| Hotline: 0983.970.780

Tạo nguồn dời cát sạch để sản xuất tôm giống sạch bệnh

Thứ Sáu 15/12/2023 , 15:16 (GMT+7)

Dời cát là nguồn thức ăn chính của tôm bố mẹ, nhưng dời lại mang nhiều mầm bệnh, vì vậy, tạo nguồn dời sạch bệnh rất quan trọng trong sản xuất tôm giống.

Dời sạch bệnh tại một trang trại của C.P. Việt Nam. Ảnh: Trần Trung.

Dời sạch bệnh tại một trang trại của C.P. Việt Nam. Ảnh: Trần Trung.

Theo các chuyên gia thủy sản, dời cát (thuộc nhóm giun nhiều tơ) là nguồn thức ăn ưa thích của tôm bố mẹ. Dời cát cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho tôm bố mẹ, giúp thúc đẩy sự phát triển và thành thục của buồng trứng (tôm mẹ) cũng như túi tinh (tôm bố).

Các chất dinh dưỡng như protein, axit béo, hormone và các vi lượng có trong loài dời rất cao biến chúng thành 1 loại thức ăn rất có giá trị.

Đặc biệt, sử dụng dời cát làm thức ăn nuôi vỗ tôm bố mẹ sẽ giúp làm tăng số lượng ấu trùng trên mỗi con cái, tăng tỷ lệ giao phối, tăng chất lượng tinh trùng và tôm mẹ phục hồi tốt hơn sau mỗi lần sinh sản.

Chính vì vậy, từ lâu nay, dời cát đã được xem là mắt xích quan trọng trong ngành nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là trong sản xuất tôm giống. Nhiều công ty sản xuất tôm giống trên thế giới cũng như ở Việt Nam đã chọn dời cát làm nguồn thức ăn chính cho tôm bố mẹ.

Tuy nhiên, sử dụng dời cát làm thức ăn lại có thể làm lây lan mầm bệnh cho tôm giống. Theo ông Bart van Helden, Giám đốc Delta Farms (Hà Lan), dời nói chung và dời cát nói riêng mang nhiều loại mầm bệnh và virus nguy hại. Sử dụng dời bị nhiễm bệnh có thể gây nhiễm bệnh cho toàn trại tôm giống và có thể gây ra tình trạng mất trắng toàn vụ.

Dời cát. Ảnh: Trần Trung.

Dời cát. Ảnh: Trần Trung.

Chính vì vậy, việc tạo ra nguồn dời cát sạch bệnh để cung cấp cho các trại sản xuất tôm giống, đang được đẩy mạnh ở nhiều nước nuôi tôm. Như tại Thái Lan, từ chỗ nhiều trang trại tự tổ chức nuôi dời cát thương phẩm nhằm tạo ra nguồn thức ăn tươi sống, đủ sản lượng, chất lượng cao và sạch bệnh để phục vụ sản xuất tại chỗ, đến nay đã phát triển lên thành một hệ thống cung cấp dời cát thương phẩm sạch bệnh cho thị trường nội địa, với khách hàng chính là các trang trại sản xuất tôm giống.

Ở Việt Nam, một số doanh nghiệp cũng đã đầu tư xây dựng các mô hình nuôi dời cát thương phẩm sạch bệnh làm thức ăn cho tôm bố mẹ. Trong đó có mô hình nuôi dời trong hệ thống an toàn sinh học của C.P. Việt Nam.

Kỹ sư Phan Thị Lời, một chuyên gia nuôi dời của C.P. Việt Nam, cho biết, nguồn giống dời đều do công ty tự sản xuất, có nguồn gốc rõ ràng từ dời bố mẹ, dời con đến dời thương phẩm sử dụng cho tôm ăn.

Dời bố mẹ được C.P. Việt Nam tổ chức nuôi ở một trang trại tại Bình Định. Nguồn dời con từ trại này được vận chuyển đến các trại chi nhánh để ương nuôi. Hiện nay, toàn bộ các trại tôm giống của C.P. Việt Nam đều nuôi dời thương phẩm để chủ động toàn bộ nguồn dời cho tôm bố mẹ trong trại.

Các trại sản xuất dời của C.P. Việt Nam đều được đảm bảo an toàn sinh học, từ con giống, nguồn nước, các thiết bị, vật liệu …, các giải pháp ngăn chặn lây lan dịch bệnh từ bên ngoài, ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm chéo. Đảm bảo an toàn sinh học trong tất các các khâu sản xuất, từ ương nuôi cho đến thu hoạch.

Toàn bộ các giai đoạn phát triển của dời đều được C.P. Việt Nam kiểm soát rất chặt chẽ. Định kỳ, công ty lấy mẫu gửi tới các cơ sở kiểm định chuyên nghiệp để kiểm tra các bệnh như hoại tử gan tụy, đốm trắng, đầu vàng, vi bào tử trùng và phân tích hàm lượng dinh dưỡng trong con dời.

Nhờ vậy, công ty luôn chủ động được nguồn dời hoàn toàn sạch bệnh để sản xuất ra những con tôm giống sạch bệnh, chất lượng cao.

Xem thêm
Nuôi dúi má đào, thu tiền tỷ mỗi năm

LÀO CAI Chăn nuôi dúi má đào sinh sản có sức hấp dẫn lớn bởi lợi nhuận cao, trong khi việc chăm sóc, đầu tư chuồng trại không quá tốn kém.

Dưa chuột nếp Hà Trung giòn, thơm, ngọt mát

THANH HÓA Giống dưa chuột nếp Hà Trung trồng theo hướng VietGAP giòn, thơm, ngọt mát, nông dân đạt lợi nhuận cao hơn các ruộng sản xuất bên ngoài từ 18 - 20%.

Phê duyệt Đề án công nghiệp sinh học trong lĩnh vực bảo vệ môi trường

Ngày 24/12, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 1639/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án phát triển công nghiệp sinh học trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đến năm 2030.