| Hotline: 0983.970.780

Cuộc thi của khát vọng và sáng tạo

Thứ Tư 18/12/2019 , 09:06 (GMT+7)

Cuộc thi "Rừng là cuộc sống của tôi năm 2020" có gì khác biệt so với 2 cuộc thi từng tổ chức các năm 2014 và 2016, trong bối cảnh ngành lâm nghiệp kỷ niệm 75 năm ngày truyền thống và Luật Lâm nghiệp 2017 đi vào cuộc sống?

Báo Nông nghiệp Việt Nam có cuộc trao đổi với GS.TS Phạm Văn Điển, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, Trưởng Ban Giám khảo cuộc thi.

10-38-54_gsts_phm_vn_dien
GS.TS. Phạm Văn Điển, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT).

Ông có thể chia sẻ mục đích, ý nghĩa của cuộc thi "Rừng là cuộc sống của tôi" năm 2020, nhất là đặt trong bối cảnh ngành Lâm nghiệp kỷ niệm 75 năm ngày truyền thống ngành tới đây?

Năm 2020, chúng ta kỷ niệm 75 năm hình thành và phát triển của ngành Lâm nghiệp. 75 năm là khoảng thời gian khá dài, ghi đậm dấu ấn lịch sử, gắn liền với sự phát triển hào hùng của đất nước ta.

Thông điệp của chủ đề "Rừng là cuộc sống của tôi" đã toát lên giá trị, gợi suy nhiều ý tưởng từ trong tâm trí và tình cảm của con người đối với rừng, nó thể hiện nhận thức, mang ý nghĩa giáo dục và có tính nhân văn sâu sắc. Rừng là biểu tượng của thiên nhiên, rừng cũng là biểu tượng của hòa bình, một nhân tố rất yên bình.

Rừng đi cùng với lịch sử kháng chiến của dân tộc, đi cùng với lịch sử dựng nước và giữ nước của Việt Nam ta. Cùng với quá trình phát triển của xã hội, chúng ta càng nhận thức rõ mối quan hệ giữa rừng cây và con người là mối quan hệ thân thiện, hòa quyện, cần có nhau, nên rừng là bạn, là cuộc sống của chúng ta cả trong hiện tại và tương lai.

Hơn nữa, cuộc thi "Rừng là cuộc sống của tôi" mang ý nghĩa thời đại rất lớn, bởi thời đại này là thời đại của hòa bình, gắn với màu xanh của núi rừng, màu xanh của hòa bình, màu xanh của sự phát triển bền vững. Xu thế của thời đại là phát triển kinh tế xanh, rừng xanh gắn với xã hội, với cộng đồng thịnh vượng.

Chúng ta may mắn vì được kế thừa và học hỏi sáng kiến rất độc đáo của Bác Hồ "... Tổ chức một ngày Tết trồng cây. Việc này tốn kém ít mà lợi ích rất nhiều ...". Hoạt động này đã trở thành phong trào, thành truyền thống lan rộng khắp mọi miền của đất nước, và được duy trì đều đặn trong 60 năm qua.

Hiện nay, thế giới cũng phát động trồng thêm 150 triệu ha rừng, trồng thêm mấy tỉ cây xanh. Điều này cho thấy tầm nhìn vượt thời đại của Bác về vai trò của rừng đối với sự sinh tồn của nhân loại.

Ông có thể cho biết điểm mới của cuộc thi năm nay so với hai lần tổ chức trước?

Gắn với đặc thù phát triển của ngành lâm nghiệp trong từng giai đoạn khác nhau, chủ đề của 2 lần thi trước và lần này đều là “Rừng là cuộc sống của tôi”.

10-38-54_kiem_lm_tun_tr_rung
Cuộc thi "Rừng là cuộc sống của tôi" là hoạt động nhân văn, ý nghĩa nhân kỷ niệm 75 năm ngày truyền thống Lâm nghiệp Việt Nam.

Tuy nhiên, năm 2014 chúng tôi nhấn mạnh vào những khó khăn, vất vả của những người bảo vệ và phát triển rừng, năm 2016, chú ý đến tái cơ cấu ngành lâm nghiệp, năm 2020 chúng tôi tập trung vào việc chuyển đổi mô hình sản xuất, sang mô hình tăng giá trị gia tăng của chuỗi giá trị lâm sản để đảm bảo tăng trưởng bền vững.

Đặc biệt, việc chuyển đổi này còn được kỳ vọng cao hơn nữa với sự mở đường của Luật Lâm nghiệp, nhấn mạnh vào việc tạo ra những giá trị gia tăng cao và bền vững trên nền tảng của sản xuất lâm nghiệp theo chuỗi giá trị, hướng ngoại.

