“Chuyện tình khó quên” của thầy giáo Lương Duy Cán và cô giáo Thanh Phương bắt đầu tại Ninh Thuận ngay sau ngày đất nước thống nhất. Thầy giáo Lương Duy Cán được tăng cường từ Quảng Bình, còn cô giáo Thanh Phương vừa tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội được bố trí chi viện cho giáo dục miền Nam.
Cùng dạy ở Trường Trung học phổ thông Nguyễn Trãi, Phan Rang rồi cả hai cùng chuyển vào Trường Trung học phổ thông Phan Bội Châu, Phan Thiết. Chuyện tình khó quên giữa thầy giáo Lương Duy Cán và đồng nghiệp ít hơn 17 tuổi, được ông viết thành thơ: “Tình anh như muối kia/ Không màu và lặng lẽ/ Em như làn gió nhẹ/ Thổi qua vườn cây chiều”.
Thế nhưng, gia đình của cô giáo Thanh Phương không muốn con gái mình dan díu với gã đàn ông trung niên nghèo khó. Thầy giáo Lương Duy Cán bị cha mẹ gọi vào TP.HCM công tác, thầy giáo Lương Duy Cán nấc lên những cung tơ não nề “Bài hát xưa, anh ngồi hát một mình/ Mưa đầy phố khiến giọng anh khàn đục/ Chẳng có gió cho hàng cây thổn thức/ Chỉ im lìm trời lạc tiếng mưa rơi” và không nguôi mong ngóng “Bây giờ em đã xa anh/ Cái thành phố ấy không xanh nữa rồi/ Vầng mây đã tối ngang trời/ Những ô cửa sổ em ơi, đâu còn/ Anh đi tìm lại lối mòn/ Tìm không thấy lối, chỉ còn gió bay”.
Trái tim có lý lẽ riêng, không thể ngăn cản. Cô giáo Thanh Phương thưa với song thân rằng, sẽ không lấy chồng, nếu không cho mình cưới thầy giáo Lương Duy Cán. Vậy là, đất không chịu trời thì trời phải chịu đất. Ngày 17 tháng 3 năm 1979, nhà giáo Lương Duy Cán 42 tuổi và cô giáo Thanh Phương 25 tuổi đã tổ chức lễ cưới tại Trường trung học phổ thông Phan Bội Châu, Phan Thiết.
Sau khi kết hôn, vợ chồng họ vẫn phải xa nhau, thỉnh thoảng nhà giáo Lương Duy Cán từ Phan Thiết vào Sài Gòn thăm vợ, hoặc cô giáo Thanh Phương phải từ Sài Gòn ra Phan Thiết thăm chồng. Đến năm 1982, thầy giáo Lương Duy Cán chính thức trở thành giảng viên Trường Cao đẳng Sư phạm TP.HCM, thì họ mới được ở gần nhau.
Thầy giáo Lương Duy Cán được xem như một người dạy Văn nổi tiếng bậc nhất Việt Nam. Những năm dạy văn ở Quảng Bình, thầy giáo Lương Duy Cán có những học trò sau này trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam như Trần Nhật Thu, Lâm Thị Mỹ Dạ, Ngô Minh, Đỗ Hoàng, Lê Đình Ty, Hải Kỳ...
Ngoài vai trò đứng trên bục giảng, thầy giáo Lương Duy Cán còn được biết đến với tư cách một nhà thơ. Năm 1961, thầy giáo Lương Duy Cán dùng bút danh Mai Liêm viết “Hai bài thơ tình của người thủy thủ” và nhạc sĩ Hoàng Vân phổ nhạc thành ca khúc “Tâm tình người thủy thủ” quen thuộc với công chúng hơn 60 năm qua: “Nếu có chàng trai chưa từng qua sóng gió/ Nếu có chàng trai chưa từng vượt qua nhiều thử thách gian lao/ Có lẽ nào xứng với tình em”.
