Những năm gần đây, diện tích cây ăn quả ở Gia Lai phát triển nhanh, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân. Theo đó, có không ít những "ông lớn" đang đầu tư có hiệu quả vào thị trường cây ăn quả ở tỉnh này...
"Điểm mặt" những "ông lớn"
Toàn tỉnh Gia Lai hiện có trên 7.200 ha cây ăn quả thì riêng Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai đã đầu tư, phát triển 870,5 ha. Những loại cây ăn quả mà "ông lớn" Hoàng Anh Gia Lai đang đầu tư có hiệu quả như: 71 ha chuối già hương Nam Mỹ (trồng ở xã Đăk Tley, huyện Mang Yang); 232 ha thanh long (giống thanh long tím hồng, ruột đỏ) trồng ở các huyện Mang Yang (62 ha), Chư Prông (80 ha), Ia Pa (90 ha); 36 ha sầu riêng (giống sầu riêng Monthong Thái Lan) và 24,5 ha bơ (giống bơ sáp, bơ Booth) trồng tại xã Đăk Yă, huyện Mang Yang; 507 ha chanh dây trồng ở huyện Mang Yang (354 ha), thị xã An Khê (28 ha) và huyện Ia Grai (125 ha).
Thanh long đại điền của Hoàng Anh Gia Lai |
Tính riêng năm 2017, Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai đã sản xuất và xuất khẩu gần 688 tấn trái cây sang thị trường Trung Quốc và Thái Lan, với tổng kim ngạch xuất khẩu trên 432.000 USD. Trong đó, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc 640,5 tấn chuối già hương Nam Mỹ (tổng kim ngạch gần 359.000 USD), xuất khẩu sang thị trường Thái Lan 47,2 tấn thanh long (tổng kim ngạch gần 37.200 USD).
Một "ông lớn" khác, nổi tiếng trong và ngoài nước với những sản phẩm nước ép trái cây, đó là Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao. Ngày 21/1/2018, Công ty này đã chính thức khởi công xây dựng Trung tâm chế biến rau quả DOVECO công nghệ cao (tại cụm công nghiệp huyện Mang Yang) với diện tích khoảng 6 ha. Đây là một trung tâm chế biến rau quả khép kín, bao gồm từ liên kết phát triển sản xuất, thu mua nguyên liệu; chế biến tinh, chế biến sâu và hệ thống kinh doanh bán hàng trong nước, xuất khẩu. Dự án bao gồm tổ hợp 3 nhà máy có thiết bị và công nghệ hiện đại nhất hiện nay: Nhà máy chế biến nước quả cô đặc và puree, công suất thiết kế 10.000 tấn/năm; nhà máy chế biến rau quả đông lạnh công suất 10.000 tấn sản phẩm/năm; nhà máy chế biến rau quả đồ hộp công suất 10.000 tấn sản phẩm/năm.
Với quy mô như trên, sau khi hoàn thành, DOVECO Gia Lai sẽ là trung tâm chế biến rau quả hiện đại, là điển hình tiên tiến cho chuỗi giá trị sản xuất và tiêu thụ nông sản Việt Nam.
Dự án dự kiến hoàn thành vào tháng 7/2018. Khi đi vào hoạt động, nhà máy sẽ thu mua và chế biến hàng trăm ngàn tấn rau quả các loại như chanh dây, bơ, xoài, sầu riêng... Doanh thu hàng năm ước đạt 2.000 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu đạt 80 - 90 triệu USD, nộp ngân sách cho địa phương khoảng 100 tỷ đồng. Đặc biệt, dự án sẽ tạo công ăn việc làm cho hàng chục ngàn lao động địa phương làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp và 1.000 lao động làm việc tại nhà máy.
Dự án hoàn thành sẽ góp phần làm thay đổi diện mạo nông nghiệp, nông thôn tỉnh Gia Lai nói riêng, khu vực Tây Nguyên nói chung.
