| Hotline: 0983.970.780

Công bố thông tin đại chúng cơ sở tôm giống không đảm bảo chất lượng

Thứ Bảy 24/02/2024 , 21:48 (GMT+7)

Đây là giải pháp quyết liệt Sóc Trăng đưa ra để quản lý, kiểm soát chất lượng tôm giống, trong bối cảnh tỷ lệ thiệt hại đầu vụ tôm 2024 ở mức khá cao.

Theo nhận định của các cơ quan chuyên môn, năm 2024, thị trường ngành tôm đã có bước phục hồi, tuy nhiên còn chậm, do vướng phải những rào cản kỹ thuật gay gắt từ các nước nhập khẩu và giá thành sản xuất kém cạnh tranh. Bên cạnh đó là những thách thức về biến đổi khí hậu, dịch bệnh nguy hiểm trên tôm nuôi.

Hội thảo 'Giải pháp để có nguồn giống tôm chất lượng cho vụ nuôi tôm năm 2024 trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng'. Ảnh: Kim Anh.

Hội thảo “Giải pháp để có nguồn giống tôm chất lượng cho vụ nuôi tôm năm 2024 trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng”. Ảnh: Kim Anh.

Từ đầu năm 2024 đến nay, tỉnh Sóc Trăng thả nuôi trên 1.800ha tôm nước lợ. Trong quá trình các trang trại, hộ nuôi bắt mẫu giống để kiểm tra trước khi thả nuôi gần như 90% mẫu đều nhiễm bệnh, đặc biệt là xuất hiện bệnh mới TPD trên tôm giống. Điều này đặt ra yêu cầu phải nâng cao chất lượng con giống, yếu tố quyết định thành công của vụ nuôi, góp phần giảm giá thành cho sản phẩm tôm.

Tại Hội thảo “Giải pháp để có nguồn giống tôm chất lượng cho vụ nuôi tôm năm 2024 trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng”, do Cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT) phối hợp với UBND tỉnh Sóc Trăng tổ chức ngày 24/2, đại diện các nhà cung cấp giống, người nuôi và các bên tham gia trong chuỗi ngành tôm đã bàn giải pháp quản lý, lựa chọn và kiểm soát chất lượng con giống.

Ông Huỳnh Ngọc Nhã, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh cho biết, hiện nhu cầu con giống trên địa bàn tỉnh khá lớn, từ 17 - 18 tỷ con/năm. Trong khi đó, trung bình mỗi năm, 73 cơ sở giống trong toàn tỉnh chỉ đủ năng lực sản xuất khoảng 1 tỷ con giống tôm nước lợ.

Do đó, địa phương này phải phối hợp với một số tỉnh, thành khác nhập con giống tôm, phục vụ cho vùng nuôi. Điều này, đặt ra thách thức trong công tác kiểm tra, giám sát để làm sao khi con giống nhập vào tỉnh Sóc Trăng đảm bảo chất lượng và sạch bệnh.

Lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng kiểm tra tại cơ sở ương dưỡng giống tôm nước lợ. Ảnh: Kim Anh.

Lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng kiểm tra tại cơ sở ương dưỡng giống tôm nước lợ. Ảnh: Kim Anh.

Ông Hoàng Thanh Vũ, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta đưa ra cái nhìn tổng quan về chất lượng con giống hiện nay giảm rất thấp. Theo cách kiểm tra của doanh nghiệp này, hiện nay 100% con giống tại các trại giống bị nhiễm bệnh EHP và TPD, với mật độ nhiễm ngày càng tăng.

Theo ông Vũ, với cách kiểm tra hiện nay rất khó phát hiện các bệnh trên tôm. Tại các trại giống nuôi tôm post thời gian từ 15 - 22 ngày, trong thời gian ngắn không đủ để thiết bị có thể phát hiện ra mầm bệnh.

Còn theo kinh nghiệm của ông Võ Quốc Phục, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản sạch Việt Nam, tôm giống nhiễm dịch bệnh do nhiều nguồn như: nhà cung cấp giống không chất lượng, nguồn nước, ngay cả tại trang trại nếu vệ sinh không đúng chuẩn việc lây bệnh từ vụ trước vẫn tồn tại.

