| Hotline: 0983.970.780

Cước vận tải biển khiến hồ tiêu có nguy cơ mất thị trường chính

Thứ Tư 21/07/2021 , 08:54 (GMT+7)

Cước vận tải biển liên tục tăng cao và chưa có dấu hiệu dừng đang đẩy các doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu tới nguy cơ mất các thị trường chủ lực.

Ngành hồ tiêu có nguy cơ mất các thị trường lớn vì cược vận tải biển tăng quá cao. Ảnh: TL.

Ngành hồ tiêu có nguy cơ mất các thị trường lớn vì cược vận tải biển tăng quá cao. Ảnh: TL.

Nguy cơ mất thị trường Mỹ, EU vì cước vận tải biển

Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) vừa có công văn gửi Bộ Công Thương, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ NN-PTNT, Tổng cục Hải quan Việt Nam và Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam, phản ánh về việc cước vận chuyển tăng quá cao trong thời gian vừa qua.

Theo công văn nói trên, tổng hợp thông tin từ các doanh nghiệp hổ tiêu cho thấy, giá cước vận chuyển đi các thị trường trọng điểm từ tháng 1/2021 cho tới tháng 6/2021 luôn trong chiều hướng tăng với biên độ rất cao và không có dấu hiệu ngừng lại. Lý do chính mà các hãng tàu đưa ra là hệ lụy từ dịch bệnh Covid-19 dẫn đến thiếu hụt container. Đến thời điểm này, cước vận chuyển đi châu Âu cho 1 container 40 feet đã ở mức trên 11.000 USD, tức là tăng 12-13 lần so với mức giá đầu năm 2020. Cước vận chuyển đi Mỹ từ 2.000-3.000 USD cho 1 container 40 feet từ đầu năm 2020 đến nay tăng lên 13.500 USD, tức là tăng 5-6 lần. 

Đối với hồ tiêu Việt Nam, Mỹ là thị trường chính với lượng xuất khẩu chiếm 20-25%/năm và luôn duy trì sức mua ổn định cho tới hiện tại. EU cũng là thị trường trọng điểm và thị trường hướng đến của hầu hết các doanh nghiệp trong bối cảnh các Hiệp định thương mại tự do đang thúc đẩy tăng sức mua của thị này.

Tuy nhiên, đây lại là 2 tuyến vận chuyển đường biển có mức tăng giá cước phi mã và bất thường nhất với mức tăng khoảng 1.500-2.000 USD cho một container 40 feet sau mỗi 2 tuần. Doanh nghiệp hiểu hiện tại các hãng tàu biển cũng đang chịu ảnh hưởng trên nhiều mặt và trên diện rộng, dẫn đến việc đẩy giá cước tàu lên cao. Tuy nhiên, mức tăng cần được kiểm soát chặt chẽ, công khai minh bạch và có lộ trình báo trước.

Trên thực tế, thị trường Mỹ luôn luôn mua hàng với điều kiện CNF, với tất cả rủi ro về chi phí vận chuyển đều do doanh nghiệp Việt Nam gánh chịu. Thời hạn ký hợp đồng giao hàng luôn dao động từ 1 tháng trở lên. Doanh nghiệp có thể chủ động về nguồn hàng nhưng với khâu vận chuyển thì ngược lại. Doanh nghiệp thậm chí có lúc trong vòng 1 tháng cũng không thể tìm được xác nhận chỗ trên tàu (Booking confirmation) để tiến hàng giao hàng. Đến khi tìm được Booking thì giá vận chuyển đã tăng thêm hơn 1.500 USD/1 container 40 feet. Thậm chí nhiều khi các doanh nghiệp xuất khẩu chấp nhận trả giá cao để giao hàng cho khách cho kịp thời hạn giao hàng nhưng vẫn không tìm được booking để giao hàng. Các hãng tàu còn sẵn sàng hủy chỗ các booking đã đặt trước để bán lại cho các doanh nghiệp khác khi họ trả giá cước cao hơn, dẫn đến tình trạng tranh giành nhau để Booking tàu.

Cước vận chuyển đi Mỹ và EU hiện tại tăng liên tục dao động 2 tuần 1 lần và mức tăng không báo trước, có những lúc lại tăng đột biến. Đặc biệt, không loại trừ việc tăng chi phí từ đơn vị trung gian là đại lý hãng tàu (FWD) cùng cộng hưởng tạo tâm lý sai lệch về vấn đề tăng giá. Đây cũng là một mắt xích quan trọng vì hầu hết các doanh nghiệp đều làm việc với hãng tàu qua trung gian là FWD. Điều này được chứng minh khi hiện tại trên thị trường đang có nhiều mức giá khác nhau cho các chỗ trên cùng một con tàu.