Địa phương cùng chung tay
Để đáp ứng sản phẩm đầu vào cho những "ông lớn" nói trên, cũng như trước tình trạng khó khăn của một số cây trồng truyền thống trên địa bàn, các địa phương trong tỉnh đã chủ động xây dựng nhiều mô hình, chuyển đổi nhiều diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả cho thu nhập cao.
Không ít nông dân ở Gia Lai khá lên nhờ trồng chuối |
Tại huyện Kbang, nhiều diện tích cà phê kém hiệu quả được chuyển đổi sang trồng cam (50 ha), nhãn (30 ha), bơ (40 ha), chuối (200 ha)... Đặc biệt đối với cây cam (giống cam sành, cam Vinh) ở xã Sơn Lang, quy mô trồng 350 cây, hàng năm mỗi cây cho khoảng 30 kg quả. Vụ vừa rồi nông dân bán được 35 - 40 ngàn đồng/kg, hiệu quả kinh tế từ trồng cam thu được cao gấp 7 - 8 lần trồng cà phê trước đó.
Mô hình chuyển đổi từ đất trồng sắn sang trồng thanh long ở xã Yang Trung (huyện Kông Chro) cũng đưa lại kết quả vô cùng khả quan: Mỗi ha trồng khoảng 2.000 trụ thanh long, thu nhập khoảng 200 triệu đồng, cao gấp 8 - 9 lần so với trồng sắn trước đó.
Tại "Vương quốc hồ tiêu" Chư Sê, hiện có trên 860 ha cây ăn quả, trong đó có 416,05 ha bơ (năng suất 150 tạ/ha), 274,44 ha chuối (năng suất 120 tạ/ha). Những nông dân ở các xã Bar Măih, Ayun, Bờ Ngoong... một thời tôn sùng cây hồ tiêu và cà phê, giờ tỏ ra rất "đắm đuối" với những vườn chuối xanh tốt, lý do hết sức đơn giản: Cà phê và hồ tiêu liên tục bị sâu bệnh và mất giá, trong khi những địa phương này có diện tích đất đồi nhiều, rất thích hợp cho cây chuối vốn ít bị sâu bệnh, dễ chăm sóc mà thu nhập lại cao. Lão nông người dân tộc J'rai - ông Ksor Chuôi (xã Bờ Ngoong) sau khi tìm hiểu, đã mạnh dạn phá bỏ một nửa diện tích cà phê già cỗi để trồng chuối. Ông tính: Với năng suất bình quân 12 tấn quả chuối/ha, giá bán 7.000 đồng/kg, mỗi ha thu được 84 triệu đồng. "Đầu tư ít, dễ chăm sóc nhưng chắc ăn, thu nhập không thua kém cà phê... Tại sao không làm!" - ông cười rạng rỡ.
Còn ở huyện biên giới Đức Cơ, thống kê toàn huyện hiện có 352,6 ha cây ăn quả (265,9 ha đang cho thu hoạch). Sầu riêng được xác định là loại cây chủ lực trong danh mục cây ăn quả ở Đức Cơ. 207,1 ha sầu riêng toàn huyện (164,6 ha đã cho thu hoạch), chủ yếu được trồng xen canh trong những vườn cao su tái canh, những vườn cà phê già cỗi. Tại đây, năng suất sầu riêng đạt từ 8 - 12 tấn/ha/năm, mang lại nguồn thu nhập không hề nhỏ và ổn định cho những chủ vườn.
Không riêng gì Chư Sê, Đức Cơ, Kbang... mà ở nhiều địa phương khác trong tỉnh, tận dụng thế mạnh riêng của mình, cũng đã hướng dẫn nông dân mạnh dạn chuyển đổi những loại cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả. Kết quả đạt được cũng hết sức khả quan.
Mục tiêu đến năm 2020, tỉnh Gia Lai ổn định ở diện tích 10.000 ha cây ăn quả (tăng 41% so với năm 2017). Trong đó tập trung phát triển mạnh một số loại cây như chuối, sầu riêng, cam, bơ, gắn với chỉ dẫn địa lý và truy xuất nguồn gốc. |