| Hotline: 0983.970.780

Đề xuất cải tiến chữ quốc ngữ: Trăm năm nhìn lại

'Cơn bão trong tách trà'

Thứ Hai 27/11/2017 , 08:40 (GMT+7)

Đó là chia sẻ của PGS.TS Hoàng Dũng (ĐHSP Thành phố Hồ Chí Minh) trước đề cách viết cải tiến tiếng Việt mà PGS.TS Bùi Hiền (nguyên Hiệu phó trường ĐHSP Ngoại ngữ Hà Nội) đề xuất.

“Mọi cải tiến theo kiểu của ông Bùi Hiền tuy có khuấy động dư luận, nhưng cũng như bao đề xuất tương tự, chỉ là - nói như một thành ngữ phương Tây - cơn bão trong tách trà, sẽ mau chóng qua đi và hoàn toàn không để lại dấu vết gì”, chuyên gia ngôn ngữ học Hoàng Dũng nhấn mạnh.
 

Cải tiến hay cải lùi?

Đề xuất của PGS.TS Bùi Hiền gây nhiều tranh cãi. Tuy nhiên, ông chia sẻ rằng, vấn đề này không phải mới. Đây chỉ là ý kiến cá nhân, ông đưa ra ở phạm vi nhỏ hẹp là báo cáo khoa học trong giới ngôn ngữ học để tranh thủ lấy ý kiến từ các đồng nghiệp.

15-24-39_pgs_bui_hien_-_nvcc
PGS.TS Bùi Hiền - người đề xuất cải tiến chữ Quốc ngữ hiện nay (Ảnh: NVCC)

“Việc này được tôi bắt tay vào nghiên cứu từ hơn 30 năm về trước. Bây giờ tôi mới đưa ra được một nửa đề án. Tức là mới có một phần về phụ âm, còn nguyên âm tôi chưa đưa ra”, ông Hiền cho biết.

PGS.TS Bùi Hiền cho rằng, trải qua gần một thế kỷ đến nay chữ Quốc ngữ đã bộc lộ nhiều bất hợp lý, nên cần phải cải tiến để giản tiện, dễ nhớ, dễ sử dụng, tiết kiệm thời gian, vật tư. Theo đó, cách viết tiếng Việt: "giáo dục" phải viết là "záo zụk", "nhà nước" là "n'à nướk", "ngôn ngữ" là "qôn qữ"...

Văn bản đầu tiên được tác giả Bùi Hiền công bố trên Tạp chí Giáo dục Đại học cách đây khoảng 20 năm. Theo ông, từ đó đến nay, năm nào Viện Khoa học Ngôn ngữ, các trường Đại học cũng đề cập vấn đề về Tiếng Việt và giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt nhưng chưa tập trung. Đến nay, ông Hiền thấy việc đó là cấp thiết, không thể kéo dài được nữa, nhất là sang đến thời kỳ công nghệ 4.0.

“Bởi vậy, cải cách tiếng Việt hiện tại là vấn đề hết sức cấp thiết đối với công cuộc xây dựng đất nước của chúng ta về mặt văn hóa và giáo dục. Chưa kể việc giáo dục nếu được học chương trình mới, chữ mới có thể tiết kiệm rất nhiều. Ngoài ra, lỗi chính tả của chúng ta trong các văn bản hiện nay cũng tràn ngập. Bạn muốn biên tập cũng phải tra từ điển, phải làm rất nhiều việc và mất 8% nữa. Nếu áp dụng chữ mới, chúng ta sẽ không phải đi sửa chữa lại lỗi chính tả nữa”, ông Hiền đề nghị.
 

Bấp bênh thực tiễn

PGS.TS Hoàng Dũng phản biện rằng: “Không khó để thấy rằng đề xuất của ông Bùi Hiền rất bấp bênh về mặt thực tiễn”.

Trước hết, những thay thế như ng bằng q, th bằng w… sẽ gây khó khăn không đáng có khi học sinh học ngoại ngữ vì chữ Việt trở thành một ngoại lệ duy nhất trên thế giới, không có hệ chữ viết Latinh nào lại gán cho các con chữ q, w một cách phát âm như thế.

Thứ hai, cách viết cải tiến của ông Hiền dựa vào tiếng Hà Nội, do đó việc nhập một ch-tr, s-x, gi-d-r sẽ tạo ra hàng loạt các từ đồng tự (homograph), gây trở ngại cho việc nhận hiểu nghĩa từ: chẳng hạn các từ tracha đều viết là ca; saxa đều viết là sa; gia, dara đều viết là za. Đó là chưa kể tại sao lại loại trừ sự phân biệt tr-ch, s-x, d-r vốn phổ biến ở các phương ngữ khác, viện lý do phải căn cứ vào tiếng Hà Nội.

