| Hotline: 0983.970.780

Nhiều bến xe 'bỏ thì thương, vương thì tội'

Thứ Bảy 03/08/2024 , 18:42 (GMT+7)

Tiền Giang Trong thời gian dài, bến xe thị xã Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang) rất ít phương tiện ra vào đón khách, bốc dỡ hàng hóa, gây lãng phí lớn.

Bến xe thị xã Cai Lậy nằm vị trí mặt tiền quốc lộ 1A, dù rộng hơn 3.000m2, được đầu tư cơ bản các điều kiện vật chất nhưng rất ít phương tiện ra vào đậu đỗ, bốc xếp hàng hóa, đón rước hành khách như trước đây.

Theo thống kê của Phòng quản lý đô thị thị xã Cai Lậy, mỗi ngày nơi đây chỉ có  từ 5-7 chiếc vào đậu đỗ. Phương tiện vào đây chỉ là xe đưa đón công nhân dừng đậu qua ngày, sửa chữa, không có bốc dỡ hàng hóa hay đưa đón hành khách theo quy định. Tiền thu phí mỗi tháng khoảng 20 triệu đồng, chỉ vừa đủ chi phí nhân công, điện nước, làm vệ sinh.

Điều đáng nói, tại địa phương có xảy ra tình trạng phương tiện ô tô tải, ô tô khách không vào đậu trong bến xe mà đậu ngay cổng bến xe dừng nghỉ hoặc rước khách, xuống hàng ngoài lề đường, kém an toàn giao thông.

Một số nhà xe tại thị xã Cai Lậy đăng ký hoạt động loại xe hợp đồng (không phải vào bến xe) nhưng hoạt động hình thức xe cố định (theo quy định phải vào bến) có phương tiện đưa rước hành khách lại điểm tập trung riêng mà không vào bến xe.

Bến xe thị xã Cai Lậy vắng khách. Ảnh: Minh Đảm.

Bến xe thị xã Cai Lậy vắng khách. Ảnh: Minh Đảm.

Một người dân ở phường 5 sinh sống gần bến xe thị xã Cai Lậy khẳng định từ lâu không thấy xe khách, xe chở hàng vào bãi. “Xe 16 chỗ đậu ngoài đây, xe 50 chỗ cũng đậu ở ngoài luôn, có xe vô đâu mà thu phí, họ đậu bên ngoài, người này nói.

Ông Lê Thanh Nhàn, nhân viên phụ trách quản lý, thu phí bến xe thị xã Cai Lậy cho biết thêm, các xe đậu trước cổng đã được nhắc nhở, tuy nhiên chủ xe không đồng tình việc vào bến đỗ. “Hầu như các chủ xe ngại vô bến đậu có đóng phí nên không hợp tác”, ông Nhàn nói.

Thời gian qua, các ngành chức năng chưa xử lý kiên quyết, ngăn chặn tình trạng này. Mặt khác, tuyến quốc lộ 1 đi qua nội ô thị xã Cai Lậy cấm tất cả các loại xe 3 trục và ô tô khách từ 29 chỗ ngồi trở lên (phải đi tuyến tránh) nên đã giảm dần phương tiện đi ngang và ra vào bến xe thị xã Cai Lậy.

Theo lãnh đạo Phòng Quản lý đô thị thị xã Cai Lậy, bến xe là một tiêu chí của đô thị loại 3 nên phải duy trì. Do đó, đơn vị sẽ tham mưu UBND thị xã tổ chức cuộc họp với các ngành chức năng, chính quyền các địa phương bàn giải pháp khắc phục tình trạng bến xe ế khách, phải xử lý kiên quyết các nhà xe “né” vào bến như quy định.

Tài xế mặc nhiên đậu xe bốc dỡ hàng hóa bên ngoài nhưng không vào bến xe, gây nguy cơ mất an toàn giao thông. Ảnh: Minh Đảm.

Tài xế mặc nhiên đậu xe bốc dỡ hàng hóa bên ngoài nhưng không vào bến xe, gây nguy cơ mất an toàn giao thông. Ảnh: Minh Đảm.

Ông Thái Văn Bảy, Phó Giám đốc Hợp tác xã thủy bộ Cai Lậy cho rằng, nên căn cứ Nghị định số 10 (năm 2020) của Chính phủ và Thông tư 12 (năm 2020) của Bộ GTVT về quản lý kinh doanh xe ô tô để mạnh tay xử lý. Như vậy tất cả các xe kinh doanh vận tải hàng hóa và hành khách đều phải chấp hành quy định vào bến đậu. Khía cạnh còn lại, ông Bảy cũng nói rằng bến bãi phải tạo điều kiện cho các nhà xe đưa xe vào đậu, đảm bảo thoáng mát, an toàn, an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy. Riêng về xe dù, bến cóc, ở thị xã hay huyện Cai Lậy xử lý chưa đạt hiệu quả thì các ngành cấp tỉnh mới xử lý được. “Riêng trách nhiệm của hợp tác xã là phải luôn luôn động viên các thành viên chấp hành các thông tư, nghị định này”, ông Thái Văn Bảy nói.

Không chỉ riêng bến xe thị xã Cai Lậy, một số bến xe khác tại địa bàn tỉnh Tiền Giang cũng lâm vào cảnh “để thì thương, vương thì tội” do các nguyên nhân tương tự, gây lãng phí đầu tư của nhà nước. Chính quyền và các ngành chức năng cần sớm có giải pháp tháo gỡ thực trạng này.

Xem thêm
Đổi đất sau 30 năm thành mất đất

Đổi đất không thông qua chính quyền, bà Nguyễn Thị Tới ở tổ 12, phường Tân Bình, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình được 'chỉ' mảnh đất không có giấy tờ chứng minh...

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.