỉ mấy hôm sau, bà qua đời ở một gia đình cuối làng, nơi có một đứa  trẻ con mới ra đời được mấy ngày.

Trẻ con trong làng đi đưa đám bà đông nghịt. Chúng tôi khóc to khi người lớn đặt quan tài bà xuống  huyệt. Tôi còn nhớ, hình như trong lúc kêu khóc trên nấm mộ của bà cùng với những đứa trẻ khác, tôi đã gào lên cái câu hỏi mà có lần tôi đã hỏi bà:

- Làm người là thế nào hở cô?

Cũng có thể là trí nhớ của tôi không được rõ ràng cho lắm. Thời gian như gió cuốn thổi qua trí nhớ con người, bào mòn trí nhớ. Nhưng không hiểu sao tôi cứ đinh ninh là mình đã gào lên như vậy trước nấm mồ bà cô, nấm mồ của con người mà tôi không thể nào quên được. Tôi tin điều ấy, vì cho tới lúc trưởng thành rồi nhiều lúc ngồi ngẫm nghĩ, câu hỏi ấy lại vang lên trong đầu "làm người là thế nào?". Mỗi lần như vậy, tôi lại tìm thêm một cách giải đáp cho mình. Có lẽ mãi mãi, cho đến khi nhắm mắt xuôi tay tôi còn phải đi tìm lời giải đáp cho câu hỏi tuổi thơ tôi. Có những câu hỏi như thế đấy, nó mãi mãi dành riêng cho con người trên trái đất.

KÈN TỔ SÂU

Trong làng, có một ông già chuyên thổi kèn đám ma. Mỗi khi có người chết, người ta lại chạy đến nhờ ông thổi kèn. Ông bảo họ về trước, ông sẽ đến ngay. Quả là người ta không phải đợi ông lâu. Người đi mời vừa về được một lát, ông đã bước vào nhà, tay xách một cái tráp, một cái cồng nhỏ và hai chiếc xập xoang bằng đồng giống như nắp vung đất. Việc đầu tiên, ông bảo người nhà rót cho một chén rượu, không phải để uống. Ông mở tráp, lấy chiếc kèn đồng đặt cẩn thận lên nắp tráp, rồi mở chiếc ống tre bằng ống tăm ra ông lấy từ trong ống tre hai cái tổ sâu hình phễu bé tí, ngâm nó vào chén rượu. Xong, ông lấy ra, vẩy vẩy cho khô rượu, ông bỏ trở vào ống tre một cái, còn một cái, cắm vào đầu chiếc kèn đồng, ông phồng má thổi thử một hơi. Chiếc kèn phát ra những tiếng kêu não nề. Những người mềm yếu, không thể không ứa nước mắt khi nghe tiếng kèn của ông. Thổi thử kèn xong, ông đậy tráp lại rồi bảo người nhà đổ chén rượu vừa tẩm tổ sâu, rót cho ông một chén khác. Chén này thì ông uống. Uống một hơi cạn. Trên tấm chiếu đã trải giữa nhà. Ông ngồi xếp hai chân vào nhau, và bắt đầu thổi kèn.

Tiếng kèn của ông vang lên một giai điệu quen thuộc. Người hiểu biết lễ nhạc có thể phân biệt được điệu kèn của ông thổi là điệu Nam ai hay Nam thương. Còn những người nhà của người quá cố, dù không phân biệt được điệu kèn gì, họ cũng oà lên khóc thống thiết theo tiếng kèn ông thổi. Tiếng kèn ông vang lên trong tiếc khóc than, khi thì tiếng khóc át mất tiếng kèn, khi thì tiếng kèn bay vút lên át tiếng khóc. Khoảng mười phút, ông lại nghỉ một lát. Tiếng khóc cũng lắng xuống. Khi đủ thời gian để lấy lại sức, ông lại nâng kèn lên thổi. Ngón tay ông vừa bấm được mấy nốt trên thân kèn đồng, tiếng than khóc lại ào lên… Cứ như thế, ông thổi kèn suốt đêm bên cạnh người chết.

Tiếng kèn ông vang lên trên đường đưa tiễn người chết đến nơi yên nghỉ cuối cùng. Cho đến khi đám tang trở về, vẫn nghe văng vẳng tiếng kèn não nề, của ông.

Người ta bảo: "Sống cờ đèn, chết kèn trống". Có lẽ vì thế mà có đám tang trong làng vào lúc ông bị ốm đau, không đến thổi kèn được, ông rất ân hận. Ông thường đến nhà xin lỗi gia đình người chết về sự vắng mặt của mình.

