| Hotline: 0983.970.780

Cơ cực miền tây Thanh Nghệ Tĩnh: [Bài 2] Đói nghèo đeo đẳng

Thứ Ba 10/09/2019 , 07:01 (GMT+7)

Khẩu hiệu xây dựng nông thôn mới (NTM) căng lên khắp nơi. Nhưng cái nghèo, cái đói thì vẫn bủa vây lấy dân bản.

19-19-43_2
Những ngôi nhà nghèo giữa bạt ngàn rừng núi.

Oái oăm thay, vì danh hiệu bản NTM, nhiều hộ không những “thoát nghèo ngoạn mục” mà còn phải bán trâu, bò xây dựng các công trình để đón bản NTM. Câu chuyện xót xa ấy ở xã Yên Khương, huyện Lang Chánh (Thanh Hóa).
 

Bi kịch thiếu đất sản xuất

Cuối năm 2018, bản Xắng sáp nhập với bản Hằng thành bản Xắng Hằng có 114 hộ với 541 nhân khẩu. Dù nằm giữa bạt ngàn núi rừng nhưng dân bản Xắng Hằng không có đất sản xuất, chỉ vỏn vẹn 1,5ha ruộng nước, tức là bình quân mỗi nhân khẩu có khoảng 28m2.

Không có đất sản xuất, không có nghề phụ, nhiều lao động chính phải bỏ quê đi xa làm ăn. Tuy nhiên, là người vùng đồng bào dân tộc thiểu số, kỹ năng lao động hạn chế, nguồn thu từ những lao động đi làm ăn xa cũng không đáng kể. Số lao động ở nhà, đa phần người già, trẻ nhỏ, phải vào rừng hái lá chuối đi bán, đi trồng keo, bóc vỏ keo mua gạo; tận dụng những thửa đất nhỏ ven đồi trồng sắn đắp đổi qua ngày.

Ông Lò Văn Soạn, Bí thư Chi bộ bản Xắng Hằng mắt đăm chiêu nhìn về những cánh rừng xa xa không giấu được vẻ lo âu: “Bình quân, mỗi hộ chưa đến 200m2 ruộng nước. Mỗi năm cấy 2 vụ, nhiều nhất cũng chỉ được 2 tạ lúa, thiếu ăn triền miên. Cả bản có 40 lao động chính đi làm ăn xa nhưng thực tế chỉ đủ nuôi miệng. Người ở nhà vẫn phải tự nuôi mình thôi. Hiện nay, đất rừng được giao cho Đồn Biên phòng quản lý, bảo vệ; dân bản nhiều lần kiến nghị Nhà nước cấp đất sản xuất nhưng vẫn chưa được. Thế này thì dân bản còn nghèo mãi”.

Theo Ban quản lý bản Xắng Hằng, hầu như hộ nào trong bản cũng thiếu đói vào các tháng 3, 7, 8. Những lúc đói, dân bản phải đi nợ tiền gạo ở các quầy bán lương thực của người dưới xuôi lên. Cả bản chỉ có 61 con trâu bò; lợn gần như không nuôi; gia cầm thì rất ít. Nếu chia bình quân, mỗi hộ chỉ sở hữu 1/2 con trâu bò. Ngoài việc không có tiền đầu tư thì thiếu đất sản xuất, thiếu nơi chăn thả, không có nông sản phụ để làm thức ăn và cả thiếu kiến thức chăn nuôi là nguyên nhân chính.

Dân bản Yên Bình (được sáp nhập từ bản Khon và bản Muỗng) cũng buồn rũ rượi. Cả bản có 101 hộ nhưng chỉ 7 hộ được giao khoán đất rừng, phần lớn là rừng khoanh nuôi bảo vệ, gần như không có rừng trồng. Trên 400 nhân khẩu của bản chỉ nhìn vào 1,3ha lúa nước.

19-19-43_3
Không có đất sản xuất, đa phần dân bản thiếu ăn.

Chúng tôi đến nhà ông Lò Văn Hải, bản Yên Bình. Căn nhà sàn trống huơ, trống hoác lợp bằng mái tranh, sàn bằng nứa, ngồi trong nhà có thể thấy trời cao qua mái tranh dột nát; nhìn xuống có thể thấy quần áo rách rưới dưới sàn. Tài sản trong nhà chẳng có gì đáng giá ngoài bộ xoong nồi nấu ăn bằng bếp củi bám đầy muội than. Nhà không có vách ngăn, ông Hải dùng pin đèn nhuộm đen màn để đêm đêm vợ chồng sinh hoạt, còn đứa con ngủ ở một góc nhà.

