Tình đồng đội
Theo anh Bùi Quang Tải (trú tại 28/7 Cao Bá Quát, phường Phú Cát, TP. Huế), một trong ba chiến sĩ may mắn sống sót trong sự kiện Gạc Ma, quần đảo Trường Sa ngày 14/3/1988, thăm lại những đồng đội xưa mới thấy hết những khó khăn mà họ gặp phải.
Trên đường đi, anh Tải dừng nơi quán tạp hóa ven đường mua gói bánh để thắp nhang cho anh Trần Văn Tự (một trong ba chiến sĩ trở về từ Gạc Ma ngày ấy, ở thôn 3 An Truyền, xã Phú An, huyện Phú Vang, TT- Huế). Anh Tự đã mất cách đây 5 năm do một tai nạn giao thông khi đang đi bán bánh bao tại TP. Huế.
Anh Bùi Quang Tải, Trần Văn Tự và anh Huỳnh Đức (trú tại thôn An Truyền, xã Phú An, huyện Phú Vang) là ba chiến sĩ thuộc Đại đội 9, Tiểu đoàn 887, Trung đoàn 83 Hải quân đã công tác tại quần đảo Trường Sa từ tháng 3/1986 đến tháng 7/1989. Trong “Sự kiện Trường Sa ngày 14/3/1988”, họ là ba chiến sĩ đã trực tiếp làm nhiệm vụ xây dựng đảo ở bãi Gạc Ma may mắn sống sót trở về.
Anh Bùi Quang Tải cho biết, năm 1986, sau khi nhập ngũ, đơn vị của các anh đóng quân tại phường Thọ Quang (quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng). Đầu năm 1988, sau khi ăn tết xong, Trung đoàn của anh được lệnh tăng cường vào Cam Ranh (Khánh Hòa) để ra xây dựng đảo tại Trường Sa.
Anh Tải kể, sáng sớm ngày 14/3/1988, anh cùng đơn vị của mình đang tập kết vật liệu để ra xây dựng tại bãi Gạc Ma thì bị quân Trung Quốc tấn công. Anh may mắn sống sót là do sau khi đẩy được xuồng vật liệu vào đảo, anh thấy cá đẹp nên ở lại xem. Còn các chiến sĩ khác số thì đang vận chuyển vật liệu, số thì vẫn đang ở trên tàu HQ 604. Do là lính công binh xây dựng đảo nên các anh hoàn toàn không có trang bị bất cứ vũ khí gì.
Buổi sáng, phía tàu Trung Quốc và tàu của ta vẫn còn vui vẻ chào hỏi nhau, không có chuyện gì, thế nhưng, khi các anh vận chuyển vật liệu vào đảo thì lập tức bị tấn công. Do quá bất ngờ nên hầu hết các anh chỉ còn cách lặn xuống biển để tránh đạn. Khi tiếng súng ngưng, anh ngoi lên mặt nước thì thấy chiến sĩ của ta hy sinh và bị thương rất nhiều.
Anh Bùi Quang Tải và anh Huỳnh Đức thăm nhau, ôn lại kỷ niệm một thời
Sau khi ngoi lên khỏi mặt nước, những chiến sĩ sống sót đã co cụm lại nắm tay nhau thành một nhóm trên bãi Gạc Ma. Những chiếc xuồng nhôm vận chuyển vật liệu bị hàng trăm vết đạn, các anh phải xé áo nhét vào những lỗ thủng để đưa các chiến sĩ bị thương vào tàu cấp cứu. Anh Tải vẫn nhớ như in, khi anh Tự ngoi lên, mặt đầy máu. Anh Tự bị dính đạn nên bị thương ở mắt. Những người còn sống lao đến đưa anh Tự lên xuồng. Anh Huỳnh Đức cũng bị thương ở lưng.
Từ bãi Gạc Ma, các anh đã lội bộ đẩy xuồng đưa những người bị thương đi vòng cho đến 4 giờ chiều mới tới được tàu HQ 604. Lúc này tàu đã bị bắn cháy, các chiến sĩ sống sót trên tàu đang nỗ lực múc nước dập lửa. Sau đó, các anh được xuồng cứu viện từ Trường Sa Lớn ra đưa về đảo trị thương.
Ngay hôm đó, anh Tự và anh Đức được đưa vào bờ. Anh Đức bị thương nhẹ nên được điều trị tại Bệnh xá Quân y tại Cam Ranh còn anh Tự được đưa thẳng vào TP. HCM điều trị. Riêng anh Tải vẫn ở lại phục vụ ở đảo cho đến ngày 31/7/1989 mới xuất ngũ về địa phương.
