| Hotline: 0983.970.780

Sức lan tỏa và ấn tượng lâu bền từ cuộc thi năm ấy

Thứ Ba 17/12/2019 , 09:19 (GMT+7)

Tôi có may mắn được mời làm giám khảo Cuộc thi “Rừng là cuộc sống của tôi” do Tổng cục Lâm nghiệp phối hợp với Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức ngay từ lần đầu tiên, một cuộc thi có sức lan tỏa mạnh mẽ và lưu lại nhiều ấn tượng.

I.

Tôi từng sống ở rừng, nhờ rừng và do đó, yêu rừng. Nhưng một lần đến Vườn Quốc gia Cúc Phương (Ninh Bình), thấy tấm biển đề 3 “đừng”: “Đến với rừng, xin bạn đừng mang gì cả, ngoài một tình yêu. Bạn đừng để lại rừng gì cả, ngoài những dấu chân. Bạn đừng mang về cái gì của rừng, ngoài những bức ảnh đẹp”. Tôi nói với chuyên gia người Đức cảm nghĩ: Trước cái slogan này, tôi thấy tình yêu rừng của mình đầy vị kỷ và chiếm hữu. Ông ta nói:

- Chúng tôi thế giới phương Tây như các bạn gọi bị mất rừng trước các bạn, thấm thía cái mất ấy đến tận cùng tác hại của nó, có thể nói mấy câu này là đúc kết toàn bộ lịch sử sống nhờ rừng - phá rừng – trồng lại rừng của nhân loại. Chúng tôi sang đây cùng các bạn bảo vệ rừng, cứu hộ động vật hoang dã quý hiếm, là một việc chuộc lỗi trước lịch sử phá rừng của ông cha chúng tôi!

nh-rung-vkgv143450335
Những người lính kiểm lâm yêu rừng như yêu chính ngôi nhà của mình.

Lời chân thành của người chuyên gia thật lan tỏa, chúng tôi trở nên gần gũi trong suốt chuyến thăm rừng dịp ấy. Chúng tôi nhanh chóng đồng ý với nhau rằng, lịch sử nhân loại đi những bước giống nhau, chỉ khác nhau về thời gian.

Như cuối thế kỷ XIX, người châu Âu đã có tập quán nuôi các con thú cưng, khi chết, chúng được chôn cất và có hẳn bia mộ như một con người. Thì ở châu Á, bà Từ Hy Thái hậu vẫn còn đãi khách Tây bằng bữa yến tiệc mà món chủ đạo là phạt đầu khỉ ăn óc sống, ở bữa khác là món sâm thử (bào thai chuột) tần thuốc Bắc. Người bạn đường khẽ nhún vai, nói:

- Hình như có một liên quan giữa việc ăn/cách ăn óc khỉ kia với ảnh vệ tinh màu hoàng thổ lớn nhất thế giới trên đất nước rộng lớn ấy? Chúng ta, những người văn minh cần biết một chút lịch sử: Cách đây 12.000 năm, trước cách mạng Nông nghiệp, thung lũng sông Dương Tử trù phú nhất hành tinh này!

Ở trên, tôi đã nói về sự lan tỏa của cuộc thi. Trong hơn 200 bài thi gửi về, có tới gần 200 bài của các cán bộ nhân viên ngành lâm nghiệp, trong đó rất nhiều bài viết của cán bộ kiểm lâm, chúng tôi đã thống nhất bổ sung thêm giải Tập thể là nhận thấy sự lan tỏa nhận thức về giá trị sống còn của rừng đối với con người.
 

II.

Quả thật, để có được độ che phủ của rừng hơn 40% đất nước như hôm nay, nhận thức về rừng đã được nâng cao đáng kể, ngày càng ít đi những vụ cháy rừng do đốt nương, do sơ ý. Đó là công rất lớn của kiểm lâm viên, của cán bộ làm rừng và của truyền thông. Giá trị báo chí của các bài viết có thể chưa cao, nhưng giá trị nhiệt huyết với rừng lại là vô giá.

Cũng từ cuộc nói chuyện với chuyên gia cứu hộ động vật ở Cúc Phương năm nào lại luôn luôn trở lại khi tôi đọc chùm phóng sự “Nổi nênh Giỏ Cùng” và “Những điều không dám nói” của Dương Đình Tường. Có thể nói, những kiểm lâm viên sống đơn độc ở Giỏ Cùng có một tình yêu lớn lao với những con khỉ mà họ bảo vệ. Vì yêu rừng, họ chấp nhận sống cách biệt với tiện nghi văn minh để duy trì, bảo vệ bà con xa của loài người là những con khỉ ở nơi heo hút thèm cả tiếng người.

