| Hotline: 0983.970.780

Hà Tĩnh: Báo động tình trạng khai thác khoáng sản trái phép

Thứ Năm 12/12/2024 , 09:40 (GMT+7)

Tình trạng khai thác khoáng sản trái phép tại Hà Tĩnh đang gia tăng làm tổn thất tài nguyên, thất thoát ngân sách. Một phần nguyên nhân do thiếu hụt nguồn cung...

Nguồn vật liệu xây dựng thông thường thiếu hụt tại Hà Tĩnh ước hơn 8 triệu m3/năm. Ảnh: T.Nga.

Nguồn vật liệu xây dựng thông thường thiếu hụt tại Hà Tĩnh ước hơn 8 triệu m3/năm. Ảnh: T.Nga.

Thiếu hơn 8 triệu m3 vật liệu xây dựng thông thường/năm

Tỉnh Hà Tĩnh được quy hoạch 191 khu vực làm mỏ vật liệu xây dựng thông thường, gồm: 39 mỏ đá; 93 mỏ đất san lấp; 37 mỏ cát, sỏi và 21 mỏ đất sét gạch ngói. Trong giai đoạn 2020 - 2023, địa phương này đã phê duyệt trữ lượng khoáng sản và cấp 18 giấy phép khai thác khoáng sản trúng đấu giá, trong đó 14 mỏ đất san lấp; 3 mỏ cát và 1 mỏ đất sét; cấp phép không thông qua đấu giá 6 mỏ; cấp 1 mỏ tại khu vực có dự án đầu tư xây dựng công trình theo điều 65 Luật Khoáng sản. Ngoài ra, chấp thuận cho các nhà thầu được phép khai thác tại 13 khu vực mỏ khoáng sản phục vụ thi công cao tốc Bắc - Nam.

Mặc dù số lượng mỏ được cấp phép như trên, song do nhu cầu thực hiện các dự án trên địa bàn và của người dân lớn nên nhiều năm nay lượng cung vật liệu xây dựng thông thường tại Hà Tĩnh vẫn chưa bao giờ đủ cầu.

Theo tính toán của Sở Xây dựng, nhu cầu cát xây dựng còn thiếu khoảng 2,4 triệu m3/năm; đất san lấp thiếu khoảng 3,9 triệu m3/năm; đá thiếu khoảng 1,5 triệu m3/năm và sét gạch ngói thiếu khoảng 324.000 m3/năm.

Việc mất cân bằng cung - cầu khoáng sản là nguyên nhân chính gây ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, làm tổn thất tài nguyên, thất thoát ngân sách.

Nguyên nhân có cả khách quan và chủ quan, tuy nhiên, Đoàn giám sát HĐND tỉnh Hà Tĩnh cho rằng, ngoài hệ thống văn bản pháp luật chưa đồng bộ, chồng chéo; phương án thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản chưa đáp ứng yêu cầu thực tế.

Có khu vực mỏ hết trữ lượng nhưng vẫn được tích hợp vào quy hoạch; việc tổ chức đấu giá quyền thăm dò khai thác khoáng sản còn nhiều vấn đề; chất lượng thăm dò, thẩm định thăm dò chưa cao dẫn đến phê duyệt trữ lượng chưa phù hợp thực tế thì việc cấp phép, giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động một số mỏ khoáng sản còn chậm.

Vật liệu thiếu nhưng việc cấp phép khai thác đối với các mỏ trúng đấu giá đang có nhiều bất cập. Ảnh: T.Nga.

Vật liệu thiếu nhưng việc cấp phép khai thác đối với các mỏ trúng đấu giá đang có nhiều bất cập. Ảnh: T.Nga.

Theo đó, trong 25 mỏ trúng đấu giá đến nay chỉ mới cấp được 18 mỏ, 6 mỏ trúng đấu giá từ năm 2021 hiện chưa được cấp phép khai thác. Trong đó, có những đơn vị như mỏ đất san lấp xã Kỳ Giang, huyện Kỳ Anh của Công ty TNHH 415 (TP Hà Tĩnh) trúng đấu giá năm 2021, nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản một lần vào năm 2022 với số tiền gần 2,3 tỷ đồng nhưng đến nay vẫn đang là một bãi đất hoang hóa do chưa được UBND tỉnh Hà Tĩnh chấp thuận chủ trương đầu tư.