Cứ theo ông Hải thì vợ chồng ông nghèo từ lâu lắm và chắc sẽ còn nghèo mãi. 4 miệng ăn nhưng có chưa đầy nửa sào ruộng, mỗi năm chỉ thu về hơn 1,5 tạ thóc. Mỗi năm nhà thiếu ăn 6 - 7 tháng. Nếu không có Nhà nước hỗ trợ gạo cho hộ nghèo thì không biết lấy gì mà sống. Những ngày thiếu gạo, sáng sớm tinh mơ ta phải đi bộ hàng chục km vào rừng, hái được khoảng 20 - 30kg lá chuối, đầu buổi chiều về bán được 60 - 70 nghìn đổi gạo ăn.

Ông Lò Biết Chữ, Bí thư Chi bộ bản Yên Bình xác nhận cho tình cảnh khốn khó của dân bản: “Hầu như hộ nào cũng thiếu ăn, ít thì vài ba tháng, nhiều thì nửa năm. Không được đụng vào rừng, lúc đói, không đi làm thuê được thì dân bản đi hái lượm, săn bắt. Một nửa lao động của bản này phải đi làm ăn xa. Ông Hoàng Văn Giáp, nguyên Bí thư Chi bộ cũng không chịu được cảnh đói khổ, hai vợ chồng bỏ vào miền Nam làm ăn rồi. Cả bản có 100 con trâu bò nhưng đa phần là vay ngân hàng về nuôi cả thôi”.'

Đêm đêm thì đi “man” (đi bắt ếch, nhái, cá) để kiếm thêm thức ăn. Đứa con đầu học hết lớp 9, cán bộ đến vận động cho đi học trường huyện nhưng nó phải đi làm kiếm tiền nuôi em thôi.
 

Đã nghèo còn đeo cục nợ

Năm 2018, bản Xắng Hằng được công nhận bản nông thôn mới (NTM), phần thưởng là 180 triệu đồng để cải thiện hạ tầng giao thông. Tuy nhiên, để đón bản NTM, xã “lệnh” cho các hộ dân bản phải xây dựng công trình vệ sinh, nhà tắm, bể chứa nước.

Lệnh xã ban ra, các ban quản lý thôn bản họp lên họp xuống; nhiều ánh mắt dân bản như van lơn, cầu xin; dân nghèo, đã bắt buộc ra khỏi hộ nghèo rồi, nay lại vay tiền xây dựng công trình vệ sinh nữa thì biết lúc nào ngóc đầu lên được? Nhưng chần chừ mãi cũng không thể tránh được, cán bộ thôn bản gạt nước mắt, nhiều hộ phải bán trâu, bán bò để... đón bản NTM.

Ông Lò Văn Soạn, Bí thư Chi bộ bản Xắng Hằng thốt lên: “Trên bắt thì cũng phải làm thôi. Nhưng mà nhiều hộ khổ lắm, phải bán trâu, bò để xây nhà vệ sinh, bể nước, nhà tắm. Tội dân lắm, đã nghèo lại phải bán cả con trâu, con bò. Nếu chấm điểm công bằng thì bản Xắng Hằng còn nhiều hộ nghèo lắm chứ không chỉ 3 hộ như hiện nay đâu”.

Năm 2018, hộ ông Lò Văn Đanh bị buộc thoát nghèo. Nhưng đó chưa phải là bi kịch lớn nhất. Mặc dù, căn nhà sàn chẳng có thứ gì đáng giá nhưng vợ chồng ông vẫn phải thuê thợ đến xây nhà vệ sinh, bể nước gia đình để bản được công nhận NTM.

“Gia đình ta nghèo không phải vì siêng ăn nhác làm mà vì thiếu đất sản xuất. Ba miệng ăn chỉ có chưa đến nửa sào ruộng nước, trồng 2 vụ cũng chỉ được hơn 1 tạ lúa, đủ ăn vài ba tháng. Mang tiếng thoát nghèo nhưng nhà ta còn nghèo lắm. Xã cấp cho 10 bao xi măng, bắt làm nhà vệ sinh, bể chứa nước. Nhà nuôi được 1 con trâu, ta bán được 11,5 triệu đồng, làm hết 16 triệu đồng. Thiếu tiền phải đi vay nợ”.

19-19-43_4
19-19-43_5
Sau khi “thoát nghèo” ngoạn mục, ông Đanh phải bán trâu, xây dựng công trình vệ sinh để đón bản NTM.

Còn ông Lò Văn Sung nghèo đến mức phải đi nuôi rẽ trâu bò nhưng vẫn “được” cho thoát nghèo.

