Tham dự buổi lễ có Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Huỳnh Nữ Thu Hà và đại diện các thế hệ thầy cô giáo, sinh viên, học viên của trường.
Theo ước tính năm 2020, khu vực Tây Nguyên đào tạo khoảng 40.000 người/năm trong đó có khoảng 3.200 người trình độ cao đẳng, đại học và trên đại học. Trong khi đó, khu vực này chỉ có 2 cơ sở là đào tạo một số ngành liên quan đến lĩnh vực nông, lâm nghiệp. Tuy nhiên, quy mô đào tạo vẫn còn giới hạn, chưa đáp ứng được nguồn nhân lực cho xã hội.
Việc thành lập Phân hiệu Trường Đại học Lâm nghiệp tại tỉnh Gia Lai là phù hợp với chủ trương, đường lối phát triển kinh tế xã hội và rất cần thiết để thực hiện chương trình hành động của Bộ NN-PTNT.
Theo dự kiến sau 10 năm (2020 - 2030) đi vào hoạt động, Phân hiệu Trường Đại học Lâm nghiệp tại tỉnh Gia Lai sẽ có quy mô đào tạo khoảng 3.500 sinh viên với 18 ngành đào tạo. Cụ thể, giai đoạn 2020-2025, Phân hiệu Gia Lai dự kiến tuyển sinh trình độ đào tạo đại học 11 ngành gồm: Lâm sinh, Quản lý tài nguyên rừng, Kế toán, Du lịch sinh thái, Khoa học cây trồng, Quản trị kinh doanh, Quản lý đất đai, Công nghệ chế biến lâm sản, Bảo vệ thực vật, Chăn nuôi, Thú y.
Trong giai đoạn 2026-2030, Phân hiệu tiếp tục đào tạo thêm 7 ngành mới thuộc lĩnh vực quản lý tài nguyên thiên nhiên, thiết kế nội thất, kiến trúc cảnh quan, quản trị dịch vụ và du lịch lữ hành...
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cho biết, trước bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, nhân tố con người sẽ quyết định sự phát triển của đất nước. Để đáp ứng mục tiêu đó, đào tạo đội ngũ cán bộ kỹ thuật chất lượng cao cho ngành nông, lâm nghiệp càng trở nên cấp thiết.
Chính vì vậy, trong thời gian tới, nhà trường cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, nhà trường cần tập trung nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ của phân hiệu trên cơ sở bám sát chiến lược, nhiệm vụ của ngành nông nghiệp; Đẩy mạnh hợp tác với các trường, các cơ quan nghiên cứu khoa học có uy tín, chất lượng trong và ngoài nước.
Cùng với đó, nhà trường cũng cần đổi mới công tác quản lý, nâng cao chất lượng đào tạo, phát huy nội lực và thế mạnh đặc thù của ngành nghề đào tạo, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn; Tăng cường xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, giảng viên đảm bảo về số lượng, chất lượng, tăng cường nâng cấp cơ sở vật chất, đáp ứng nhu cầu phục vụ giảng dạy, học tập và nghiên cứu khoa học.