Nếu đưa vào khai thác kịp thời được 6 mỏ trúng đấu giá từ năm 2021 chắc chắn phần nào giải quyết được tình trạng thiếu hụt vật liệu xây dựng trên địa bàn.

Cần “trám” lỗ hổng

Hệ lụy việc cấp phép khai thác khoáng sản chưa sát nhu cầu thực tế cộng với quản lý, giám sát hoạt động khai thác của cơ quan quản lý nhà nước đối các mỏ còn lỏng lẻo khiến tình trạng khai thác khoáng sản vượt phạm vi, công suất trên địa bàn Hà Tĩnh gia tăng theo từng năm.

Theo thống kê, năm 2022 và 2023, trong tổng số 70 mỏ vật liệu xây dựng được cấp phép có đến 23 mỏ khai thác vượt công suất; trong đó 15 mỏ vượt công suất dưới 15%; 8 mỏ vượt công suất từ 15% trở lên. Điều đáng nói, có những đơn vị cả 2 năm đều khai thác vượt công suất.

Mất cân đối cung - cầu là một trong những nguyên nhân làm gia tăng khai thác khoáng sản trái phép. Ảnh: T.Nga.

Mất cân đối cung - cầu là một trong những nguyên nhân làm gia tăng khai thác khoáng sản trái phép. Ảnh: T.Nga.

Đơn cử là mỏ đất của Công ty CP khai thác khoáng sản Vịnh Thắng, xã Đức Bồng, huyện Vũ Quang. Mỏ này được cấp phép khai thác tối đa 260.000 m3/năm, nhưng năm 2023 đơn vị này khai thác hơn 324.000m3, vượt 24% công suất cho phép. Mỏ đất xã Xuân Liên của Công ty cổ phần Xây dựng Thương mại Dịch vụ Thái Ngọc; mỏ đất phường Hưng Trí của Công ty cổ phần Xây dựng - Thương mại tổng hợp Hòa Bình; mỏ đất Bắc Sơn 2 của Công ty TNHH Hoàng Tuấn Khanh.

Thậm chí, giai đoạn 2022 - 2023, mỏ đất ở phường Hưng Trí của Công ty CP Thương mại tổng hợp Xây dựng Hòa Bình ngoài khai thác vượt công suất đến 104%, doanh nghiệp này còn khai thác vượt ra ngoài ranh giới khu vực được phép khai thác với tổng diện tích khoảng gần 16.000m2. Khối lượng đất đào ở khu vực ngoài ranh giới mỏ được cấp hơn 142.000m3, ước tính giá trị khoáng sản gần 6,3 tỷ đồng.

Việc đánh giá tổng quan, toàn diện công tác quy hoạch, thăm dò trữ lượng, đấu giá, cấp phép khai thác và quản lý khai thác đối với vật liệu xây dựng thông thường trong bối cảnh hiện nay là rất cần thiết. Điều này không chỉ "trám" lỗ hổng đã tồn tại trong những năm vừa qua mà còn góp phần ngăn chặn khai thác tài nguyên trái phép, gây thất thu ngân sách; đồng thời, đảm bảo vật liệu thực hiện dự án trọng điểm và nhu cầu của người dân.

Xem thêm
Hái trộm nửa tấn cà phê của chủ, hai anh em bị bắt

Gia Lai Được thuê đến vườn hái cà phê, hai anh em Đức và Việt đã lợi dụng lòng tin của chủ vườn, hái trộm gần nửa tấn cà phê đem giấu bán, lấy tiền tiêu xài.

Giảm án cho bị cáo Nguyễn Cao Trí trong vụ án Vạn Thịnh Phát

Tòa phúc thẩm giảm án cho Nguyễn Cao Trí trong vụ Vạn Thịnh Phát, ghi nhận khắc phục hậu quả nhưng hành vi chiếm đoạt tài sản vẫn gây thiệt hại nghiêm trọng.