| Hotline: 0983.970.780

Khởi động cuộc thi 'Rừng là cuộc sống của tôi' lần 3

Thứ Ba 10/12/2019 , 08:32 (GMT+7)

Sau những dấu ấn thành công của năm 2014 và 2016, năm 2020 Tổng cục Lâm nghiệp và Báo Nông nghiệp Việt Nam tiếp tục phát động và tổ chức cuộc thi "Rừng là cuộc sống của tôi”.

Cuộc thi "Rừng là cuộc sống" các năm 2014 và 2016 đã phác họa chân thực, xúc động về những tấm gương hoạt động hết mình trong lĩnh vực lâm nghiệp.

Đây cũng là hoạt động nhằm hưởng ứng kỷ niệm 75 năm ngày truyền thống ngành Lâm nghiệp Việt Nam.
 

200 bài viết xúc động

Cuộc thi “Rừng là cuộc sống của tôi” do Tổng cục Lâm nghiệp phối hợp với Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức lần đầu tiên năm 2014. Ở năm đầu ra mắt, thật bất ngờ Ban tổ chức đã nhận được gần 200 bài viết gửi về từ khắp mọi miền Tổ quốc, từ ĐBSCL, ra duyên hải miền Trung, leo lên đại ngàn Tây Nguyên đến vùng cao Tây Bắc.

Từ rừng ngập mặn Xuân Thủy, rừng cheo leo vách đá ngoài đảo Cát Bà đến các khu rừng ở vùng sâu vùng xa Yên Bái, Lào Cai... hẻo lánh. Những vấn đề đặt ra, những con người và cánh rừng được phản ánh trong các bài viết khá chân thực, đa dạng, những bước chân âm thầm của đội ngũ kiểm lâm viên với rất nhiều hiểm nguy rình rập đã hiện lên sau những trang giấy, con chữ.

Đi tuần rừng, họ bị rắn rết, vắt muỗi, côn trùng đeo bám ("Người giữ rừng nơi biên giới Bình Phước" của Kiều Thị Ánh).

Nhưng có lẽ nguy hiểm nhất là những cuộc tuần rừng đêm theo chân bọn lâm tặc hung hãn với những cách thức chống trả kiểm lâm vừa liều lĩnh vừa tinh vi hòng tận diệt rừng ("Rừng đêm không yên tĩnh" của Nguyễn Văn Cường). Đó là cuộc chiến giữa bên này chỉ có sức mạnh của luật pháp, lòng yêu rừng, giữ rừng bằng cả sinh mạng với bên kia là sức mạnh cơ bắp và vũ khí nóng, bất chấp tất cả miễn là chặt hạ, xẻ trộm được gỗ bán lấy tiền.

Hình ảnh cây nghiến cổ thụ đường kính 2m đứng cheo leo nơi vách đá ngay sát mép vực với vết cưa máy còn hằn in của bàn tay lâm tặc ở khu rừng Cốc Ly, Lào Cai trong "Rừng xanh còn mãi", của Lê Thị Thanh Cường có lẽ là "bảo tàng sống" minh chứng cho cuộc chiến cam go ấy giữa những người giữ rừng và những kẻ ngày đêm rình rập sát hại rừng.

Nhưng những mất mát hy sinh của đội ngũ kiểm lâm viên còn nhiều hơn thế. Phòng sự "Nổi nênh Giỏ Cùng" (Dương Đình Tường) đầy xúc động, viết về tấm gương hy sinh thầm lặng, bền bỉ của những con người coi sự trường tồn của rừng già Cát Bà, của voọc đầu vàng là lẽ sống của chính mình. Họ, bốn người đàn ông sống trong “căn hộ” làm trên cái bè, chia nhau từng gáo nước ngọt mỗi lần tắm táp hay rửa mặt.

