| Hotline: 0983.970.780

‘Găm’ container để đẩy giá cước tàu biển?

Thứ Năm 08/07/2021 , 07:39 (GMT+7)

Giá cước tàu biển vẫn tiếp tục tăng mạnh, gây khó khăn lớn cho xuất khẩu nông sản Việt Nam. Ngoài nguyên nhân do Covid-19, còn có nghi vấn về việc ‘găm’ container.

Cước tàu biển tăng quá cao gây ảnh hưởng lớn tới các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản. Ảnh: TL.

Cước tàu biển tăng quá cao gây ảnh hưởng lớn tới các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản. Ảnh: TL.

Doanh nghiệp lao đao với cước tàu biển

Đến thời điểm này, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu nông sản vẫn đang gặp phải khó khăn rất lớn do việc tăng giá cước tàu biển và tình trạng thiếu container (cont) ngày càng nghiêm trọng. Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP, cho biết, hầu hết các hãng tàu vận tải biển từ tháng 11/2020 đến nay đã thông báo tăng giá cước từ 2-10 lần (tuỳ chặng, tuỳ hãng), trong khi doanh nghiệp vẫn rất khó hoặc không thể đặt được container/chặng tàu cho nhiều chặng quan trọng. Điều này đã gây ra tình trạng khó khăn đột ngột, ùn ứ và chi phí đội lên rất cao cho xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam.

Riêng về chi phí thuê cont đi từ Việt Nam, từ cuối tháng 11/2020 đến nay đã tăng cao đột biến cho cả cont hàng khô và hàng lạnh. Ở một số cảng, giá cuối tháng 5/2021 đã tăng gấp đôi so với giá mấy tháng trước và gần gấp 6 lần so với giá đầu năm 2020. Cụ thể, giá vận tải cont lạnh từ Việt Nam đi cảng Southamton (Anh) đầu năm 2020 là  1.600 USD/cont, đến tháng 12/2020 tăng hơn 3 lần và ở mức 5.000 USD/cont, đến tháng 5/2021 đã lên tới 9.100 USD/cont.

Giá vận tải cont lạnh từ Việt Nam đi cảng Los Angeles (Mỹ) đầu năm 2020 là 1.800 USD/cont, đến tháng 12/2020 đã gấp hơn 2 lần và ở mức 4.000 USD/cont, đến tháng 5/2021 là 8.000 USD/cont.

Giá vận tải cont hàng khô từ Việt Nam đi Israel tháng 10/2020 mới chỉ là 2.300 USD/cont loại 20ft, thì tháng 3/2021 đã lên 6.300 USD/cont (hãng tàu Happloy, Evergreen) và 7.000 USD/cont (hãng tàu Zim). Thậm chí có hãng tàu còn báo cước phí lên đến 11.000 USD/cont hàng khô đi Israel. Giá vận tải cont hàng khô từ Việt Nam đi cảng Klaipeda (cảng biển duy nhất của Litva) trước đây chỉ là 2.100 – 2.300 USD/cont loại 20ft, đến tháng 1/2021 đã lên 8.000 USD/cont.

Mặc dù giá thuê cao như vậy nhưng doanh nghiệp vẫn rất khó đặt được cont, do tình trạng được báo là thiếu cont tại các cảng, các tuyến. Ngay cả khi doanh nghiệp đã đăng ký được cont đóng hàng đưa ra cảng để lên tàu xuất khẩu, nhưng vì thiếu hụt lượng cont dẫn đến các hãng tàu liên tục delay, hoãn chuyến, có nhiều tàu phải delay 4-5 lần (tương đương khoảng 10-15 ngày)/chuyến, gây nên việc chậm trễ đơn hàng xuất khẩu.

Việc thiếu hụt cont đã và đang dẫn đến ách tắc cả cho đầu ra (các lô hàng xuất khẩu) lần đầu vào (các lô nguyên liệu nhập khẩu) của doanh nghiệp, gây ra nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng của nhiều ngành hàng, đồng thời cũng khiến nhiều doanh nghiệp phải trả thêm chi phí lưu kho, lưu bãi do các lô hàng bị ách tắc tại các cảng biển khi không thuê được cont vận chuyển.

