Tháng 7/2018, Chi cục thuế quận Hoàng Mai phát thông báo đề nghị Cty Lũng Lô 5 thanh toán hơn 300 tỉ tiền nợ thuế sử dụng đất.
Về bản chất, đây là tài sản của nhà nước đang bị doanh nghiệp này chiếm dụng làm vốn…
Chiếm dụng vốn nhà nước trên 300 tỉ đồng
Năm 2009, UBND TP Hà Nội ra quyết định thu hồi 86.267m2 đất tại phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, giao cho Cty CP ĐT&PT Lũng Lô 5 để thực hiện dự án đầu tư xây dựng khu chức năng đô thị Ao Sào.
Khu đô thị Ao Sào đã đón cư dân vào ở từ vài năm nay nhưng tiền bán đất dự án chưa về Ngân sách Nhà nước |
Theo đó diện tích công ty được sử dụng khai thác kinh doanh là 59.448m2, diện tích giao không thu tiền sử dụng đất là 26.819m2. Khu đô thị Ao Sào được quy hoạch chi tiết với 10.554m2 làm trường THCS, 6.707m2 làm trường mầm non, đất công trình hỗn hợp 3.331m2, đất nhà ở cao tầng trên 6.000m2, đất nhà ở thấp tầng trên 29 ngàn m2…
Tuy nhiên sau khi Dự án được phê duyệt, chủ đầu tư chỉ tập trung triển khai xây dựng khu nhà ở thấp tầng là hạng mục nhanh chóng thu lợi lớn và đã bán róc. Các phân khu còn lại, các công trình xã hội thì chủ đầu tư nại nhiều lý do để chưa thực hiện. Đặc biệt, ngay cả số tiền thu được từ việc bán khu nhà ở thấp tầng chủ đầu tư cũng không hề có ý định nộp vào ngân sách nhà nước theo đúng quy định.
Theo Sở TN-MT TP Hà Nội, thì giá thu tiền sử dụng đất đối với 22.096m2 đất xây dựng nhà ở thấp tầng là 20,3 triệu đồng/m2. Như vậy, số tiền của Cty Lũng Lô cần phải nộp vào ngân sách nhà nước là 448 tỉ đồng. Do công ty được khấu trừ chi phí bồi thường GPMB khoảng 147 tỉ đồng nên vẫn còn nợ ngân sách trên 300 tỉ đồng tiền bán đất.
Câu hỏi đặt ra ở đây là tại sao doanh nghiệp bán đất thu tiền nhưng lại không nộp vào ngân sách? Phải chăng Cty CP Lũng Lô 5 muốn chiếm dụng khoản tiền 300 tỉ đồng của nhà nước để làm vốn kinh doanh? Cần phải nhấn mạnh thêm, tỉ lệ vốn nhà nước ở trong Cty CP Lũng Lô 5 chỉ còn khoảng 20%.
Chây ỳ
Trả lời Báo NNVN, ông Trần Xuân Nghiên - Phó Tổng GĐ Cty Lũng Lô 5 cho biết do công ty bán nhà dự án vào thời điểm khủng hoảng tài chính, BĐS đang chững lại nên không được giá.
Ngoài ra, các hạ tầng kết nối với khu đô thị Ao Sào cũng chưa được triển khai theo quy hoạch, giá trị đền bù GPMB tăng cao… Trong khi đó Cục Thuế Hà Nội lại áp giá đất ở khu vực dự án ở mức cao có hạ tầng kết nối nên doanh nghiệp đang có nguy cơ bị lỗ với dự án này. Ông Nghiên cũng cho biết thêm rằng Cty Lũng Lô 5 đã báo cáo Bộ Quốc phòng về việc này và ngày 1/8/2017 Bộ Quốc phòng đã có văn bản số 8908 (ảnh) đề nghị với UBND TP Hà Nội tính lại giá đất để chủ đầu tư thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với NSNN.