“Nhà không có trâu bò nên ta phải nuôi 1 con trâu cho người trong bản. Thường thì nuôi 1 - 2 năm sẽ bán, chủ trâu cho được bao nhiêu thì cho, nhưng cũng chỉ 1 - 2 triệu đồng thôi. Mỗi năm nhà thu hoạch được 2 bao lúa, đủ ăn 1 - 2 tháng, còn lại thì đi làm thuê mua ăn hoặc phải ra các quán bán hàng chịu nợ, có lúc nào trả lúc đó.

Ta mới vay ngân hàng 75 triệu đồng để chăn nuôi nhưng nhà hỏng hết nên phải sửa lại. Một số thì để làm nhà vệ sinh, vẫn còn nợ 1 triệu tiền vật liệu. Tiền vay ngân hàng, vay người ngoài không biết đến lúc nào mới có trả”, ông Sung xót xa.

Ông Lò Văn Quyền, Chủ tịch UBND xã Yên Khương xác nhận, xã làm tờ trình xin UBND huyện xi măng cấp cho các hộ xây dựng công trình vệ sinh và bắt buộc phải thực hiện và đây cũng là chủ trương của huyện Lang Chánh.

Theo UBND xã Yên Khương, mức thu nhập bình quân hiện nay của xã là 18 triệu đồng/người/năm. Tuy nhiên, người dân Yên Khương khẳng định, con số không phản ánh đúng thực tế bởi người dân ở đây còn cơ cực lắm.

Những số liệu về đất đai sản xuất càng khẳng định những điều người dân Yên Khương nói là có cơ sở. Toàn xã hiện chỉ có 88 ha lúa nước, dân số Yên Khương là 5.200 người, có nghĩa là, bình quân mỗi nhân khẩu có chưa đến 170m2. Trong số 4.446ha đất rừng sản xuất thì có tới 2.010ha thuộc rừng khoanh nuôi bảo vệ gần như không được đụng vào.

Số diện tích rừng trồng còn lại chia bình quân cho mỗi hộ dân cũng chỉ chưa đến 2,2ha, phần lớn là đất đồi dốc, khó canh tác. Dù là xã biên giới, diện tích rừng núi lớn, có thể phát triển chăn nuôi đại gia súc nhưng số lượng trâu bò chưa đến 1 con/hộ

Điều đáng nói là, dù người dân còn bị nghèo đói bủa vây nhưng nhìn chỉ số thoát nghèo của Yên Khương, nhiều người không khỏi giật mình. Chỉ sau 3 năm (2016 - 2018) tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm từ 46,58% còn 25,3%.

Không chỉ Yên Khương mà một số bản như Nà Đang (xã Lâm Phú), bản Húng (xã Giao Thiện)… hiện cũng không có đất sản xuất. UBND huyện Lang Chánh đã giao cho Phòng TN-MT chủ trì rà soát tình hình để đề xuất tỉnh thu hồi một số diện tích đất rừng của các chủ rừng nhà nước, chia cho người dân.
Một cán bộ Đồn Biên phòng Yên Khương cho biết, đời sống người dân ở đây hết sức cơ cực, thu nhập hầu như không có gì đáng kể. “Phần lớn bà con ở trên đất rừng phòng hộ do Đồn quản lý. Cùng với nghèo đói, thiếu đất sản xuất gây không ít khó khăn cho công tác quản lý bảo vệ rừng. Nhiều lần các cấp ngành đã họp để xin chuyển đổi một số diện tích đất rừng nghèo kiệt cho người dân sản xuất nhưng vẫn chưa được”, vị cán bộ Đồn Biên phòng Yên Khương cho hay.

Xem thêm
Kỷ luật ông Vương Đình Huệ, chưa xem xét kỷ luật ông Võ Văn Thưởng

Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật Cảnh cáo ông Vương Đình Huệ, chưa xem xét, xử lý kỷ luật ông Võ Văn Thưởng do đang điều trị bệnh.

Hậu Giang: 200ha diện tích nông nghiệp được xác nhận an toàn thực phẩm

Hậu Giang khẳng định vị thế phát triển nông nghiệp an toàn với hơn 200ha được xác nhận an toàn thực phẩm, gồm chuỗi giá trị cây ăn trái, lúa gạo, thủy sản, rau màu.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Hơi ấm cộng đồng giúp người dân Lục Yên gượng dậy sau bão

Yên Bái Vượt qua những đau thương, mất mát do thiên tai càn quét, những ngày này chính quyền và người dân ở huyện Lục Yên đang gượng dậy khôi phục sản xuất, dựng lại nhà ở.