| Hotline: 0983.970.780

Cuộc sống ở tâm dịch Sơn Lôi: 'Chúng tôi bị kỳ thị'

Thứ Năm 13/02/2020 , 12:09 (GMT+7)

"Ôi thôi, người Sơn Lôi thì không bán hàng cho đâu" hay "Không mua hàng của Sơn Lôi đâu"..., là những câu mà người dân Sơn Lôi phải nghe trong những ngày qua.

"Chúng tôi chạnh lòng vô cùng"

Những ngày giữa tháng 2, khi mà người dân cả nước lo lắng vì dịch CoVid-19 thì xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc được xem như là tâm điểm của dịch bệnh.

Nhận thức được sự nguy hiểm của căn bệnh chưa có vắc xin chữa trị, người dân nơi đây đã nêu cao tinh thần phòng chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế: thường xuyên đeo khẩu trang và sát trùng cơ thể.

Người dân được vệ sinh bằng nước rửa tay khô mỗi khi đi qua chốt kiểm dịch. Ảnh: Phạm Hiếu.

Người dân được vệ sinh bằng nước rửa tay khô mỗi khi đi qua chốt kiểm dịch. Ảnh: Phạm Hiếu.

Cẩn thận là thế nhưng người dân xã Sơn Lôi mỗi khi tiếp xúc với người ở địa phương khác đều gặp phải những ánh mắt cẩn trọng kèm theo thái độ dè chừng.

Tâm lý của người dân nơi khác đơn giản chỉ là tự bảo vệ bản thân cũng như gia đình, bạn bè nhưng vô tình gây khó khăn trong sinh hoạt của người dân Sơn Lôi.

Ông Lê Văn Hiếu, Trưởng thôn Nhân Nghĩa, xã Sơn Lôi, chia sẻ: “Xã Sơn Lôi là trọng điểm vùng dịch thế nên người Sơn Lôi đi làm ăn ở các địa phương khác sẽ bị kỳ thị. Thậm chí một số công ty còn không nhận người Sơn Lôi vào làm. Hoặc ví như có đi chợ thì sẽ bị nói thẳng là ‘Ôi thôi người Sơn Lôi thì không bán hàng cho đâu" hay ‘Không mua hàng của Sơn Lôi đâu”.

“Vì địa phương có dịch nên dù có buồn thì mình cũng phải chịu. Đầu tiên chịu tiếng về sau chịu thiệt. Chả làm cách nào được", ông Hiếu ngậm ngùi.

Cán bộ xã Sơn Lôi chia sẻ khẩu trang y tế của mình cho người dân. Ảnh: Phạm Hiếu.

Cán bộ xã Sơn Lôi chia sẻ khẩu trang y tế của mình cho người dân. Ảnh: Phạm Hiếu.

Chị Lê Thị Mai, một người dân thôn Bá Cầu, cho biết: “Xã Sơn Lôi chúng tôi bây giờ đi đâu cũng bị kì thị. Ở Bình Xuyên chưa có một ai chết vì dịch bệnh này, người bị nhiễm vẫn vào viện xong rồi ra viện, ấy thế mà khắp nơi đồn đoán, mỗi khi nhắc đến Vĩnh Phúc là như nói đến một vùng đất chết”.

“Bệnh dịch thì hoang mang, bản thân thì bị kì thị làm chúng tôi chạnh lòng vô cùng", người phụ nữ bày tỏ.

Hàng quán đìu hiu

Do ảnh hưởng của dịch bệnh CoVid-19, chính quyền địa phương đã quyết định cho đóng cửa tất cả các hàng ăn, quán kinh doanh dịch vụ trên địa bàn xã. Điều này đã làm ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống của người dân Sơn Lôi.

Cửa hàng kinh doanh dịch vụ karaoke và quán nước của anh Nguyễn Văn Thái (thôn Bá Cầu, xã Sơn Lôi) tạm dừng hoạt động tính đến nay đã 6 ngày và chưa biết đến bao giờ mới được mở hàng lại. Không được bán hàng, không được kinh doanh nên đời sống kinh tế gia đình người dân rất khó khăn.