Bài "Vắng anh" (Vũ Hữu Chinh), "Màu xanh hy vọng" (Nguyễn Thị Hải Yến), "Yêu anh, người lính rừng" (Ngô Thị Thảo Nguyên) đều dành những tình cảm yêu mến, tri ân những người lính giữ rừng. Không chỉ là lời ngợi ca sự hy sinh thầm lặng, họ còn là biểu tượng của tiếng nói hậu phương, là điểm tựa sâu nặng cho những người chiến sỹ canh gác rừng xanh.

Có một nhóm bài độc đáo và rất đáng chú ý viết về tập quán giữ rừng của đồng bào các dân tộc. Bài "Rừng thiêng" của Trần Văn Việt viết về luật tục giữ rừng của người Hà Nhì. Người Hà Nhì ở miền núi phía Bắc, cũng giống như người G’rai, Ê đê ở Tây Nguyên coi rừng là nguồn gốc sự sống, là thần coi giữ bình yên cho dân bản cho nên ai phá rừng là phá hoại cuộc sống đồng bào nên bị phạt bằng chế tài thật nặng theo luật tục.

Các bài "Những người đàn bà liều lĩnh" (Khương Hồng Thủy) viết về lý lẽ, tình người để giữ rừng ở khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ (TP HCM) và "Bà Loan…rừng" (Du An) viết về uy tín cá nhân, nêu gương trong cộng đồng đối với sự nghiệp bảo vệ rừng.

Qua những bài viết kể trên, chúng ta hình dung thấy luật pháp và sức mạnh Nhà nước được đan dệt với với tình yêu rừng của người dân, cũng như kinh nghiệm dân gian đã trở thành tấm lưới bảo vệ rừng và chim thú hoang dã, nó cũng bảo vệ cuộc sống bền vững của cho chính chúng ta.
 

Tính chuyên nghiệp của cuộc thi năm 2016

Sau thành công năm 2014, năm 2016 cuộc thi viết “Rừng là cuộc sống của tôi” tiếp tục được triển khai cùng nhà tài trợ là Chương trình UN - REDD VN giai đoạn II và Tổ chức GIZ. Cũng như năm 2014, chỉ sau hơn 3 tháng phát động, Ban tổ chức đã nhận được gần 200 bài dự thi với hầu hết các tác giả đều là cán bộ kiểm lâm, những người làm rừng và một số nhà văn, nhà báo chuyên nghiệp.

Đọc những tác phẩm dự thi năm 2016 đều toát lên màu xanh của ấm no, của hi vọng phản ánh chân thực về sự nghiệp phát triển rừng sản xuất, những giá trị của kinh tế rừng mang lại cho đời sống người dân.

10-41-25_duc_0092
Với thành công của cuộc thi ở hai lần tổ chức trước, cuộc thi năm 2020 hứa hẹn sẽ tiếp tục thành công lớn.

Đó là các tác phẩm "Thoát nghèo nhờ trồng rừng" của tác giả Lê Thị Thu Thanh; "Tấm gương sáng trồng rừng ở xã Hương Minh" của tác giả Nguyễn Thanh Sơn hay “Hành trình cây gáo nước ở vùng biên” của tác giả Nguyễn Đức Trọng.

Bên cạnh phản ánh những thành công trong phát triển rừng sản xuất, cảm hứng chung của các tác giả là tình yêu rừng như một lẽ sống còn. Những bài viết đã thắp lên ngọn lửa bảo vệ và phát triển rừng đang diễn ra khắp mọi miền đất nước, từ rừng ngập mặn đến rừng nguyên sinh cổ thụ, từ rừng sản xuất đến rừng đầu nguồn.

Nhưng kiên quyết và bền bỉ hơn là công cuộc bảo vệ rừng, chống chọi lại lâm tặc, một cuộc chiến mà có lúc có nơi dường như thiếu cân sức.

Những vấn đề nhức nhối, trăn trở đọng lại trong lòng người đọc ở hầu hết các bài viết. Ở bài "Nữ tướng trên cánh rừng của những hòn đá biết đi" ghi nhận cánh rừng Hang Dơi (Vườn Quốc gia Xuân Sơn, tỉnh Phú Thọ) chỉ còn 20 “cụ” nghiến có tuổi đời trên dưới ngàn năm, gợi nhớ cuộc thi năm 2014 về số cây gỗ hương còn sót lại ở một bản xa xôi giữa Tây Nguyên trong tác phẩm “Câu chuyện giữa rừng giáng hương” của tác giả Trần Đăng Lâm.

