| Hotline: 0983.970.780

Cứu cánh lao động nông thôn

Thứ Sáu 12/04/2013 , 10:17 (GMT+7)

Hôm qua, ngày làm việc thứ ba, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) dành phần lớn thời gian để lấy ý kiến đóng góp cho Dự án Luật Việc làm.

* Thiên tai làm thiệt hại kinh tế 1 - 1,5% GDP

Hôm qua, ngày làm việc thứ ba, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) dành phần lớn thời gian để lấy ý kiến đóng góp cho Dự án Luật Việc làm. Đây là dự luật quan trọng ảnh hưởng đến cuộc sống của gần 70% lao động đang trong tuổi làm việc.

Báo cáo thẩm tra dự án Luật Việc làm của Ủy ban Về các vấn đề xã hội cho thấy, hiện có khoảng 33,8% lao động làm công ăn lương, vẫn còn gần 67% lao động không có quan hệ lao động trong tổng số lao động đang làm việc trong nền kinh tế quốc dân. Thống nhất về sự cần thiết ban hành Luật Việc làm nhằm tạo cho người lao động có thu nhập cao và cuộc sống tốt hơn, song Ủy ban Về các vấn đề xã hội - cơ quan thẩm tra dự án Luật - yêu cầu cụ thể hóa hơn nữa đến mục tiêu việc làm bền vững cho người lao động, cải thiện điều kiện làm việc, thu nhập hợp lý và chất lượng việc làm tốt hơn cho người lao động; xây dựng cơ chế thông tin - dự báo, định hướng cho việc phát triển thị trường lao động… Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội tán thành phần lớn những đề xuất của Chính phủ có trong dự án Luật như dành nhiều chương trình do Nhà nước tổ chức để hỗ trợ giải quyết việc làm tại chỗ và tạm thời cho nhóm đối tượng là lao động không có tay nghề, lao động thuộc các hộ nghèo, lao động là người dân tộc thiểu số, lao động thiếu việc làm ở nông thôn, lao động mất việc làm trong một thời gian do suy giảm kinh tế…

Tuy nhiên, theo bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội, Ban soạn thảo cần nghiên cứu để thu hẹp phạm vi phù hợp với tính chất giải quyết việc làm tạm thời và khuyến khích xã hội hóa để thu hút sự tham gia của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả của các chính sách đã ban hành.

Đặc biệt, trong dự thảo dự kiến chuyển các quy định về bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) trong Luật Bảo hiểm xã hội về dự án Luật Việc làm. Về vấn đề này, Thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội cho rằng, sắp xếp theo hướng này hợp lý hơn. Bởi BHTN là chính sách bảo hiểm ngắn hạn, được quy định trong Luật Bảo hiểm xã hội, thực hiện từ ngày 1/1/2009 nhằm góp phần bảo đảm an sinh xã hội, bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi bị mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động, đồng thời hỗ trợ người lao động học nghề, tìm việc làm mới phù hợp, sớm đưa họ trở lại làm việc. Vì vậy, thời gian tới Luật Bảo hiểm xã hội chỉ nên tập trung vào chính sách bảo hiểm hưu trí - tử tuất, những chính sách bảo hiểm xã hội dài hạn.

Liên quan đến BHTN, bà Trương Thị Mai có ý kiến tiếp bằng nhận định: Mở rộng đối tượng tham gia BHTN là cần thiết nhằm đạt mục tiêu về an sinh xã hội, vì hiện nay có khoảng 70% lực lượng lao động không có quan hệ lao động, do vậy, cần có những biện pháp để thu hút số lao động này tham gia loại hình bảo hiểm thất nghiệp nhằm tăng tính bền vững cho việc làm của họ trong điều kiện thị trường lao động đang phát triển.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội lưu ý, việc mở rộng và quản lý các đối tượng tham gia BHTN đối với khu vực không có quan hệ lao động là khá phức tạp và quỹ bảo hiểm thất nghiệp dễ bị lạm dụng do những khó khăn trong việc xác định tình trạng thất nghiệp, công tác thu - chi, khả năng quản lý đối tượng hạn chế.

Cũng theo bà Mai, Chính phủ cần tổng kết, đánh giá để khắc phục những thiếu sót, tồn tại trong tổ chức thực hiện, tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động tham gia BHTN. Trên cơ sở đó, dự thảo Luật cần quy định các tiêu chí mang tính nguyên tắc đối với mô hình tổ chức thực hiện chính sách BHTN và giao cho Chính phủ quy định cụ thể. Riêng về Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, bà Mai kiến nghị, dự thảo Luật cũng cần có quy định Nhà nước hỗ trợ tối đa 1% quỹ tiền lương tháng đóng BHTN và giao Chính phủ quy định cụ thể mức hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước.

Buổi chiều cùng ngày, UBTVQH cho ý kiến đóng góp về Dự thảo Luật Phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai do Bộ NN-PTNT soạn thảo. Theo số liệu thống kê, trong hơn 30 năm qua tại Việt Nam, bình quân mỗi năm, thiên tai đã làm chết và mất tích khoảng 500 người, bị thương hàng nghìn người, thiệt hại về kinh tế từ 1 - 1,5% GDP. Thiên tai đang là nguy cơ lớn đe dọa sự phát triển bền vững của đất nước. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội Nguyễn Kim Khoa thì cho rằng giảm nhẹ, phòng, tránh thiên tai là nhiệm vụ của các cơ quan, tổ chức, cá nhân nhưng phải có lực lượng nòng cốt là lực lượng vũ trang, đặc biệt là quân đội, do đó, dự Luật cần quy định cụ thể hơn nội dung này về vai trò của lực lượng vũ trang. Nhiều ý kiến của UBTVQH đồng tình với cơ quan soạn thảo cần lập Quỹ Phòng, tránh, giảm nhẹ thiên tai để tổ chức, quản lý nguồn tiền hỗ trợ. Trong đó có một số loại phí mà các tổ chức, cá nhân phải đóng góp thì sẽ do Quốc hội quyết định mức này là bao nhiêu. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị cần quy định rõ ràng, chặt chẽ các chế tài để xử lý những sai phạm trong giảm nhẹ, phòng tránh thiên tai của các tổ chức, cá nhân. Về tên gọi của Luật, UBTVQH quyết định sẽ đưa ra QH thảo luận nên để là Luật Phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai.

Xem thêm
Đoàn công tác Bộ NN-PTNT thăm cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trên quần đảo Trường Sa

Từ ngày 10/5 - 16/5/2024, gần 40 đại biểu Bộ NN-PTNT do Thứ trưởng Phùng Đức Tiến dẫn đầu tham gia Đoàn công tác số 18 thăm quần đảo Trường Sa, Nhà giàn DK-I.

Đông Nam bộ đủ nước cho vụ hè thu

Đông Nam bộ đã bắt đầu bước vào mùa mưa. Mực nước hiện tại ở các hồ chứa trong khu vực có khả năng đáp ứng đủ cho sản xuất vụ hè thu.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hai cá thể khỉ vàng mò vào vườn nhà dân

LÀO CAI Sau khi bắt được hai cá thể khỉ trong vườn, người dân đã bàn giao cho Hạt Kiểm lâm huyện Bảo Thắng để đưa về trung tâm chăm sóc.