| Hotline: 0983.970.780

Cùng tìm giải pháp phát triển bền vững nghề nuôi tôm trên cát

Thứ Tư 17/05/2017 , 08:39 (GMT+7)

Từ những năm 2000, phong trào nuôi tôm trên cát bắt đầu “bén duyên” các tỉnh duyên hải miền Trung. Để ngành nghề này mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân thì...

Bước đầu nuôi tôm trên cát đạt được những kết quả đáng mừng, tuy nhiên, để ngành nghề này mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân, góp phần tái cơ cấu nghề ngư nghiệp cần có một chiến lược cụ thể, dài hơi.

Trên tinh thần đó, Bộ NN-PTNT phối hợp tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức “Hội nghị phát triển bền vững nuôi tôm trên cát”, với sự tham gia của 14 tỉnh, thành trong khu vực.

18-33-44_1
18-33-44_3
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cùng đoàn công tác các tỉnh duyên hải miền Trung tham quan mô hình nuôi tôm trên cát tại huyện Cẩm Xuyên, thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh)

Khu vực ven biển miền Trung bao gồm 14 tỉnh, thành, trải dài trên 1.800km bờ biển từ Thanh Hóa đến Bình Thuận với tổng diện tích đất cát khoảng 100.000ha. Việc phát triển thời kỳ đầu chậm, hiệu quả kinh tế hạn chế. Đến thời kỳ áp dụng công nghệ nuôi mới như thâm canh ít thay nước, sử dụng chế phẩm vi sinh, tái sử dụng nước, công nghệ bioflocs... diện tích nuôi tôm trên cát phát triển mạnh. Thống kê đến năm 2016 đạt 3.734ha, tăng trưởng trung bình khoảng 7,5%/năm (giai đoạn 2010 - 2016); sản lượng đạt 41.705 tấn, tăng trưởng bình quân 5%/năm.

“Hiện nay có 3 loại hình nuôi trồng gồm: Hộ cá thể, HTX và doanh nghiệp. Mô hình hộ cá thể thường có quy mô nhỏ lẻ, manh mún rất khó kiểm soát. Vì thế, để đảm bảo phát triển bền vững, Tổng cục Thủy sản khuyến khích nuôi tập trung, quy mô lớn để mạnh tay đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ”, một lãnh đạo Tổng cục Thủy sản cho hay.

Được biết, nhiều tỉnh đã có các chính sách hỗ trợ phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế của các mô hình tập thể, điển hình là tỉnh Bình Thuận. Tỉnh này có 35 HTX thủy sản với số vốn hoạt động bình quân 1,56 tỷ đồng/HTX. Các HTX có nhiều cải tiến trong việc tổ chức, quản lý, mở rộng dịch vụ, phát triển thêm ngành nghề, làm đầu mối tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật và các nguồn vốn phục vụ trực tiếp cho hộ cá thể; đồng thời tham gia cung ứng vật tư, tiêu thụ sản phẩm cho ngư dân...

Theo số liệu Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT), các tỉnh duyên hải miền Trung đang có khoảng 12.000 - 14.600ha có tiềm năng phát triển nuôi tôm trên cát.

Tuy nhiên, vùng này điều kiện khí hậu khắc nghiệt, thường xuyên phải đối mặt với hạn hán, bão lũ; hoạt động nuôi trồng chủ yếu thâm canh nên cần vốn đầu tư lớn, trong khi đó, các tổ chức tài chính, tín dụng chưa thực sự mạnh dạn trong việc cho vay vốn để nuôi tôm trên cát; trình độ kỹ thuật của người dân còn hạn chế...

Vì thế, để hoàn thành mục tiêu đến năm 2020 đưa diện tích nuôi tôm trên cát đạt 4.500ha, sản lượng trên 60.000 tấn; năm 2025 diện tích nuôi 7.000ha, sản lượng trên 110.000 tấn; các địa phương phải xây dựng cụ thể các giải pháp về quy hoạch, tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, giám sát chặt chẽ điều kiện các cơ sở nuôi, con giống; đưa khoa học công nghệ vào sản xuất; ưu tiên đầu tư hệ thống quan trắc, cảnh báo môi trường, dịch bệnh; xây dựng chính sách đầu tư hạ tầng, tín dụng, hỗ trợ lãi suất cho người sản xuất giống, thức ăn, cơ sở nuôi tôm trên cát...

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định, khu vực duyên hải miền Trung có tiềm năng rất lớn để phát triển nuôi tôm trên cát. Nếu khai thác đúng lợi thế, thực hiện nghiêm ngặt quy trình nuôi, chịu đầu tư thì năng suất tôm đạt 20, 40 tấn/ha không phải là vấn đề.

Về lâu dài, Bộ trưởng yêu cầu các tỉnh rà soát diện tích đất cát có thể quy hoạch phát triển tôm theo hướng không vi phạm đất rừng ven biển; vùng quy hoạch phải thuận lợi xây dựng thiết chế hạ tầng như điện, nước...; không xung đột quy hoạch sản xuất ngành khác hoặc đối tượng khác trong ngành.