Thực trạng đau xót về tình trạng phá rừng hiện lên trong bài "Chốt chặn Hà Ri" của Dương Lam. Giữa mảng màu đen, ta lại thấy sáng lên những tấm gương giữ rừng của bà con làng Hà Ri thuộc xã Vĩnh Hiệp, huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định.

Với người dân sống nhờ rừng như người Hà Ri thì một chân lý là “Nuôi rừng như nuôi người, như nuôi tương lai. Bây giờ mình giữ rừng, mai sau con cháu còn có nguồn thu từ rừng để sống”, là một nhận thức rất đáng được chúng ta khắc cốt ghi tâm.

Cũng với chủ đề này, loạt bài “Khi rừng là máu thịt” của Phúc Lập - Đoàn Trang đã phản ánh cuộc chiến cam go, có nguy cơ mất đi cả mạng sống giữa những người kiên quyết bảo vệ rừng với đám người liều lĩnh phá rừng để lấy cái sống trước mắt.

Thật ghê rợn khi những người giữ rừng nhận được “quà” là một cỗ quan tài đầy hăm dọa. Không những không sờn lòng, ông Hạt trưởng kiểm lâm Bảy Ách còn chủ động gặp gỡ kẻ hăm dọa mình, gặp những kẻ giàu có nhờ khai thác trái phép lâm sản, bằng nhời nhẽ thấu tình đạt lý, Bảy Ách kéo lâm tặc về với ánh sáng lương thiện, sử dụng họ như một lực lượng bảo vệ rừng. Bài "Ông Hạt trưởng “được tặng”… quan tài" hấp dẫn người đọc ngay từ cái tựa có phần rùng rợn, nhưng lại hết sức thuyết phục và đầy chất nhân văn.

Thành công của cuộc thi năm 2016 còn ở chỗ, cuộc thi đã trở thành hoạt động phong trào để Chi cục Kiểm lâm Lào Cai, Cao Bằng, Thái Nguyên... hưởng ứng mạnh mẽ với hàng chục bài viết dự thi của những người kiểm lâm vốn quen leo rừng, lội suối với đôi tay thô kệch, lóng ngóng trước những dòng thơ, câu văn… để thấy tình yêu rừng trong các anh còn nóng bỏng biết bao.

Và với ý nghĩa nhân văn, xúc động, thắm tình màu xanh của ngành Lâm nghiệp từ hai lần tổ chức trước, Tổng cục Lâm nghiệp, Báo Nông nghiệp Việt Nam tin tưởng, cuộc thi "Rừng là cuộc sống của tôi" lần thứ 3 năm 2020 tiếp tục là một năm thành công, đặc biệt khi 2020 chính là năm ngành Lâm nghiệp long trọng kỷ niệm 75 năm truyền thống với kết quả năm 2019 xuất khẩu và xuất siêu lâm sản cao nhất trong lịch sử.

Xem thêm
Tổng Bí thư: Tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần

Tổng Bí thư lưu ý, việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần, kết quả đạt được vừa qua rất quan trọng nhưng mới chỉ là bước đầu.

Việt Nam cam kết chuyển giao kỹ thuật sản xuất lúa gạo hỗ trợ Ma Rốc

Cần Thơ Ma Rốc đang nỗ lực cải thiện sản xuất lúa gạo trong nước, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cam kết chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao kỹ thuật cho nước bạn.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Giảng viên đại học và hành trình theo đuổi đam mê khảo kiểm nghiệm phân bón

Khi đang là giảng viên một trường đại học danh tiếng tại TP.HCM, anh Trần Văn Thanh quyết định bỏ nghề để xin việc tại Trung tâm Khảo kiểm nghiệm phân bón Quốc gia.

Bình luận mới nhất