Văn bản của Bộ Quốc phòng cũng yêu cầu TCty Xây dựng Lũng Lô chỉ đạo người đại diện vốn nhà nước tại Cty làm việc cụ thể với Cục Thuế TP Hà Nội và UBND Quận Hoàng Mai để thực hiện nộp tiền vào NSNN theo quy định pháp luật. Tuy nhiên, sau hơn một năm kể từ ngày Bộ Quốc phòng có văn bản gửi TP Hà Nội, Cty Lũng Lô 5 vẫn chây ỳ không chịu nộp tiền vào NSNN.
Và cho đến nay, khi trả lời các cơ quan báo chí, lãnh đạo Cty Lũng Lô 5 vẫn chìa văn bản của Bộ Quốc phòng gửi UBND TP Hà Nội, coi như một “bảo bối” nhằm lý giải nguyên nhân doanh nghiệp này không nộp thuế.
Bóp méo thị trường
Cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước trong những năm gần đây nhằm giảm thiểu những ưu ái của cơ quan quản lý với doanh nghiệp nhà nước khiến thị trường bị bóp méo, mất công bằng cạnh tranh.
Nhưng rõ ràng, đâu đó vẫn còn tồn tại những doanh nghiệp như Cty CP ĐT&PT Lũng Lô 5 được hưởng đặc quyền, đặc lợi hơn các doanh nghiệp khác. Mặc dù đã thực hiện cổ phần hóa, nguồn vốn nhà nước ở doanh nghiệp rất ít, Cty này vẫn được Bộ Quốc phòng quan tâm sâu sát đến từng dự án cụ thể như Dự án Khu đô thị Ao Sào.
Việc Bộ Quốc phòng ra văn bản đề nghị UBND TP Hà Nội tính lại giá đất có thể xuất phát từ mong muốn bảo toàn nguồn vốn nhà nước còn lại ở doanh nghiệp nhưng đã vô tình đi ngược lại với chủ trương chung khi chúng ta đang nỗ lực triển khai cổ phần hóa.
Thậm chí, sẽ tạo áp lực khó khăn cho UBND TP Hà Nội. Bởi lẽ, UBND TP Hà Nội có trách nhiệm ban hành và công khai khung giá đất hàng năm cho từng khu vực, đây là căn cứ để nhân dân và các doanh nghiệp, các cơ quan ban ngành và cả Cục Thuế Hà Nội cùng tham chiếu, cùng tính toán giám sát… Tất cả các doanh nghiệp, tổ chức xã hội hay cá nhân cùng sử dụng đất trong một khu vực có giá trị ngang nhau thì phải nộp mức thuế sử dụng đất giống nhau. Không thể chỉ vì một chút vốn nhà nước còn tồn tại ở Cty CP ĐT&PT Lũng Lô 5 mà đề nghị tạo cơ chế tính lại giá đất riêng cho doanh nghiệp để tránh rủi ro thua lỗ.
Liệu UBND TP Hà Nội chấp thuận tính lại giá đất cho Cty CP ĐT&PT Lũng Lô 5 thì sẽ có bao nhiêu doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân… sẽ đưa ra những lý do khác nhau để đòi tính lại giá đất? Sẽ có bao nhiêu doanh nghiệp học cách “khiếu nại” để kéo dài thời gian nộp thuế sử dụng đất?
Theo NNVN, là một doanh nghiệp cổ phần, Cty Lũng Lô 5 cần phải học cách vận hành theo cơ chế thị trường, kinh doanh “lời ăn, lỗ chịu” không thể cứ mỗi lúc gặp khó khăn lại đề nghị Bộ Quốc phòng can thiệp tới các địa phương như ở dự án khu đô thị Ao Sào. Thêm nữa, là một doanh nghiệp có vốn nhà nước, mang danh Bộ Quốc phòng, công ty Lũng Lô 5 cần đặc biệt quan tâm đến hình ảnh của doanh nghiệp, phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước, thực hiện đầy đủ trách nhiệm đối với xã hội.