“Gia đình tôi có 6 người. Thu nhập chính của cả nhà chỉ trông mong vào quán nước và quán hát này thôi, chả có nghề nào nữa. Tôi đã phải vay ngân hàng mới có vốn đầu tư kinh doanh. Làm ăn 6, 7 năm nay rồi mà vẫn chưa trả hết nợ. Vẫn nợ ngân hàng gần 1 tỷ đồng nữa chứ chả ít ỏi gì", anh Thái than thở.

“Nếu tình hình này kéo dài một vài tháng nữa thì tôi còn cố xoay xở được, chứ còn cả năm thì các hộ kinh doanh như nhà tôi sẽ vô cùng khó khăn".

Cửa hàng của gia đình anh Thái không một bóng khách. Ảnh: Trần Hồ.

Cửa hàng của gia đình anh Thái không một bóng khách. Ảnh: Trần Hồ.

Mỗi tháng tiền điện, tiền nước, tiền nợ ngân hàng anh Thái phải chi trả là hơn 20 triệu đồng. Theo lời người dân này, không chỉ gia đình anh mà còn rất nhiều hộ kinh doanh khác cũng bị ảnh hưởng bởi tình hình dịch bệnh.

Tương tự như cửa hàng của anh Thái, quán ăn của bà Trần Thị Duyên (thôn Bá Cầu, xã Sơn Lôi) cũng đã phải tạm dừng hoạt động. Trước đây quán ăn lúc nào cũng tấp nập người ra người vào, mỗi ngày phục vụ hơn 40 suất ăn cho các nhân viên công ty ở xung quanh. Giờ đây đã không còn một bóng khách, chỉ còn trơ trọi mấy bộ bàn ghế giữa gian nhà.

Năm ngoái gia đình bà Duyên đầu tư chăn nuôi lợn. Thế nhưng dịch tả lợn Châu Phi ập đến "cuốn bay" 2 tấn lợn nái của người chăn nuôi. Quyết không nản chí, người nông dân đã lấy tiền tiêu hủy lợn bệnh mà Nhà nước hỗ trợ, gom góp thêm ít tiền để tái đàn 20 con lợn. Ấy vậy mà vận đen đủi vẫn không buông tha gia đình người dân nghèo. Đàn lợn 20 con của bà lại bị dịch, chết sạch.

Không còn tái đàn nỗi nữa, gia đình bà Duyên đã kiệt quệ thế nhưng vẫn còn đó món nợ tiền cám 20 triệu đồng.

Quán ăn của bà Trần Thị Duyên phải đóng cửa vì dịch bệnh. Ảnh: Trần Hồ.

Quán ăn của bà Trần Thị Duyên phải đóng cửa vì dịch bệnh. Ảnh: Trần Hồ.

"Gia đình 6 người của tôi, mọi chi tiêu, sinh hoạt, ăn uống cũng như việc học hành của các cháu giờ đây chỉ biết trông mong vào hàng ăn này thì lại xảy ra dịch bệnh, lại phải đóng cửa. Khó khăn chồng chất khó khăn. Tôi chỉ ước một ngày dịch bệnh giảm thì quán sẽ được hoạt động trở lại bình thường. Nếu không tôi bắt buộc phải quay lại chăn nuôi gia cầm, gia súc để nuôi gia đình, để mà sống tiếp", người phụ nữ vừa giãi bày vừa đưa đôi mắt nhìn sang lọ đũa chỏng chơ trên chiếc bàn ăn đã từng rất đông khách.

"Dù thế nào cũng phải lạc quan"

Khó khăn và gian khổ là thế. Ấy vậy mà những người dân xã Sơn Lôi thật thà, chân chất vẫn thể hiện một sự mạnh mẽ, lạc quan và hi vọng vào một ngày mai tươi sáng hơn.

Tiễn chúng tôi ra về, bà Duyên đứng giữa gian nhà, chào vọng ra với giọng nói quả quyết: “Dù thế nào đi nữa mình cũng phải lạc quan, tự tin lên các chú ạ. Mình phải tin tưởng vào cộng đồng, vào xã hội, vào công nghệ tiên tiến của nước mình. Có như thế thì mới sớm đẩy lùi được dịch bệnh".

