| Hotline: 0983.970.780

Cựu Cục trưởng Cục Đăng kiểm vừa là bị cáo, vừa là bị hại

Thứ Năm 18/07/2024 , 17:49 (GMT+7)

Bị cáo Đặng Việt Hà bị xét xử tội 'Nhận hối lộ'. Ngoài ra, ông Hà còn là bị hại liên quan vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản của bị cáo Nguyễn Văn Chung.

Chỉ thẩm tra lý lịch trực tiếp tại tòa 5 bị cáo

Sáng 18/7, phiên toà xét xử 254 bị cáo trong đại án đăng kiểm xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam cùng các trung tâm đăng kiểm tại TP.HCM và nhiều tỉnh thành bắt đầu.

Phiên tòa được tổ chức kết hợp giữa hình thức trực tiếp (tại trụ sở TAND TP.HCM) và trực tuyến (tại trại giam Chí Hòa, huyện Củ Chi). Trong thời gian diễn ra phiên tòa, an ninh được thắt chặt.

Phiên tòa xét xử 2 cựu Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam là Trần Kỳ Hình (SN 1961) và Đặng Việt Hà (SN 1972), cùng 252 bị cáo khác, trong đó có nhiều người từng giữ chức vụ cao như trưởng phòng, giám đốc, phó giám đốc các trung tâm đăng kiểm.

VKSND TP.HCM cáo buộc bị cáo Hà phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi “Nhận hối lộ” tổng số tiền hơn 40 tỉ đồng, trong đó, cá nhân bị cáo Hà hưởng lợi số tiền 8,5 tỉ đồng.

Các bị cáo tại phiên tòa ngày đầu tiên. Ảnh: HT.

Các bị cáo tại phiên tòa ngày đầu tiên. Ảnh: HT.

Có 3 bị cáo xin xét xử vắng mặt. Một số luật sư xin tạm vắng mặt trong ngày đầu phiên xét xử. 

 Về sự vắng mặt của các bị cáo này, đại diện VKSND TP HCM cho rằng vấn đề này không ảnh hưởng đến việc xem xét toàn diện vụ án. Do phiên xử kéo dài nên việc vắng mặt các luật sư này vẫn đảm bảo quyền lợi cho các bị cáo. Do đó, VKSND TP HCM đồng ý tiếp tục phiên xét xử. 

Sau khi công bố quyết định đưa vụ án ra xét xử, thẩm phán Huỳnh Văn Trực - chủ tọa phiên tòa bắt đầu thẩm tra lý lịch các bị cáo.

Do vụ án có số lượng bị cáo đông (133 bị cáo bị tạm giam, 120 bị cáo tại ngoại, và 1 bị cáo bỏ trốn), nên TAND TP.HCM quyết định xét xử trực tuyến với điểm cầu trung tâm là trụ sở TAND TP.HCM và điểm cầu thành phần tại Trại tạm giam Chí Hòa (T30) Công an TP.HCM.

Đồng thời, HĐXX chỉ kiểm tra lý lịch trực tiếp đối với 5 bị cáo, gồm: Đặng Việt Hà (cựu Cục trưởng Cục Đăng kiểm), Trần Kỳ Hình (cựu Cục trưởng Cục Đăng kiểm), Nguyễn Vũ Hải (cựu Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm), Trần Anh Quân, cựu Quyền Trưởng phòng Kiểm định xe cơ giới (VAR), Đặng Trần Khanh, cựu Phó phòng VAR. Các bị cáo còn lại sẽ khai lý lịch theo mẫu câu hỏi của các bị cáo này.

Trước khi mở phiên tòa xét xử sơ thẩm, đại diện Viện KSND TP.HCM cho hay, qua xem xét phân loại, cơ quan tố tụng chỉ xử lý những người thực hiện hành vi phạm tội có tổ chức, chủ mưu cầm đầu. Còn những trường hợp nhận tiền lặt vặt, như khi người dân đi đăng kiểm xe có cho các đăng kiểm viên 200.000 - 300.000 đồng, thì cơ quan tố tụng cho rằng đây hành vi nhỏ lẻ, không xem xét xử lý.

Bị cáo Trần Kỳ Hình, cựu Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam. Ảnh: HT.

Bị cáo Trần Kỳ Hình, cựu Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam. Ảnh: HT.

Đối với sai phạm tại Cục Đăng kiểm Việt Nam, theo cáo buộc của Viện kiểm sát, mặc dù là cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực đăng kiểm chất lượng, an toàn kỹ thuật, an toàn lao động, bảo vệ môi trường đối với phương tiện, nhưng lãnh đạo cục, phòng đến các trung tâm cùng nhau thống nhất, chỉ đạo các đăng kiểm viên nhận tiền từ trung tâm, các chủ phương tiện, để bỏ qua lỗi.

Với việc ngơ cho cấp dưới, bị cáo Trần Kỳ Hình (là Cục trưởng Cục Đăng kiểm từ tháng 1/2014 đến tháng 7/2021) "nhận hối lộ" hơn 7,1 tỉ đồng của Phòng kiểm định xe cơ giới, Phòng tàu sông và 24 chi cục đăng kiểm; "lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" trong việc duyệt cấp thông báo năng lực cho 63 hồ sơ cơ sở đóng tàu không đủ điều kiện theo quy định.

Cựu Cục trưởng ra tòa với vai trò bị cáo và bị hại

Trong phiên tòa này, bị cáo Đặng Việt Hà tham gia tố tụng với tư cách vừa là bị cáo vừa là bị hại. Theo đó, ông Hà là bị cáo khi bị xét xử về tội Nhận hối lộ, còn tư cách bị hại liên quan vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản của bị cáo Nguyễn Văn Chung.