Bọn trẻ chúng tôi thường được ông nhờ kiếm tổ sâu trên những cây phượng trước sân đền làng. Những lúc như vậy, chúng tôi trèo ra cuối những cành phượng tìm tổ sâu. Tổ sâu bền như được dệt bằng một thứ sợi màu xám cực tốt. Chúng tôi ngồi bên cành phượng và thổi vang lên những tiếng kèn tổ sâu, không ra bài gì cả. Nghe tiếng kèn, lũ trẻ trong làng chạy ra và trèo lên cây phượng, mỗi lúc một đông. Và, hàng chục đứa trẻ cùng thổi kèn lên, tạo thành một bản hòa tấu kèn thật vui tai.

Tôi không thể nào tự giải thích được tại sao tiếng kèn của ông lão thổi kèn cứ buồn rượi, còn tiếng kèn của lũ trẻ chúng tôi lại vui vẻ, náo nhiệt. Có lần, tôi đã cố học điệu kèn buồn của ông, nhưng rốt cuộc chỉ làm cho cả lũ và cả chính tôi cười vang như nắc nẻ.

DÒNG SÔNG

Tôi đã đi dọc con sông bao quanh làng tôi vào ban đêm và ban ngày. Dường như tôi không nghĩ đấy là một dòng sông đầy nước. Trong trí nhớ của tôi, đó là một dòng trời màu xanh điểm một vài đám mây trắng, đó là một dòng sao luôn nhấp nháy dưới tận đáy sâu lòng đất, đó là một dòng thời gian mãi mãi chảy vào vô tận. Những con thuyền, những mảng bè, lá cây và rác rưởi… không phai chúng được dòng nước cuốn đi, mà chính chúng đã trượt trên nền trời, trên sao sáng và thời gian. Chỉ khi nhảy từ trên bờ xuống dòng sông, tôi mới thực sự nhận thấy rằng đấy là một dòng nước mát đến buốt nhức. Tôi thả mình vào khoái cảm do dòng nước mát trong và cuộn xiết mang lại. Nhưng tôi luôn phải chống lại chúng để mình khỏi bị cuốn trôi ra biển làm mồi cho cá mập. Nghĩa là tôi phải trụ lại như những ngôi sao dưới lòng sông, như bầu trời trong xanh dưới lòng sông.

Tôi nhìn lên phía thượng nguồn dòng sông, lèn Hai Vai vẫn đứng nguyên chỗ cũ, vững chắc đến nỗi bóng của nó dưới lòng sông, dòng nước không mang đi được. Tôi nhìn xuống hạ lưu, chiếc cầu mang tên dòng sông: cầu Bùng - vẫn uốn cong mình nối đôi bờ phù sa trù phú. Vậy mà có những cây gỗ quý đã bị dòng sông cuốn phăng ra biển. Dòng sông cuốn đi tất cả những gì không thắng sức chảy của nó.

Tôi đã nghe những câu hát của dòng sông trong đêm tối trời. Có thể ai đó trên con thuyền xuôi ngược dòng sông đã cất lên câu hát, nhưng tôi không muốn tin đấy là câu hát của con người. Tôi không trông thấy gì cả trong những đêm tối như bưng lấy mắt, và bởi vậy đối với tôi, dòng sông đã hát lên. Cả những lúc tĩnh mịch dăng đầy dòng sông tôi vẫn nghe dòng sông hát, tận đáy sâu. 

Xem thêm
Tháng phim điện ảnh tri ân huyền thoại màn bạc Alain Delon

Tháng phim điện ảnh từ 12h ngày 16/12/ 2024 đến 24h ngày 16/1/2025, với ba tác phẩm nổi tiếng cho sự góp mặt của huyền thoại màn bạc Alain Delon.

Liverpool đang được ví như Man.United thời huy hoàng

Đội bóng 'quỷ đỏ' thành phố cảng Liverpool của nước Anh đang thi đấu thăng hoa, bất khả chiến bại trên mọi đấu trường.

Hàng trăm thú cưng đọ tài sắc tại Vietnam Pet Festival 2024

TP.HCM Ngày 29/6, hàng trăm chó mèo được chủ nhân đưa đến Vietnam Pet Festival 2024 tổ chức tại quận 12 để tham gia các cuộc thi sắc đẹp, thi thời trang.