| Hotline: 0983.970.780

Kiểm soát chặt tôm giống đảm bảo an toàn dịch bệnh

Thứ Sáu 15/12/2023 , 10:58 (GMT+7)

TRÀ VINH Nông dân Trà Vinh chuẩn bị thả nuôi tôm vụ đầu năm 2024, cơ quan thú y đang tăng cường kiểm soát chất lượng con giống đảm bảo vụ nuôi an toàn dịch bệnh.

Trà Vinh là tỉnh có diện tích ao nuôi khá lớn tại ĐBSCL, tuy nhiên khoảng 70% tôm giống nhập từ ngoài tỉnh. Ảnh: Hồ Thảo.

Trà Vinh là tỉnh có diện tích ao nuôi khá lớn tại ĐBSCL, tuy nhiên khoảng 70% tôm giống nhập từ ngoài tỉnh. Ảnh: Hồ Thảo.

Chất lượng tôm giống đóng vai trò quan trọng trong thành công hay thất bại của ngành nuôi tôm hiện nay. Để nâng cao hiệu quả sản xuất và tăng tỷ lệ thành công, các địa phương nuôi tôm đang tập trung vào việc tăng cường quản lý, giám sát, và kiểm tra chất lượng tôm giống.

Trà Vinh hiện có 2 cơ sở sản xuất giống tôm thẻ chân trắng có công suất trên 2 tỷ con/năm và 1 cơ sở đã được Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Trà Vinh cấp Giấy chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh.

Năng lực sản xuất thực tế chỉ đáp ứng khoảng 30% nhu cầu con giống thả nuôi trên địa bàn tỉnh. Tính từ đầu năm, tổng số lượng tôm giống Trà Vinh nhập từ ngoài tỉnh khoảng 1,2 tỷ con.

Ông Trần Quốc Việt, Phó Chi cục trưởng, Chi Cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Trà Vinh cho biết: Đầu năm 2024, nhu cầu con giống của nông dân thả vụ mới tăng cao, để kiểm soát chặt chất lượng đầu vào Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã tiến hành thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.

Cụ thể, tổ chức các lớp tuyên truyền phổ biến pháp luật trong lĩnh vực phòng chống dịch bệnh thủy sản, qua đó hướng dẫn cho người nuôi phương pháp chọn giống thủy sản, không mua giống thủy sản trôi nổi không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không có Giấy chứng nhận kiểm dịch…

Chỉ đạo các Trạm thực hiện tốt công tác kiểm dịch động vật, kiên quyết không để con giống thủy sản không đạt chất lượng bán ra thị trường.

Tổ chức thực hiện quy chế phối hợp về công tác quản lý kiểm dịch giống thủy sản và phòng, chống dịch bệnh thủy sản giữa Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Trà Vinh với Chi cục Chăn nuôi và Thú y các tỉnh, thành phố có nhập giống thủy sản vào tỉnh Trà Vinh, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về công tác thú y thủy sản.

Tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh tiến hành kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong lĩnh vực thú y đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực thú y, trong đó có hoạt động vận chuyển kinh doanh giống thủy sản trên địa bàn tỉnh.

Người dân cần tuân thủ lịch thời vụ thả nuôi, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất như: Thiết kế hệ thống ao nuôi đảm bảo an toàn kỹ thuật, các biện pháp xử lý cải tạo ao nuôi, cách chọn giống và các quy trình chăm sóc quản lý ao nuôi, sử dụng các chế phẩm sinh học, ứng dụng các quy trình nuôi tiên tiến góp phần hạn chế các rủi ro nâng cao giá trị sản xuất.

Thực hiện liên kết trong sản xuất, hình thành khu sản xuất tập trung giảm giá thành trong sản xuất, xây dựng thương hiệu sản phẩm gắn chế biến nâng cao giá trị sản phẩm, góp phần phát triển sản xuất bền vững.

Tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật trong nuôi trồng thủy sản như: Sên vét, cải tạo ao nuôi không để ảnh hưởng làm suy thoái môi trường, xử lý mầm bệnh triệt để tránh lây lan ra bên ngoài.

Sử dụng thuốc, hóa chất, thức ăn đảm bảo nằm trong danh mục được cho phép lưu hành, không sử dụng hóa chất kháng sinh cấm làm ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng và phục vụ xuất khẩu.

Nông dân Trà Vinh tăng cường làm vệ sinh ao nuôi phòng bệnh cho tôm những tháng cuối năm. Ảnh: Hồ Thảo.

Nông dân Trà Vinh tăng cường làm vệ sinh ao nuôi phòng bệnh cho tôm những tháng cuối năm. Ảnh: Hồ Thảo.

Được khuyến cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Trà Vinh, ông Nguyễn Thành Tài, ở xã Long Vĩnh, huyện Duyên Hải đã chủ động thực hiện theo để bảo vệ ao tôm của mình.

Ông Tài hiện đang sở hữu ao nuôi tôm thẻ với diện tích 1ha. Với kinh nghiệm 10 năm trong nghề nuôi tôm ông cho biết, thời tiết cuối năm lạnh dễ dẫn đến hiện tượng tôm ăn chậm sẽ làm tôm chậm lớn. Do đó, bên cạnh làm vệ sinh môi trường nuôi, ông còn phòng bệnh bằng cách tăng cường chạy quạt oxy, cho tôm ăn bổ sung vitamin và khoáng.

Vùng nuôi của ông Tài canh tác nhiều năm nên tôm dễ mắc các bệnh thông thường như: Hoại tử gan, phân trắng, đốm trắng nhiều hơn các vùng nuôi mới.

Do đó, để đảm bảo tôm ít mắc bệnh, từ đầu vụ ông đã chủ động mua con giống ở những cơ sở có giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh.

Ông cho biết, đến nay tôm sinh trưởng khỏe mạnh và sức ăn bình thường. Dự kiến, trong dịp tết năm nay ông Tài cung ứng khoảng 5 tấn ra thị trường.

Hiện, tỉnh Trà Vinh có diện tích nuôi tôm khoảng trên 25.000ha, trong đó diện tích nuôi tôm siêu công nghiệp khoảng trên 10.000 ao bạt. Theo chủ trương của tỉnh sẽ tập trung đầu tư phát triển vùng nuôi tôm nước mặn, nước lợ đến năm 2025, đạt diện tích 34.000ha, tăng tổng sản lượng tôm nuôi khoảng 172.000 tấn/năm.

Xem thêm
Tập huấn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản

CÀ MAU Ngày 19/12 tại TP Cà Mau, Cục Kiểm ngư phối hợp với Sở NN-PTNT Cà Mau tổ chức tập huấn hướng dẫn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.