Thực tế tại trang trại nuôi của doanh nghiệp, dù trải qua 2 lớp kiểm tra chất lượng, thế nhưng tỷ lệ nhiễm bệnh khi tôm sau 1 tháng nuôi lên tới 30 - 40%.

Từ đầu năm 2024, ghi nhận thực tế của Cục Thủy sản, các trang trại lớn khi thả tôm tỷ lệ hao hụt rất khác thường so với mọi năm, thành công thấp.

Ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản cam kết, thực hiện kiểm tra lại các vùng sản xuất giống trọng điểm trên cả nước. Ảnh: Kim Anh.

Ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản cam kết, thực hiện kiểm tra lại các vùng sản xuất giống trọng điểm trên cả nước. Ảnh: Kim Anh.

Với góc độ cơ quan quản lý chuyên ngành, ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản cam kết, sẽ thực hiện kiểm tra lại các vùng sản xuất giống trọng điểm. Kiên quyết xử lý các trường hợp doanh nghiệp chưa đủ điều kiện nhưng vẫn bán giống, đồng thời công bố trên các phương tiện truyền thông, rạch ròi để người dân yên tâm về nguồn gốc xuất xứ tôm giống.

Ông Luân cũng đề nghị các doanh nghiệp, cơ sở, đại lý cung ứng giống, cơ quan chuyên môn cùng “ngồi lại” với người nuôi để tìm ra nguyên nhân, từ đó có giải pháp xử lý kịp thời.

Về phía tỉnh Sóc Trăng, ông Vương Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Sở NN-PTNT, với vai trò là “trọng tài” quản lý, kiểm soát ngành tôm trong tỉnh, cần có hướng dẫn, theo dõi, cảnh báo môi trường, dịch bệnh đến các vùng nuôi.

Ông Vương Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng đề nghị Sở NN-PTNT nếu phát hiện lô hàng tôm giống không đảm bảo chất lượng, bên cạnh tiêu hủy, phải công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng. Ảnh: Kim Anh.

Ông Vương Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng đề nghị Sở NN-PTNT nếu phát hiện lô hàng tôm giống không đảm bảo chất lượng, bên cạnh tiêu hủy, phải công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng. Ảnh: Kim Anh.

Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra chặt chẽ các cơ sở, doanh nghiệp cung ứng giống. Ông Nam nhấn mạnh, khi phát hiện lô hàng của doanh nghiệp không đảm bảo thay vì chỉ buộc tiêu hủy, phải công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đây chính là tiền đề để các nhà sản xuất giống xem xét lại quy trình sản xuất, chất lượng con giống và khâu chuẩn bị ao nuôi, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào thực tiễn sản xuất.

Hiện nay, tỉnh Sóc Trăng đang trong giai đoạn chính vụ nuôi tôm nước lợ 2024, bà con bắt đầu thả nuôi từ ngày 10/1 và dự kiến kết thúc ngày 30/9. Năm 2024, tỉnh phấn đấu thả nuôi đạt 50.820ha, với sản lượng đạt 212.000 tấn.

Xem thêm
Đề xuất tăng chi ngân sách cho giáo dục, y tế

Nếu thực hiện tự chủ, các bệnh viện và trường đại học công lập có thể tăng viện phí hoặc học phí lên cao, khiến người bệnh, người học phải chi trả nhiều tiền hơn.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Xuất hiện vết nứt trên núi Phú Gia, di dời khẩn cấp hàng chục hộ dân

THỪA THIÊN - HUẾ Trên núi Phú Gia xuất hiện vết nứt dài khoảng 50m, đã có 1 điểm lở xuống phía dưới, độ cao khoảng 20m có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản người dân.

Người phụ nữ 'biến đổi' vùng đất nghèo thành vườn rau bội thu

SƠN LA Bà Luyến, một nông dân ngụ cư, đã nỗ lực thay đổi bản Tự Nhiên từ vùng đất nghèo khó thành điểm sáng nông nghiệp sạch, mang lại cuộc sống ấm no cho cộng đồng.