Hai năm - 13 nhà xuất bản
Một cuốn sách xúc động, trong đó không chỉ là sự hy sinh lớn lao của cá nhân các liệt sĩ. Đằng sau các anh không chỉ có 64 bà mẹ đong đầy nhớ thương, 64 người vợ khắc khoải mong chờ, hay những đứa con mơ ước nhưng chưa một lần được thấy mặt cha, mà là tình yêu thương cao cả đã ở lại trong những nét đẹp dung dị, đời thường, được khắc họa mang dáng hình Tổ quốc.
Vậy mà, bản thảo cuốn sách đã phải chuyển qua 13 nhà xuất bản trong suốt 2 năm qua mà đều nhận được sự từ chối hoặc im lặng.
Ông Nguyễn Văn Phước, Giám đốc Công ty TNHH Văn hóa sáng tạo First News - Trí Việt, đơn vị sản xuất cuốn sách trên, đã cho biết danh sách các đơn vị bản thảo trải qua là: NXB Trẻ, NXB Công an Nhân dân, NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, NXB Hồng Đức, NXB Thế Giới, NXB Thông Tấn Xã, NXB Thuận Hóa, NXB Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, NXB Thanh Niên và NXB Quân đội Nhân dân.
Ngày 16/4/2015, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành Chu Văn Hòa ký văn bản số 2139/CXBIPH-QLXB gửi tới NXB Thuận Hóa, NXB Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh và First News - Trí Việt khẳng định việc đăng ký đề tài xuất bản cuốn sách “Gạc Ma - Vòng tròn bất tử” như sau:
“Đề tài trên không phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của 02 NXB Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh và Thuận Hóa.
Công ty TNHH Văn hóa sáng tạo First News - Trí Việt đăng ký đề tài trên tại NXB Quân đội Nhân dân.
NXB Quân đội Nhân dân khi đăng ký xuất bản đề tài “Gạc Ma - Vòng tròn bất tử” phải kèm theo văn bản thẩm định nội dung của cơ quan chuyên môn thuộc Bộ Quốc phòng”.
Không hội đồng nào thay thế được nhân chứng lịch sử
Theo chỉ đạo của Cục trưởng Cục Xuất bản, bản thảo cuốn sách được chuyển tới NXB Quân đội Nhân dân. Ông Nguyễn Văn Phước chia sẻ: “Không biết đến bao giờ chúng tôi mới nhận được hồi đáp, vì từ khi chuyển tới NXB Quân đội Nhân dân tới nay đã một năm trôi qua trong im lặng”.
Thiếu tướng Lê Mã Lương, Anh hùng LLVTND, nguyên Giám đốc Bảo tàng Quân sự Việt Nam, chủ biên cuốn sách đặc biệt này nêu rõ quan điểm:
“Cách đây vài ngày tôi có trình bày cuốn sách và được sự ủng hộ nhiệt tình của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Chúng ta đưa tin đúng với lịch sử là điều cần thiết và là mong đợi của toàn dân, ở trong và cả ngoài nước. Đó cũng chính là mong muốn của nhiều thế hệ và các gia đình có người thân đã hy sinh mạng sống của mình vì sự độc lập, chủ quyền của dân tộc.
Ý kiến của Cục Xuất bản về cho lập Hội đồng Lịch sử của Bộ Quốc phòng và Bộ Tư lệnh Hải quân để thẩm định các chi tiết cuốn sách tri ân liệt sĩ Gạc Ma là một điều không tưởng.
Và có lẽ phải chờ vài chục năm nữa hội đồng đó cũng chưa ra đời và cuốn sách tri ân liệt sĩ cũng không thể xuất bản được. Bởi vì tôi đã phục vụ và làm việc ở Quân đội gần 50 năm và biết rất rõ ở Bộ Quốc phòng và Bộ Tư lệnh Hải quân không có hội đồng thẩm định đó.
Bản thân tôi đã là tác giả viết trên 30 cuốn sách về đề tài chiến tranh và có những sự việc chỉ có mình tôi chứng kiến thì không một ai có thể đủ hiểu biết và trách nhiệm để thẩm định thay tôi cả.
Và tôi - tác giả là người chịu trách nhiệm về những điều tôi viết. Các nhà báo tác giả cuốn sách là những người đã lặn lội trực tiếp đi gặp phỏng vấn các gia đình liệt sĩ Gạc Ma và các chiến sĩ bị Trung Quốc bắt để ghi lại tường tận các sự việc. Không ai hơn người trong cuộc, vì đó là sự thật đã xảy ra mà chỉ có người đó chứng kiến.
Sau ngày 14/3/1988, trừ những người trong cuộc, có mặt chứng kiến trận thảm sát bi thương đó, rất ít người bên ngoài biết tường tận sự việc.
Chỉ cho đến khi chính Trung Quốc công bố đoạn clip ghi lại sự thật cuộc thảm sát Gạc Ma đó, chúng ta mới lắp ráp đầy đủ toàn cảnh và rất đúng với những chi tiết và câu chuyện những cán bộ chiến sĩ hải quân còn sống đã kể lại và được ghi lại trong sách.
Nên nhớ rằng chính Trung Quốc công bố sự thật trận thảm sát trước - chứ không phải chúng ta - thì sao chúng ta phải quá e ngại và lo sợ khi tôn vinh, tri ân những người liệt sĩ đã ngã xuống vào ngày hôm đó?
Tôi - một vị tướng Quân đội Nhân dân Việt Nam dày dạn kinh nghiệm trận mạc, với tất cả hiểu biết và trải nghiệm chiến trường bằng xương máu của chính mình - có thể khẳng định chắc chắn rằng: “Trên thế giới không có một Hội đồng lịch sử nào có thể thay thế được nhân chứng lịch sử được! Bởi vì khi xảy ra sự việc, họ không hề có mặt ở đó, thì sao đủ thẩm quyền và hiểu biết để thẩm định tính xác thực của sự việc được?”.
“Vòng tròn bất tử với những người lính tay không chống lại mũi súng và lưỡi lê. Thiếu úy Trần Văn Phương, trước lúc ngã xuống đã muốn máu của mình tô thắm lá cờ. Hạ sĩ Nguyễn Văn Lanh, người thay thế giữ lá cờ, bị đạn xuyên qua bả vai. Tàu vận tải 505 với AK, B40 và DKZ chiến đấu cảm tử với những chiến hạm của quân Trung Quốc xâm lược được gắn pháo 100 ly. Và 64 người lính đã ngã xuống trong ngày 14/3 năm đó. Ngay đêm 14/3, thuyền trưởng Vũ Huy Lễ đã điện về sở chỉ huy, nội dung ngắn gọn, đanh thép: Tàu còn, đảo còn và quyết tâm ở lại giữ đảo “dù phải hy sinh đến người cuối cùng…” (trích đoạn trong cuốn sách “Gạc Ma - Vòng tròn bất tử”). |