“Đây là bước cực kỳ quan trọng, càng làm chi tiết, càng tập trung thì càng dễ thành công”, Bộ trưởng nói.

+ Ông Lê Đình Sơn, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh:

Sau sự cố môi trường biển Cty Formosa đã khắc phục cơ bản các lỗi vi phạm, các chỉ số quan trắc đều nằm trong quy chuẩn cho phép. Từ đầu năm 2017 môi trường biển đã an toàn, hoạt động nuôi tôm trên cát tiếp tục duy trì, phát triển thành công. Hiện Hà Tĩnh đã có 400ha đưa vào nuôi trồng; quy hoạch 1.000ha nuôi tôm trên cát; hình thành 8 vùng nuôi tập trung. Tuy nhiên, để mô hình này phát triển bền vững, kiến nghị Chính phủ có quy hoạch vùng, liên vùng các tỉnh Bắc Trung bộ, tạo điều kiện cho các địa phương xây dựng kế cấu hạ tầng trên bờ như: hạ tầng vùng nuôi tôm, khu tránh trú bão, giao thông...

+ Ông Trương Hữu Thông, Tổng Giám đốc Cty TNHH Thông Thuận (tỉnh Bình Thuận):

18-33-44_6
 

Hiện nay nuôi tôm trên cát phát triển tốc độ nhanh, tuy nhiên nếu không có sự dẫn dắt, định hướng của cơ quan chuyên môn sẽ dẫn đến phát triển “nóng”, đối mặt nguy cơ cung vượt cầu...

Liên quan đến kỹ thuật nuôi, cần tập trung theo dõi tôm phát triển trong 30 ngày đầu thả giống và nên nuôi làm 2 cấp. Nếu chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật năng suất tôm ước đạt 15 - 18 tấn/60 ngày; doanh thu có thể lên tới 9 - 12 tỷ/ha/năm.

+ Ông Mai Văn Hoàng, Phó Tổng Giám đốc Cty TNHH giống thủy sản Growbest:

18-33-44_8
 

Việc nuôi tôm trên cát sử dụng nước mặn hay nước ngầm phải căn cứ điều kiện từng vùng cụ thể. Như các tỉnh ảnh hưởng sự cố môi trường biển vừa qua nếu chỉ sử dụng nước mặn để nuôi thì sẽ rất nguy hiểm nhưng nếu lấy nước ngọt bằng hệ thống nước ngầm sẽ dẫn đến nhiễm kim loại nặng. Cho nên phải xây dựng các ao chứa quy mô lớn để điều chỉnh nước đảm bảo mới đưa vào ao nuôi. Đặc biệt, không nuôi quá dày khi cơ sở hạ tầng chưa đảm bảo, mật độ thả nuôi khu vực Hà Tĩnh nên từ 200 - 300 con/m2.

+ Bà Nguyễn Thị Hạnh, Giám đốc Cty Sao Đại Dương (Hà Tĩnh):

18-33-44_7
 

Sau 10 năm nuôi tôm trên cát thành công, ngoài vấn đề giống, hạ tầng, thị trường... để nuôi tôm bền vững yếu tố con người đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Cty Sao Đại Dương tuyển hẳn 15 kỹ sư và 2 chuyên gia chuyên môn bám ao nuôi để theo dõi sự phát triển của tôm. Đồng thời, thường xuyên phối hợp cơ quan chức năng trên địa bàn quan trắc nước định kỳ, xét nghiệm tôm đảm bảo an toàn VSTP trước khi bán ra thị trường.

Về lâu dài, để ngành nuôi tôm trên cát ở Hà Tĩnh mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân, nhất thiết phải có sự tham gia của nhà nước trong công tác quy hoạch; đầu tư hệ thống thủy lợi, cấp thoát, xử lý nước thải... còn như hiện nay doanh nghiệp làm chỉ phục vụ được cho doanh nghiệp, người dân nuôi đang thua lỗ nhiều.

 

Xem thêm
Thông tin đối ngoại về quyền con người trong tình hình mới

Hiện nay, truyền thông về quyền con người, thông tin đối ngoại đã được triển khai mạnh mẽ với sự quan tâm chỉ đạo, tham gia đóng góp của cả hệ thống chính trị.

Uông Bí tiếp nhận gần 4.000 đơn đề nghị hỗ trợ sản xuất nông nghiệp

QUẢNG NINH Sau cơn bão số 3, các hộ dân và các công ty lâm nghiệp đang tích cực thực hiện tận thu, dọn dẹp phòng chống cháy rừng, chuẩn bị hiện trường trồng rừng vụ mới.

3 hộ dân Làng Nủ viết đơn xin... nhường nhà cho người khác

Thân nhân của 3 hộ dân thôn Làng Nủ viết đơn xin không nhận nhà tái định cư, nhường ngôi nhà khang trang cho các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn hơn.