| Hotline: 0983.970.780

Có bằng chứng PVN gửi tiền vào Oceanbank theo chỉ đạo của ông Đinh La Thăng?

Thứ Sáu 15/09/2017 , 06:55 (GMT+7)

TAND TP Hà Nội tiếp tục phiên xét xử sơ thẩm lần 2 vụ đại án kinh tế xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đại Dương (Oceanbank).

* Đề nghị tử hình Nguyễn Xuân Sơn, chung thân Hà Văn Thắm

Sáng 14/9, sau 2 ngày nghỉ, phiên tòa xét xử Hà Văn Thắm và 50 đồng phạm tiếp tục diễn ra với phần đại diện VKS phát biểu quan điểm luận tội các bị cáo.

17-37-37_img_2001
Nguyễn Xuân Sơn bị đề nghị mức án tử hình

Sau khi đưa ra các quan điểm luận tội, Viện Kiểm sát đã đề nghị mức án với các bị cáo. Trong đó, Nguyễn Xuân Sơn với các tội danh, đặc biệt là Tham ô đã bị đề nghị mức án tử hình. Hà Văn Thắm chung thân. Nguyễn Minh Thu bị đề nghị tổng mức hình phạt từ 24-27 năm. Hứa Thị Phấn bị đề nghị 17-18 năm tù. Phạm Công Danh bị đề nghị 16-17 năm tù tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng…

Với 41 bị cáo còn lại là các giám đốc khối, kế toán, giám đốc chi nhánh các tỉnh, giám đốc và phó giám đốc phòng giao dịch các tỉnh bị đề nghị từ 18 tháng tù treo đến 10 năm tù.

Về trách nhiệm dân sự, trong số 1.500 tỷ chi lãi suất ngoài và 2 tỷ đồng thu phí ở BSC được tính trừ số tiền Sơn chiếm đoạt, số còn lại VKS đề nghị buộc các bị cáo Thắm, Thu, Thủy, Nam phải bồi hoàn. Trong đó, Sơn bị truy thu 67 tỷ đồng tiền thu phí khách hàng đã chiếm đoạt, bồi thường 197 tỷ đồng chi lãi suất ngoài hợp đồng trái quy định, bồi thường cho PVN 49 tỷ đồng.

Bị cáo Hứa Thị Phấn phải bồi thường 500 tỷ cùng lãi suất đã vay cho Oceanbank. Nguyễn Trà My và 34 giám đốc các chi nhánh do không được hưởng lợi, thực hiện chỉ đạo hội sở, nên VKS không buộc trách nhiệm liên đới.

Chiều 14/9, phiên tòa chủ yếu dành phần lớn thời gian cho các luật sư bào chữa cho các bị cáo. Đáng chú ý, khi bào chữa cho bị cáo Nguyễn Xuân Sơn, Luật sư Nguyễn Minh Tâm đã trưng ra văn bản ngày 7/9/2010 do Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) Đinh La Thăng ký. Đó là văn bản số 6843 yêu cầu các đơn vị thành viên thuộc PVN và các nhà thầu dầu khí phải thực hiện mở tài khoản tại Oceanbank, thực hiện các giao dịch qua tài khoản tại Oceanbank bao gồm: cấp phát vốn, thanh toán, gửi tiền, và các dịch vụ tài chính khác, trong đó có các quan hệ tài chính giữa các đơn vị với nhau.

Nội dung văn bản chỉ đạo: “Các đơn vị khẩn trương phối hợp với Oeanbank thực hiện và phải báo cáo kết quả về Tập đoàn trước ngày 15/10/2010”.

Luật sư Tâm cho rằng căn cứ vào văn bản này thì Chủ tịch HĐTV chứ không phải của TGĐ PVN chỉ đạo các đơn vị gửi tiền vào Oceanbank.

Điều này có ý nghĩa rất quan trọng để xác định hành vi của Nguyễn Xuân Sơn, từ nội dung đó có thể rút ra kết luận quan hệ giữa PVN và Oceanbank đã được hai Chủ tịch của hai đơn vị thống nhất, thỏa thuận và triển khai cam kết hỗ trợ tối đa trước khi Nguyễn Xuân Sơn được PVN giới thiệu sang Oceanbank công tác. Kể cả thời gian sau khi Nguyễn Xuân Sơn thôi chức TGĐ Oceanbank để về làm Phó TGĐ PVN. Về mặt pháp lý, quan hệ giữa hai pháp nhân PVN và Oceanbank đã được xác lập bằng văn bản thỏa thuận cam kết tháng 9/2008 do chính ông Đinh La Thăng ký với Hà Văn Thắm với các cam kết rõ ràng về nghĩa vụ của PVN trong việc hỗ trợ Oceanbank thực hiện các dịch vụ ngân hàng.

Hơn nữa, sau đó tinh thần và nội dung văn bản thỏa thuận này còn được chính TGĐ PVN và đích thân Chủ tịch PVN quán triệt đến từng đơn vị thuộc Tập đoàn bằng văn bản đã nêu trên. Từ đó có thể suy ra, ở PVN không ai có thể làm trái thỏa thuận cam kết đó để thực hiện mục đích cá nhân, kể cả Nguyễn Xuân Sơn. Tài thánh cũng không cho phép Nguyễn Xuân Sơn làm trái quy định tại văn bản này.

Nguyễn Xuân Sơn có dám dùng tư cách cá nhân yêu cầu các đơn vị gửi tiền vào PVN hay không? Đương nhiên là không! Vì thế không thể quy buộc Nguyễn Xuân Sơn đã lợi dụng uy tín, vị thế và sự phụ thuộc của Oceanbank vào nguồn tiền của PVN để gây áp lực và chi phối lãnh đạo Oceanbank phải chi tiền lãi ngoài, nhằm thực hiện mục đích cá nhân. Suy nghĩ này không được chứng minh, trong khi đó trách nhiệm của VKS là phải chứng minh. Nếu không chứng minh được sẽ không thể kết tội Nguyễn Xuân Sơn tham ô, từ đó không thể đề nghị mức án tử hình đối với Nguyễn Xuân Sơn.

Liên quan đến quá trình điều tra mở rộng (giai đoạn 2) vụ án Hà Văn Thắm và đồng phạm, Cơ quan cảnh sát điều tra (C46), Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố 3 vụ án hình sự lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro; Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn; Tổng công ty Thăm dò khai thác dầu khí. C46 cũng cho biết căn cứ tài liệu điều tra thu thập được, C46 đã ra quyết định khởi tố bổ sung vụ án hình sự số 17/C46-P11 và khởi tố bổ sung bị can đối với Ninh Văn Quỳnh, nguyên Phó Tổng giám đốc PVN, về tội lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản. Hiện C46 đang tập trung lực lượng điều tra, mở rộng vụ án và xử lý nghiêm trước pháp luật những đối tượng có liên quan; đồng thời có biện pháp thu hồi tài sản cho Nhà nước.

Xem thêm
Hái trộm nửa tấn cà phê của chủ, hai anh em bị bắt

Gia Lai Được thuê đến vườn hái cà phê, hai anh em Đức và Việt đã lợi dụng lòng tin của chủ vườn, hái trộm gần nửa tấn cà phê đem giấu bán, lấy tiền tiêu xài.