| Hotline: 0983.970.780

Đã nghèo cùng cực lại phải gánh món nợ "trên trời rơi xuống"

Thứ Năm 11/07/2019 , 14:57 (GMT+7)

Nhiều người dân xã H’bông, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai vẫn không tin mình là nạn nhân trong đường dây vay vốn ngân hàng, sau đó bị chiếm đoạt tài sản.

Lừa 34 hộ dân vay vốn rồi chiếm đoạt

Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Chư Sê đã gửi văn bản đến xã H’bông đề nghị phối hợp thu hồi vốn vay sử dụng sai mục đích của những hộ dân trên địa bàn.

Theo tìm hiểu, từ năm 2016, 34 hộ dân thôn Kueng Đơn, xã H’bông vay vốn tại Ngân hàng Chính sách Xã hội nhưng lại không được cầm số tiền mình đã vay.

Các hộ dân cho biết, bà Phạm Thị Nga (SN 1963, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn) và bà Đào Thị Thanh (SN 1972, cùng thôn) đã dụ dỗ họ đứng ra lấy “thân phận hộ nghèo” để vay vốn ưu đãi của ngân hàng tổng số tiền gần 900 triệu đồng.

Trong đó, 24 hộ giúp bà Nga vay với tổng số tiền 657 triệu đồng, 8 hộ vay cho bà Thanh vay tổng số tiền 220 triệu đồng.

Ông Nguyễn Hữu Tỵ - Chủ tịch UBND xã H’Bông cho biết đã mời những hộ dân vay vốn của ngân hàng, bà Nga và Thanh tới làm việc. Lúc đầu, bà Thanh phủ nhận việc vay tiền của các hộ dân nhưng sau đó đã đồng ý viết giấy nhận nợ và hứa trong vòng 1 tháng sau sẽ trả lại toàn bộ số tiền nhờ các hộ nghèo đứng tên vay.

Ông Tỵ cũng cho biết, hiện bà Phạm Thị Nga đã rời khỏi địa phương đi đâu không rõ, chỉ nghe nói là đi chữa bệnh.  

Thôn Kueng Đơn được xem là nghèo nhất xã H’Bông những ngày này đang chìm trong u ám bởi bỗng dưng họ phải gánh thêm khoản nợ, trong khi cuộc sống vẫn vô cùng khổ cực.

Bà Đinh Plen và người chồng tật nguyền bỗng dưng phải gánh 30 triệu đồng nợ ngân hàng.

Nhận thấy việc lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người đồng bào dân tộc thiểu số để vay kèm, sử dụng vốn vay không đúng mục đích, chiếm đoạt tài sản, ông Nguyễn Hồng Linh - Chủ tịch UBND huyện Chư Sê đã yêu cầu kiểm tra, chấn chỉnh.

Ông Linh cũng yêu cầu Công an huyện Chư Sê chỉ đạo Công xã H’bông, cử lực lượng xuống làm việc xử lý, răn đe yêu cầu trả lại tiền cho người dân đồng bào dân tộc thiểu số để họ trả lại tiền cho ngân hàng vì sử dụng không đúng mục đích.

Người nghèo trở thành nạn nhân

Rất nhiều người dân trong làng đang mất ăn, mất ngủ với khoản nợ từ “trên trời rơi xuống” và họ không biết xoay xở ra sao khi cuộc sống còn quá nhiều khó khăn.

Bà Đinh Plen và người chồng tật nguyền ngồi xe lăn hàng ngày phải nhặt rác để mưu sinh, thu nhập vỏn vẹn 50 ngàn đồng mỗi ngày. Vậy mà bà Thanh cũng không buông tha, tìm tới tận nhà nhờ bà Đinh Plen đứng tên vay giúp 30 triệu đồng.

Khi vay được tiền, bà Thanh cho bà  Đinh Plen 1 triệu đồng nói để mua gạo rồi mất hút luôn từ đó. Khi được mời lên làm việc, bà Plen đã giao nộp lại 1 triệu đồng trên.

Trước đó, chị Siu H’Mi (SN 1994) cũng được bà Thanh nhờ đứng tên 30 triệu đồng. Chị Siu H’Mi cho biết: “Mình không muốn vay tiền ngân hàng nhưng bà Thanh nói vay giúp bà ấy, đừng nói với ai thì không sợ gì hết nên mình ký vay thôi. Khi lấy được tiền bà ấy cho mình 2 triệu để mua gạo. Mình nghĩ là bà Thanh lấy tiền thì bà ấy nợ ngân hàng chứ không phải mình”.

Gia đình chị Siu H’Mi hiện rất khốn khó, miếng ăn hàng ngày còn phải xoay từng bữa lấy đâu ra tiền trả nợ ngân hàng.

Theo ông Siu Húp - Công an viên thôn Kueng Đơn, mỗi hộ vay từ 10 đến 50 triệu đồng rồi đưa cho bà Nga và bà Thanh. Lúc vay, bà Nga và bà Thanh hứa sẽ trả lại tiền gốc cũng như đóng tiền lãi hàng tháng cho ngân hàng, nhưng sau đó thì họ cầm tiền đi luôn, tiền lãi cũng không đóng. Ông Húp cho biết, đã có 3 hộ tự bỏ tiền túi trả cho ngân hàng.

Cũng theo ông Siu Húp, thậm chí nhiều trường không có Chứng minh thư nhân dân, không biết nói tiếng Kinh vẫn được bà Thanh “tận tình” chở lên TP. Pleiku cách nhà 50km để làm chứng minh rồi đưa đến ngân hàng lập hồ sơ vay vốn 30 triệu đồng.

Ông Kpã Mua - Trưởng thôn Kueng Đơn cho biết, sau khi bà Nga bỏ trốn, bà Thanh cũng phủ nhận đã vay tiền nên nhiều người dân đứng ra vay tiền giúp bị người thân đánh, thậm chí có người đòi tự tử.

Ông Nguyễn Hữu Tỵ cho biết, Công an huyện Chư Sê đã vào cuộc xác minh và thông tin rằng, hồ sơ vay vốn của người dân với ngân hàng đầy đủ thông tin, minh bạch. Việc người dân cho bà Nga, Thanh vay tiền chỉ là giao dịch dân sự.

Bà Thanh đã viết giấy nhận nợ và hứa trong vòng 1 tháng sẽ trả lại số tiền trên. Còn bà Nga bỏ trốn, phía ngân hàng đề nghị xã “lưu ý” nếu thấy bà Nga có dấu hiệu tẩu tán tài sản thì báo cho ngân hàng xử lí.

Xem thêm
Tạm giữ 300 chiếc xe đạp không rõ nguồn gốc

THÁI NGUYÊN 300 chiếc xe đạp vi phạm có tổng trị giá 300 triệu đồng, trên vỏ hộp và hàng hoá không có thông tin về nơi sản xuất, xuất xứ.

Bắt tạm giam 3 nguyên Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo ở Quảng Nam

Các bị can đã có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, thỏa thuận và nhận hối lộ để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trong đấu thầu thiết bị giáo dục.

Bình luận mới nhất