Và nhà báo trẻ, xông xáo này đã bất chấp gian nan nguy hiểm để vào sống cùng với những con người ấy cũng thật đáng trọng. Bài viết tác động vào tôi sâu sắc, nên khi các anh lãnh đạo Báo NNVN muốn dành giải thưởng cao cho các tác giả ở ngoài tòa soạn, tôi đã có ý kiến và rồi, lẽ phải mà đi cùng thiện ý thì gặp nhau, Tường đã cùng nhận giải Nhì với hai tác giả khác. Đúng hơn là anh “hòa đồng” với tác giả không chuyên.

Ở cuộc thi trước đó, tôi đặc biệt nhớ hai bài, bài thứ nhất vì nó gắn với “lâm tặc” là khái niệm thời đại. Hoàn cảnh nghiệt ngã sinh ra "Người hùng ở Mã Đà, coi bảo vệ rừng như đánh giặc", coi bảo vệ rừng như đánh giặc với cặp vợ chồng cựu chiến binh già cùng làng xã thiết lập thế trận làng như có mắt, có thám báo, người lạ xuất hiện là biết ngay, tiếp cận và cật vấn ngay.

Và bài "Ông hạt trưởng kiểm lâm được tặng... quan tài và 'triết lý' chiếc iPad, cây bút máy (giải Nhất)", thật ghê tợn, nhưng cũng thật can trường. Không những không sờn lòng, ông Bảy Ách còn chủ động gặp gỡ kẻ hăm dọa mình, gặp những kẻ giàu có nhớ khai thác trái phép lâm sản; bằng nhời nhẽ thấu tình đạt lý, Bảy Ách kéo lâm tặc về với lương thiện, còn dùng họ như một lực lượng bảo vệ rừng. Bài viết có sức thuyết phục như chuyện cổ tích, cũng thật nhân văn.

Nhưng đặc biệt ấn tượng là bài "Rừng khuya không yên tĩnh" của Nguyễn Văn Cường. Tác giả thật sâu nặng với rừng, ông phát hiện ra, rừng còn là cõi tâm linh của bà con người dân tộc thiểu số. Những ai đã từng biết đến văn hóa thần (ma) rừng của Tây Nguyên, hẳn không ngạc nhiên trước hương ước ngả vạ kẻ phá rừng hoặc chỉ chặt cây mà không cúng thần rừng.

5-phu-1553701940939302188977143500976
Hàng ngày, gỗ rừng vẫn bị chặt hạ, và cuộc chiến giữ những người giữ rừng và những kẻ phá rừng vẫn còn rất cam go.

Đây là một tín ngưỡng trước tín ngưỡng hiện đại (đạo Phật, đạo Thiên Chúa, đạo Hồi) là tín ngưỡng lâu đời nhất của lịch sử niềm tin; đã tồn tại cùng xã hội hái lượm của nhân loại cách đây khoảng hơn 12.000 năm, nó đã “lặn” vào gen của con người, thành một tín ngưỡng sâu sắc nhất của chúng ta.

Đó là điều cắt nghĩa vì sao, đứng trước cây chò nghìn tuổi ở Cúc Phương, trước những cây nghiến trên dưới 1.000 tuổi còn sót lại ở Vườn Quốc gia Xuân Sơn chúng ta – những người hiện đại bỗng thấy linh thiêng như đứng trước một ngôi đền. Mới hiểu được lý do để 360 cây gỗ hương được bà con người Tây Nguyên giữ khư khư như giữ linh hồn của buôn sóc.

Và mới thấy xót xa trước vết xẻo cây gỗ quý của bọn lâm tặc ở Lào Cai như sẻo chính sự sống/nguồn sống của con người. Và cũng có thể sơ bộ cắt nghĩa câu ca “Ăn của rừng rưng rưng nước mắt”, nó vận vào những kẻ phá rừng rồi bị núi lở đá sạt mà chết, bị tù tội hay bị tước hết mọi danh giá làm người mà về vườn với không ít ngậm ngùi giá như được làm lại.

"Tôi nay đã già, không còn đủ sức leo dốc ngược Xuân Sơn hay vào tận Tây Nguyên nữa, nên đọc những bài viết cụ thể về một cánh rừng cụ thể, như cảm nhận được hơi thở của rừng già, như còn được tin rằng nguồn gốc của sự sống – từ nguyên thủy đến văn minh vẫn còn được giữ gìn và ngày càng được nhận thức rõ rệt hơn. Và yên tâm hơn, nhờ thế!"

(Nhà văn Văn Chinh)

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Trang bị kỹ năng tận dụng phụ phẩm nông nghiệp cho nông dân

Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh vừa tổ chức lớp tập huấn về 'Quy trình sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng từ phụ phẩm nông nghiệp địa phương'.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Hơi ấm cộng đồng giúp người dân Lục Yên gượng dậy sau bão

Yên Bái Vượt qua những đau thương, mất mát do thiên tai càn quét, những ngày này chính quyền và người dân ở huyện Lục Yên đang gượng dậy khôi phục sản xuất, dựng lại nhà ở.