Ông Hòe cho rằng, các yếu tố trên đã đẩy chi phí logistics tăng cao, tác động không nhỏ đến khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp thủy sản trên thị trường thế giới. Rất nhiều đơn hàng của các doanh nghiệp đã bị hủy, chậm giao hàng, chậm thanh toán và, không ký tiếp được đơn hàng mới dẫn đến rất nhiều khó khăn.

Do dịch bệnh Covid-19, các doanh nghiệp đã rất khó khăn mới ký được các đơn hàng. Nhưng ngay cả khi có đơn hàng, với việc cước phí thuê cont tăng quá cao rất khó khăn trong việc thuê được cont để xuất nhập hàng hóa, các doanh nghiệp đang đứng trước tình trạng thua lỗ trầm trọng và đình đốn sản xuất do giá thành sản xuất tăng cao.

Có dấu hiệu một số hãng tàu 'găm' cont rỗng để đẩy giá cước. Ảnh: TL.

Có dấu hiệu một số hãng tàu "găm" cont rỗng để đẩy giá cước. Ảnh: TL.

Có dấu hiệu “găm” cont, thổi giá

Tình trạng thiếu trầm trọng container rỗng trên toàm cầu do ảnh hưởng của Covid-19 là có thật, nhưng không loại trừ khả năng nhiều hãng tàu đã “té nước theo mưa”, lợi dụng tình trạng trên để “găm” container nhằm đẩy giá cước lên cao hơn nữa.

Theo thông tin từ các doanh nghiệp thủy sản, trên thị trường cont rỗng hiện nay, doanh nghiệp nào trả cước cao hơn thì hãng tàu sẽ cấp cont. Thậm chí có những doanh nghiệp đã booking cont (đăng ký container) rồi, nhưng do cước phí thuê cont tăng lên hàng ngày nên các hãng tàu sẵn sàng hủy booking của những doanh nghiệp đó để chuyển cho doanh nghiệp khác nếu doanh nghiệp kia trả cước cao hơn.

Nếu các công ty sẵn sàng chấp nhận mức giá cao hơn thì sẽ dễ dàng được chấp nhận booking hơn và nếu booking qua các đại lý cũng dễ dàng hơn so với trực tiếp đặt booking với các hãng tàu. Như vậy, phải chăng đã có sự tích trữ cont và chỗ trên tàu từ phía các hãng tàu để đẩy giá thuê cont lên cao? Điều này là phi lý trong bối cảnh giá dầu (chi phí lớn nhất trong cơ cấu chi phí hoạt động của các hãng tàu) thấp hơn nhiều so với giai đoạn trước đây, đồng thời các hàng tàu đã có thời gian dài từ quý 4/2020 đến nay để bổ sung số lượng tàu và cont thiếu hụt.

Vì vậy, VASEP cho rằng, nếu không có các biện pháp kiểm soát, tình hình này sẽ kéo dài với chi phí vận tải biển và tình trạng cont thiếu hụt tiếp tục tăng cao, ảnh hưởng nghiêm trọng đến xuất khẩu thủy sản nói riêng và các ngành hàng xuất nhập khẩu của Việt Nam nói chung.

Không chỉ thủy sản, xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản chủ lực khác cũng đang bị tác động khôn nhỏ từ việc tăng giá cước tàu biển và thiếu cont. Chẳng hạn, theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), trong vài tháng tới, xuất khẩu hạt điều, cà phê, tiêu… sang Mỹ và châu Âu sẽ tiếp tục gặp khó khăn do tình hình vận chuyển chưa có dấu hiệu được cải thiện. Tình trạng thiếu cont rỗng nhiều khả năng sẽ tiếp tục diễn trong vài tháng nữa, giá cước vận chuyển cao được dự báo kéo dài sang tận năm 2022.

Xem thêm
Nâng cao chất lượng, năng lực cạnh tranh của nông sản Việt

Thứ trưởng Trần Thanh Nam gợi ý nhiều hướng phát triển cho Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, trong đó nhấn mạnh chất lượng và thị trường.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Tập đoàn Mavin 20 năm 'Kiến tạo - Nâng tầm - Bứt phá'

HÀ NỘI Đây là dịp đặc biệt và ý nghĩa để nhìn lại hành trình phát triển vinh quang của Mavin trong 2 thập kỷ qua, khơi dậy niềm tự hào, động lực hướng tới tương lai.