Sản lượng container qua các cảng biển Việt Nam tăng cao trong 5 tháng đầu năm. Ảnh: TL.

Sản lượng container qua các cảng biển Việt Nam tăng cao trong 5 tháng đầu năm. Ảnh: TL.

Việc tăng giá cước vận tải biển đang là một vấn đề hết sức nghiêm trọng ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình xuất khẩu hồ tiêu. Giá cước vận tải biển tăng phi mã, liên tục và không có lộ trình khiến doanh nghiệp xuất khẩu đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Đáng lo ngại hơn là giá cước vận chuyển quá cao đang dẫn đến việc các doanh nghiệp hồ tiêu đánh mất thị trường về tay các đối thủ cạnh tranh trực tiếp với chúng ta.

Cụ thể, thời gian gần đây, nhiều khách hàng Mỹ và EU đã chuyển hướng qua mua tiêu từ Brazil vì chất lượng  không quá chênh lệch so với tiêu Việt Nam trong khi chi phí vận chuyển từ Brazil tới Mỹ chỉ bằng 1/3 và tới EU chỉ bằng 1/10 so với từ Việt Nam. Do đó, VPA cho rằng, với tình hình cước tăng liên tục và không có chiều hướng giảm như hiện nay ngành hàng Hồ tiêu Việt Nam sẽ mất hoàn toàn khả năng cạnh tranh ở các thị trường Mỹ và EU. Nguy cơ đánh mất thị trường trọng điểm vào tay đối thủ cạnh tranh đang hết sức cấp bách.

Container có thực sự vẫn đang khan hiếm?

Theo VPA, việc tăng giá cước vận tải biển liên tục và lên mức rất cao trong thời gian qua là phi lý và bất thường, bởi giá dầu (chi phí cốt lõi để cấu thành ra giá thành trong vận tải biển) đang ở mức thấp hơn nhiều so với trước đây. Điều này dẫn đến 1 câu hỏi là có hay không việc các hãng tàu cố tình găm container và chỗ (space) trên tàu để tạo ra hiện tượng khan hiếm chỗ, khan hiếm vỏ container nhằm đẩy giá cước vận chuyển tiếp tục tăng phi mã.

Bởi nếu thực sự khan hiếm container thì tại sao sản lượng container thông qua các cảng biển Việt Nam lại tăng cao trong những tháng đầu năm nay? Trong văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải báo cáo về số liệu thống kê 6 tháng năm 2021, ông Hoàng Hồng Giang, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết, khối lượng hàng hóa container thông qua các cảng biển Việt Nam trong 5 tháng đầu năm nay là 10.338.000 TEU, tăng 24% so với cùng kỳ năm 2020, là mức tăng trưởng cao nhất trong vài năm trở lại đây. Trong đó, hàng xuất khẩu đạt 3.298.000 TEU, tăng 19%; hàng nhập khẩu đạt 3.441.000 TEU, tăng 27%; hàng nội địa đạt 3.599.000 TEU, tăng 26%.

Trước những khó khăn chồng chất do cước vận tải biển, VPA mong muốn Chính phủ và các Bộ, Ngành tiếp tục tác động yêu cầu các hãng vận chuyển công khai, minh bạch giá cước vận chuyển trên website chính thức của công ty, công bố lộ trình biểu phí rõ ràng; đề nghị các cơ quan chức năng tiếp tục đối thoại trực tiếp với các hãng tàu lớn yêu cầu các đơn vị đại lý hãng tàu áp dụng mức tăng giá chung tránh việc nhiễu loạn giá cước như hiện nay, chấm dứt hiện tượng các FWD lạm quyền o ép doanh nghiệp; làm rõ vai trò chức năng các FWD (các đại lý hãng tàu), tuyệt đối không cho phép hiện tượng đại lý tự tung tự tác, mua chỗ từ hãng tàu, sau đó cộng chênh lệch cao bất thường và bán lại cho các doanh nghiệp xuất khẩu.

Xem thêm
Làng nghề làm khô cá đồng Tân Châu tất bật vào vụ Tết

An Giang Sản phẩm từ làng nghề làm khô cá đồng tại Tân Châu ngày càng được mở rộng kênh tiêu thụ thông qua thương mại điện tử, giúp nâng cao giá trị sản phẩm.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

Quỹ Vì Tầm Vóc Việt: Mục tiêu trở thành quỹ xã hội hàng đầu

Trong giai đoạn 2025-2034, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VTVV) đặt mục tiêu dẫn đầu về chăm sóc sức khỏe học đường, bảo vệ trẻ em và phát triển phụ nữ.

Hà Nội sắp đưa vào sử dụng gần 6.000 căn nhà ở xã hội

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2024 - 2025.