Theo hồ sơ vụ án, trong quá trình thực hiện thẩm định hồ sơ thiết kế xe cơ giới cải tạo, các lãnh đạo, đăng kiểm viên VAR, Cục Đăng kiểm Việt Nam, đã lợi dụng vị trí công tác không thực hiện đúng quy trình thẩm định, kiểm tra, bỏ qua lỗi trên hồ sơ thiết kế. Họ cấp giấy chứng nhận thẩm định thiết kế trái quy định để nhận tiền hối lộ của các công ty 1,5-3 triệu đồng/hồ sơ.

Bị cáo Đặng Việt Hà, cựu Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam. Ảnh: HT.

Bị cáo Đặng Việt Hà, cựu Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam. Ảnh: HT.

Cụ thể, tháng 3/2019, ông Trần Anh Quân được bổ nhiệm quyền trưởng phòng VAR. 

Lúc này, một số đăng kiểm viên được phân công thẩm định hồ sơ thiết kế gặp ông Quân báo cáo về việc có nhận tiền hối lộ của các công ty thiết kế trong quá trình thẩm định hồ sơ.

Sau đó, ông Quân và các đăng kiểm viên thống nhất hàng tháng sẽ chia tiền theo tỷ lệ. Theo đó, ông Quân được chia 700.000 đồng/hồ sơ (bao gồm phần của ông Quân được hưởng, phần của ngoại giao tiếp khách và phần chia cho lãnh đạo cục là ông Trần Kỳ Hình và ông Đặng Việt Hà). Tại cơ quan điều tra, ông Trần Kỳ Hình khai nhận đã nhận hối lộ trong quá trình thẩm định hồ sơ 60 triệu đồng/tháng, trong 28 tháng, tổng cộng là 1,6 tỷ đồng.

Đến tháng 8/2021, ông Hình nghỉ hưu, ông Đặng Việt Hà giữ chức vụ Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam.

Trong cuộc họp với lãnh đạo phòng VAR, ông Hà đã yêu cầu phòng này hàng tháng phải báo cáo chính xác số liệu hồ sơ đã thẩm định thiết kế, bảo đảm lợi ích của ông Hà cao nhất. Sau cuộc họp trên, cả nhóm đã thống nhất lại cách thức chia tiền theo tỷ lệ: Ông Đặng Việt Hà được 400.000 đồng/hồ sơ, ông Quân 300.000 đồng/hồ sơ, các phó phòng VAR mỗi người 100.000 đồng/hồ sơ...

Đến tháng 10/2022, do cơ quan công an phát hiện xử lý các sai phạm của các đơn vị đăng kiểm nên những người trên không nhận tiền hối lộ nữa. 

Khi cơ quan điều tra vào cuộc, ông Hà nói sự việc với ông Lại Thái Phong (Phó chánh văn phòng Cục Đăng kiểm Việt Nam). Ông Phong cho hay có quen biết Nguyễn Văn Chung có nhiều mối quan hệ với các cơ quan công an.

Trần Anh Quân, cựu Quyền Trưởng phòng Kiểm định xe cơ giới (VAR). Ảnh: HT.

Trần Anh Quân, cựu Quyền Trưởng phòng Kiểm định xe cơ giới (VAR). Ảnh: HT.

Nghe vậy, ông Hà nói với Phong nhờ Chung tìm hiểu thông tin xem công an xử lý vụ việc ra sao. Sau đó, ông Quân đưa 100.000 USD cho ông Hà tại phòng làm việc của mình.

Tiếp đó, Hà gọi Lại Thái Phong lên phòng làm việc và đưa 100.000 USD. Phong sau đó đưa tiền cho Chung để nhờ tìm người thu thập thông tin vụ án. Tuy nhiên Chung không có khả năng thực hiện mà chiếm đoạt số tiền trên.

Ngày 29/8/2023, ông Đặng Việt Hà có đơn tố cáo về việc ông Nguyễn Văn Chung lừa đảo chiếm đoạt tài sản của mình.

Trong phiên tòa này, bị cáo Nguyễn Văn Chung bị xét xử về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và Lại Thái Phong bị xét xử tội “Môi giới hối lộ” và “Đưa hối lộ”.

Tính đến thời điểm tháng 2/2023, trên cả nước có 280 Trung tâm Đăng kiểm gồm: 20 Trung tâm khối V trực thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam; 64 Trung tâm khối S trực thuộc Sở Giao thông Vận tải các tỉnh/thành phố và 196 Trung tâm khối D là khối tư nhân.

Tại TP.HCM có 17 Trung tâm gồm: 5 Trung tâm khối V và 2 Chi nhánh; 3 Trung tâm khối S và 9 Trung tâm khối D. Vụ án liên quan tới các Trung tâm Đăng kiểm tại TP HCM gồm: 50-03V, 50-03V Chi nhánh, 50-05V, 50-05V Chi nhánh, 50-06V, 50-07V, 50-08D, 50-10D, 50-13D, 50-14D, 50-15D, 50-17D, 50-19D.

Xem thêm
Quy Nhơn: Điều tra vụ học sinh lớp 7 bị đánh dã man giữa đường

Tỉnh Bình Định xác nhận Công an xã Nhơn Hội đã chuyển hồ sơ vụ cháu Đ.N.A.K (học sinh lớp 7) bị đánh dã man giữa đường cho Công an TP Quy Nhơn điều tra.

Dự án Đại Ninh: Quyền lực, hối lộ và sai phạm trong quản lý đất đai

Phiên tòa vụ án Đại Ninh tập trung làm rõ trách nhiệm 10 bị cáo, từ những sai phạm trong xử lý dự án đến lời thú nhận đau đớn của các cựu quan chức.

Bình luận mới nhất