Anh Tự và anh Đức sau khi được chữa trị cũng đã ra quân về lại An Truyền. Các anh đã được tặng Huân chương Chiến công hạng Ba và Huy chương Chiến sĩ vẻ vang.
Nỗi đau đời thường
Từ Gạc Ma sống sót trở về, anh Tự bị thương hư một mắt và được công nhận thương binh hạng 2/4. Anh Đức do bị thương nhẹ (giám định 9%) nên không được công nhận là thương binh.
Anh Tải sau một thời gian làm công nhân của Cty Khoáng sản TT- Huế, lương bổng khó khăn nên đã nghỉ việc về làm nghề lái xe. Anh Đức thì chủ yếu làm ruộng vườn.
Trong số những người lính Gạc Ma ở Huế, mỗi người có một hoàn cảnh riêng, nhưng thương tâm nhất vẫn là hoàn cảnh gia đình anh Tự. Từ ngày trở về, anh Tự với gánh bánh bao trở thành cứu cánh mưu sinh cho cả gia đình. Anh Tự lập gia đình và sinh được 4 người con.
Chị Đào Thị Thảo (vợ anh Tự) kể lại, ngày 5/12/2009, anh Tự đang bán bánh bao trên đường Bà Triệu (TP. Huế) thì không may bị tai nạn giao thông tử nạn. Khi nhận được hung tin, chị đến nơi như chết điếng. Anh Tự cùng người gây tai nạn đã tử vong tại chỗ. Do cả người gây tai nạn và người bị nạn đều chết nên chị chỉ biết đưa thi thể chồng về quê lo mai táng và mọi chuyện xem như được khép lại chứ không ai phải bồi thường thiệt hại cho ai cả.
Chị Đào Thị Thảo (vợ anh Trần Văn Tự) vẫn tần tảo với nghề chằm nón để nuôi con ăn học
Anh Tự mất để lại gánh nặng mưu sinh trên vai người vợ. Ròng rã mấy năm qua, chị Thảo một mình cần mẫn với nghề chằm nón với 3 sào ruộng nuôi 4 người con ăn học.
Chị Thảo tâm sự: “Lúc anh còn sống luôn chú tâm đến việc học con cái. Dù cực khổ, sớm hôm với gánh bánh bao, anh vẫn không bao giờ để con thất học cả”.
Chị Thảo kể rằng, khi anh Tự còn sống thường nói, anh không đòi hỏi gì nhiều ở cuộc sống này, bởi anh là người lính, may mắn sống sót trở về từ Trường Sa, trong khi nhiều đồng đội đã nằm lại với biển. Anh chỉ mong có một gia đình nhỏ với những đứa con được học hành là mãn nguyện lắm. Một tay chèo lái với bầy con thơ, đến nay gia đình chị Thảo vẫn chưa dựng được căn nhà. Cả gia đình 5 mẹ con phải sống trong ngôi từ đường của ông bà nội.
Nhưng đổi lại, như hiểu được ước nguyện của người cha, các con anh Tự đều học giỏi, đỗ đạt. Hiện, cô con gái đầu là Trần Thị Hảo (23 tuổi) đang học Đại học Y dược Huế ngành điều dưỡng. Người con gái thứ hai là Trần Thị Mộng Kiều (20 tuổi) đang theo con đường thi cử. Người con thứ ba là Trần Văn Hào (18 tuổi) đang học lớp 12 và cô con gái út là Trần Thị Kiều Oanh (16 tuổi) hiện đang học lớp 10...
Câu chuyện về anh Tự chưa dứt cũng là lúc chúng tôi cùng anh Tải xuống thôn An Truyền, xã Phú An để thăm lại đồng đội cũ là anh Huỳnh Đức.
Đã 26 năm kể từ ngày xảy ra “Sự kiện Trường Sa ngày 14/3/1988”, người lính trở về từ Gạc Ma của TT- Huế chỉ âm thầm đến thăm nhau mừng mừng, tủi tủi. Trong khi anh Tải và anh Tự được hưởng chế độ trợ cấp thì anh Đức hiện vẫn chưa được hưởng.
26 năm trôi qua, ngoài việc âm thầm đến thăm viếng nhau trong những dịp kỷ niệm, các anh hầu như chưa hề được bất cứ ai nhắc đến. “Coi trên ti vi, thấy anh em các địa phương khác được tổ chức gặp mặt, mình cũng ao ước được đi, nhưng không hiểu vì sao chẳng thấy ai mời cả. Có lẽ chúng tôi đã bị lãng quên rồi thì phải”, anh Tải tâm sự.