Không chỉ một mình bà Duyên, dường như người dân nơi đây càng gặp khó khăn thì họ càng mạnh mẽ và lạc quan. Dù đã 65 tuổi nhưng bà Nguyễn Thị Vân, người dân thôn Nhân Nghĩa, vẫn ra đồng cuốc đất, sản xuất hàng ngày.

Cuộc sống lao động của người dân xã Sơn Lôi vẫn diễn ra bình thường giữa tâm dịch. Ảnh: Trần Hồ.

Cuộc sống lao động của người dân xã Sơn Lôi vẫn diễn ra bình thường giữa tâm dịch. Ảnh: Trần Hồ.

Bà Vân nói: “Tôi không lo lắng gì, thấy cơ thể có biểu hiện thì tôi đi khám. Chúng tôi vẫn đi ra đồng, vẫn sản xuất bình thường. Nhà có 3 đứa trẻ con thì cho ở nhà, không ra khỏi cổng, cháu lớn cho đi làm với tôi".

“Theo yêu cầu của các cấp, các ngành, theo lời Thủ tướng phòng dịch như phòng giặc nên chúng tôi làm theo lời Thủ tướng. Gia đình tôi ăn uống phải nấu chín, vệ sinh phải sạch sẽ, đeo khẩu trang thường xuyên", bà Vân cho hay.

Gia đình bà Trần Thị Quy (70 tuổi, thôn Nhân Nghĩa) có 8 sào ruộng. Hàng ngày các con của bà vẫn ra đồng giặm lúa, sản xuất bình thường. Những ngày đầu khi biết tin có người trong xã dương tính với virus CoVid-19, gia đình bà cũng rất hoang mang và lo lắng. Nhưng cho đến nay đã có trường hợp được chữa khỏi thì nỗi lo ấy đã giảm bớt.

Họ vẫn ý thức tự bảo vệ bản thân bằng cách đeo khẩu trang thường xuyên. Ảnh: Trần Hồ.

Họ vẫn ý thức tự bảo vệ bản thân bằng cách đeo khẩu trang thường xuyên. Ảnh: Trần Hồ.

“Những người có biểu hiện mắc bệnh đều được đưa đi cách ly nên chúng tôi cũng yên tâm phần nào. Người dân nơi đây đều được chính quyền địa phương tuyên truyền về việc phải đeo khẩu trang, giữ vệ sinh bản thân cũng như nhà cửa, gia đình, từ việc ăn uống cho đến chăn nuôi, sản xuất", bà Quy chia sẻ.

Ngày 12/2, UBND tỉnh Vĩnh Phúc ra quyết định số 269/QĐ-UBND về việc thành lập bệnh viện dã chiến, khu cách ly tập trung. Và, khoanh vùng, phong tỏa cách ly khu vực có dịch tại xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên…

Hiện tại, Vĩnh Phúc đã tổ chức 8 chốt kiểm soát Y tế tại xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên. Lực lượng kiểm soát tại các chốt gồm công an; bộ đội; y tế và lãnh đạo địa phương túc trực làm nhiệm vụ.

Tính đến sáng 13/2, tại Vĩnh Phúc đã có 11 ca dương tính với Covid-19 trong tổng số 16 người nhiễm loại virus này tại Việt Nam.

Xem thêm
Báo chí phải phản ánh hào khí và sức vươn lên của dân tộc

Kỷ nguyên mới đặt ra yêu cầu nhiệm vụ mới, cao hơn đối với báo chí cách mạng, đòi hỏi báo chí cũng phải phát triển tương xứng, vươn mình cùng dân tộc, xứng tầm nền báo chí chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại.

Lai Vung tỏa sáng Ngày hội tôn vinh nghề truyền thống

Đồng Tháp Ngày hội tôn vinh Nghề truyền thống không chỉ là sự kiện giao lưu văn hóa mà là nền tảng xây dựng huyện Lai Vung hiện đại, văn minh và mang bản sắc đậm đà.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Trường Sơn: Hương tóc, hương rừng

Những ngày cuối năm, đồng bào PaKô, Vân Kiều thôn Trăng – Tà Puồng, mang a chói (gùi) sau lưng, lũ lượt vào rừng hái bồ kết đem về phơi khô, bán cho thương lái...