Thị trường ở đây là thị trường quốc tế toàn cầu, động lực là xã hội hóa, xã hội hóa để những giá trị tạo ra ở đầu ra sẽ đảm bảo mọi mắt xích trong chuỗi giá trị đều được hưởng lợi, từ đó tạo ra lực đẩy và lực hút mới.

Bên cạnh đó, so với hai lần thi trước, hình thức năm nay cũng cụ thể hơn, trước đây chỉ quy định hình thức thi viết, lần này quy định rõ hơn về 3 thể loại, gồm thơ, truyện ngắn và phóng sự.

Thông qua cuộc thi năm 2014 và 2016, chúng tôi nhận thấy sự hưởng ứng rất lớn từ các nhà báo, những người hoạt động trong lĩnh vực lâm nghiệp. Song có một điểm hạn chế là số lượng doanh nhân, danh nghiệp trong lĩnh vực lâm nghiệp tham gia hưởng ứng, đóng góp vẫn chưa nhiều, ông có "kế sách" gì để thu hút họ trong cuộc thi lần này?

Việc tham gia cuộc thi của doanh nhân, doanh nghiệp ở hai lần thi trước còn hạn chế do nội dung của cuộc thi các năm trước hướng chủ yếu vào sự khó khăn, vất vả của những người hoạt động trong lĩnh vực lâm nghiệp.

Tuy nhiên, với nội dung chủ yếu của năm nay, chúng tôi hướng tới việc thu hút đông đảo hơn nữa sự tham gia của tầng lớp doanh nhân, doanh nghiệp trong lĩnh vực cung cấp nguyên liệu, chế biến, thương mại lâm sản mà doanh nghiệp, doanh nhân là hạt nhân của các chuỗi giá trị lâm sản, nên sự tham gia của họ sẽ có ý nghĩa lớn.

Thực tế hiện nay, rừng có đóng góp vào mọi lĩnh vực của nền kinh tế chứ không chỉ đơn thuần chỉ là những con số xuất nhập khẩu, thu về ngoại tệ cho đất nước. Du lịch hiện nay cũng gắn chặt với rừng, kinh tế vùng ven biển cũng gắn với rừng.

Điều vui mừng là thế hệ trẻ hiện nay được giáo dục tốt, yêu quý rừng hơn, trong lớp học có nhiều giờ liên quan đến rừng, nghỉ ngơi cuối tuần gắn với vùng đất xanh. Xã hội có xu thế quan tâm tới rừng nhiều hơn. Thông qua cuộc thi này, chúng ta sẽ góp phần kích hoạt, tạo sự lan tỏa để thu hút mọi thành phần vào công cuộc chung - công cuộc bảo vệ và phát triển rừng vì lợi ích của chính chúng ta.

Cụ thể, chúng tôi sẽ tiến hành tuyên truyền rộng rãi để mọi người biết đến cuộc thi này. Không giới hạn về đối tượng, mọi người đều được khuyến khích tham gia. Từ những thanh niên vùng núi khởi nghiệp từ rừng đến những Hiệp hội, doanh nghiệp, doanh nhân, học sinh, sinh viên, người dân, các tổ chức đoàn thể, tổ chức xã hội, tổ chức quốc tế tại Việt Nam đều được khuyến khích tham gia.

10-38-54_vuon_giong
 

Mỗi đối tượng có góc nhìn khác nhau, là yếu tố tạo ra sự đa dạng, làm sinh động và toàn diện hơn nhận thức của chúng ta về rừng, về nội dung chủ yếu thuộc chủ đề R"ừng là cuộc sống của tôi".

Xin cảm ơn ông!

"Rừng là cuộc sống của tôi không chỉ là cuộc thi thuần túy mà còn có giá trị sử dụng để kết nối, học tập chia sẻ ý tưởng cho những người quản lí, những người làm trong ngành Lâm nghiệp. Cuộc thi là sự thôi thúc sáng tạo và hành động, là quá trình học hỏi, góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành lâm nghiệp", GS.TS. Phạm Văn Điển.

Xem thêm
Tổng Bí thư: Tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần

Tổng Bí thư lưu ý, việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần, kết quả đạt được vừa qua rất quan trọng nhưng mới chỉ là bước đầu.

Việt Nam cam kết chuyển giao kỹ thuật sản xuất lúa gạo hỗ trợ Ma Rốc

Cần Thơ Ma Rốc đang nỗ lực cải thiện sản xuất lúa gạo trong nước, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cam kết chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao kỹ thuật cho nước bạn.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Giảng viên đại học và hành trình theo đuổi đam mê khảo kiểm nghiệm phân bón

Khi đang là giảng viên một trường đại học danh tiếng tại TP.HCM, anh Trần Văn Thanh quyết định bỏ nghề để xin việc tại Trung tâm Khảo kiểm nghiệm phân bón Quốc gia.

Bình luận mới nhất