Từ năm 1975 đến nay, thầy giáo Lương Duy Cán thường dùng bút danh Hà Nhật, được ghép từ tên gọi làng Hà thuộc thành phố Đồng Hới và dòng sông Nhật Lệ của tỉnh Quảng Bình, là nơi ông chào đời năm 1937. Bút danh Hà Nhật chiếm lĩnh tình cảm của công chúng thi ca, qua hai tập thơ “Sỏi đá trên đường” và “Gió Lào đi ra biển”.
Thầy giáo Lương Duy Cán và cô giáo Thanh Phương có hai người con, Thùy Dương sinh năm 1980 và Duy Bình sinh năm 1984. Cô giáo Thanh Phương không chỉ giữ gìn ngọn lửa ấm cho ngôi nhà hạnh phúc mà còn nuôi nấng ngọn lửa thi ca trong lòng thầy giáo Lương Duy Cán.
Thầy giáo Lương Duy Cán tự hào vừa là “vua dạy luyện thi” vừa là “vua viết sách tham khảo”. Xung quanh kỳ tích này của thầy giáo Lương Duy Cán có một chi tiết thú vị. Khi con gái Thùy Dương của ông đi làm thủ tục du học Mỹ, người ta yêu cầu chứng minh tài sản gia đình. Mọi giấy tờ nhà đất đều chưa đủ điều kiện, Thùy Dương bèn đưa ra mấy cuốn sách mà Lương Duy Cán đứng tên tác giả. Nhân viên lãnh sự quán Mỹ gật gù “cha của bạn giỏi quá” và đồng ý cấp visa cho Thùy Dương.
Suốt 40 năm son sắt mặn nồng, vợ chồng thầy giáo Lương Duy Cán có được cơ ngơi rất khang trang. Xót xa thay, cô giáo Thanh Phương bất ngờ phát hiện bị ung thư. Thời gian chữa trị bệnh nan y, nhà giáo Lương Duy Cán luôn túc trực bên người vợ hiền. Thế nhưng, định mệnh vẫn có những trớ trêu không thể cưỡng lại.
Nhật ký của thầy giáo Lương Duy Cán viết: “Chiều ngày 28 tháng 2 năm 2020, hai đứa con xin phép đưa mẹ về nhà. Gần tối thì xe cứu thương về trước cửa. Thanh Phương được đưa vào phòng riêng. Tôi ngồi cạnh giường, thấy Thanh Phương càng lúc càng mê man. Cầm tay Thanh Phương, tôi thấy mạch đập càng lúc càng yếu. Cứ thế, Thanh Phương cứ mê dần đi.
Một đêm dài dần qua. Gần sáng, ngày 29 tháng 2 năm 2020, lúc 4 giờ 34 phút, Thanh Phương thở hắt ra một cái cuối cùng. Cha con tôi cùng òa khóc. Thế là vĩnh viễn tôi đã mất Thanh Phương”.
Không còn người vợ tào khang đã cùng mình đi qua bao nhiêu gieo neo, thầy giáo Lương Duy Cán hụt hẫng. Sức khỏe của ông giảm sút rất nhanh, và ông không muốn tin sự thật bẽ bàng ấy. Ông níu kéo hình ảnh hiền thê bằng những câu thơ khắc khoải “Viết cho Thanh Phương”.
Thầy giáo Lương Duy Cán bây giờ tuổi 86 tính toán tỉ mỉ, “chuyện tình khó quên” đã gắn kết vợ chồng ông được 40 năm 11 tháng 9 ngày. Và đó là một đặc ân mà Thượng đế đã dành cho ông: “Ai hay một cánh cò còn bay đến thơ anh/ Một cánh cò còn bay đến đời anh/ Một cánh cò còn đơn đôc hơn xưa/ Một cánh cò còn nhọc nhằn hơn xưa/ Một cánh có chỉ đến với riêng anh/ Có bài ca dao nào dành cho em không/ Có bài thơ cánh cò nào dành cho em không”.
Chuyên mục “Chuyện tình khó quên” với chủ đề “Nhà giáo Lương Duy Cán và cánh cò không có trong bài giảng”, được gửi đến thính giả lúc 20h tối nay 18/11 trên Nông nghiệp Radio.