Thứ ba, việc nghiên cứu 30 năm của ông Hiền về việc cải tiến chữ Quốc ngữ vẫn để lộ khuyết điểm rất khó hiểu: củaquả vốn đọc rất khác nhau lại đều được viết là kủa, vi phạm cái nguyên tắc do chính ông đề ra: “mỗi chữ chỉ biểu đạt một âm vị, và mỗi âm vị chỉ có một chữ cái tương ứng biểu đạt”.

Thứ tư, sự cải tiến một cách quyết liệt như thế sẽ tạo ra một đứt gãy văn hóa giữa các thế hệ, giữa những người chỉ biết cách viết “mới” với di sản tư liệu chữ Quốc ngữ “cũ”. Thứ năm, muốn khắc phục phần nào (chỉ phần nào thôi) sự đứt gãy văn hóa đó, phải tốn một khoản tiền khổng lồ để chuyển kho tư liệu vốn được viết theo cách viết “cũ” sang cách viết “mới”.
 

Đề xuất không tưởng

Nhà nghiên cứu văn học Lại Nguyên Ân cho rằng đề xuất của PGS.TS Bùi Hiền động đến một công cụ mang tính toàn dân, tức là cái ngôn ngữ đang được gần 100 triệu người sử dụng, lại là thứ văn tự đã được cộng đồng này sử dụng 150 năm, đã sản sinh ra hàng tỷ đơn vị văn bản viết tương ứng. 

ngon-ngu115450781
Một ví dụ về cải tiến chữ Quốc ngữ của PGS.TS Bùi Hiền

“Về mặt đó, đề xuất của Bùi Hiền có ý nghĩ xóa bỏ, xổ toẹt toàn bộ di sản chữ viết đã có sau 150 năm, vì nếu cộng đồng chuyển sang dùng hệ ký âm này thì toàn bộ đống di sản kể trên sẽ là đống vật liệu vứt đi khi không ai còn đọc được hiểu được nữa. Tất nhiên có thể thấy, sẽ không chính quyền nào dám áp dụng đề xuất không tưởng này, vì sẽ tốn vô cùng nhiều tiền của, sẽ gây khó cho toàn bộ các hoạt động sản xuất, trao đổi giữa người ta với nhau mà có sử dụng chữ viết”, ông Lại Nguyên Ân bình luận.

Tương tự, GS.TS Nguyễn Văn Lợi (Viện Ngôn ngữ học), cũng không đồng tình với PGS.TS Bùi Hiền. Theo ông Lợi, dù chữ Quốc ngữ có một số bất hợp lí (trong đó có bất hợp lí “một âm vị ghi bằng các kí tự khác nhau” như đã thấy từ mấy thế kỉ trước, và gần đây PGS Bùi Hiển nói lại), nhưng không phải là lí do khiến phải cải tiến chữ viết này. 

“Cải tiến chữ Quốc ngữ là vấn đề rất lớn, đòi hỏi sự tham gia của nhiều Bộ, ngành, lĩnh vực. Đề xuất cải tiến chữ Quốc ngữ của PGS.TS Bùi Hiền chỉ là ý kiến cá nhân, không đại diện cho giới nghiên cứu ngôn ngữ học. Có lẽ, các đề xuất trên còn lâu mới thành hiện thực”, ông Lợi bày tỏ.

Lịch sử chữ quốc ngữ

Chữ Quốc ngữ ra đời ở Việt Nam từ 400 năm nay. Trong lịch sử hình thành, phát triển và đóng góp vào văn hóa Việt Nam, chữ Quốc ngữ đã có nhiều lần cải tiến. Báo NNVN sẽ giới thiệu đến bạn đọc một số nội dung liên quan đến việc cải tiến chữ Quốc ngữ trên nhiều lĩnh vực, trong đó chủ yếu là báo chí và văn chương, cùng chân dung một số nhà nghiên cứu đã đề xuất cải tiến chữ Quốc ngữ.

Xem thêm
Thông tin mới chuyên án tiếp viên hàng không xách ma túy từ Pháp về

Công an TPHCM tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh, mở rộng chuyên án; lần theo dòng chảy ma túy để khui từng vỏ bọc của các 'ông trùm' ma túy.

Mike Tyson thua nhưng vẫn bỏ túi gần 20 triệu USD

'Võ sỹ thép' Mike Tyson không chiến thắng được tuổi tác và thua trước trận so găng trước tay đấm trẻ Jake Paul.

VFF phạt nặng Nguyễn Xuân Nam và Vũ Văn Sơn

Ban kỷ luật VFF đã chính thức đưa ra án phạt. Theo đó, cả Nguyễn Xuân Nam và Vũ Văn Sơn đều bị phạt 20 triệu đồng và treo giò 4 trận

Hàng trăm thú cưng đọ tài sắc tại Vietnam Pet Festival 2024

TP.HCM Ngày 29/6, hàng trăm chó mèo được chủ nhân đưa đến Vietnam Pet Festival 2024 tổ chức tại quận 12 để tham gia các cuộc thi sắc đẹp, thi thời trang.