Bị cáo Phạm Công Danh được áp giải tới tòa |
Cụ thể, TAND TP Hà Nội đã dành phần lớn thời gian trong ngày để đại diện VKSND TP Hà Nội công bố bản cáo trạng truy tố 51 bị cáo và thẩm vấn các bị cáo, xoay quanh việc mua bán Ngân hàng TMCP Đại Tín (Ngân hàng Đại Tín) và khoản vay 500 tỷ đồng.
Trong phần thẩm vấn, Trần Văn Bình (SN 1966) - nguyên là Tổng giám đốc (TGĐ) Cty TNHH một thành viên thương mại dịch vụ Trung Dung khai rằng, bị cáo này vốn chỉ là lái xe ở Cty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh do Phạm Công Danh làm Chủ tịch. Phải đến thời điểm bị CQĐT xét hỏi thì Bình mới biết mình là Tổng giám đốc Cty Trung Dung.
Về việc ký các hợp đồng vay tiền của Oceanbank vào cuối năm 2012 xoay quanh khoản tiền đặc biệt lớn, ông Tổng giám đốc ma cho rằng: Bị cáo không hề hay biết và chỉ khi nhận được bản cáo trạng mới biết. Bởi trước đó, mỗi khi thấy kế toán đưa cho cái gì bảo ký thì bị cáo ký.
Trần Văn Bình cũng khai thêm, quá trình điều tra, bị cáo mới được xem hợp đồng tín dụng giữa Cty Trung Dung với Oceanbank. Bị cáo không biết việc thành lập Cty Trung Dung và mình đứng tên là tổng giám đốc. Vấn đề nhân sự của Cty hoạt động thế nào bị cáo không biết, bị cáo không góp tiền và tài sản gì vào Cty.
Tuy nhiên, trái với những lời khai của Bình, khi HĐXX xét hỏi, Phạm Công Danh (SN 1965) – Chủ tịch Tập đoàn Thiên Thanh khẳng định: Trần Văn Bình vốn là nhân viên của Tập đoàn Thiên Thanh, thuộc bộ phận hành chính. Do Cty Trung Dung được thành lập mới, cần người đứng tên thành lập, lúc đó chưa có ai nên bộ phận hành chính đề nghị đăng ký tên Trần Văn Bình và chính Bình là người xin đứng tên chứ không có ai ép cả. “Tôi rất hiểu và thông cảm với anh Bình khi trả lời HĐXX nhưng tôi xin chịu trách nhiệm về lời khai của mình” – Phạm Công Danh khẳng định.
Về thương vụ mua bán Ngân hàng Đại Tín, Phạm Công Danh trình bày, các công ty của bị cáo vốn có quan hệ tín dụng với OceanBank. Khi Phạm Công Danh và một số cổ đông muốn thành lập một ngân hàng xây dựng thì Hà Văn Thắm nói có một ngân hàng có tổng dư nợ thấp (khoảng trên dưới 11 nghìn tỷ đồng) nhưng không cho biết thông tin cụ thể về ngân hàng này. Thắm nói với Danh, nếu muốn mua ngân hàng này thì phải trả các khoản chi phí cho Thắm do đã bỏ tiền ra để tiếp quản với số tiền là 800 tỷ đồng. “Anh Thắm nói khi nhận được tiền sẽ làm thủ tục chính thức chuyển giao ngân hàng” – bị cáo Danh khẳng định.
Ngoài những lời xác nhận về việc Trần Văn Bình bỗng dưng trở thành TGĐ Cty Trung Dung chỉ sau 1 đêm như nêu trên, trước tòa, Phạm Công Danh cũng trình bày khá chi tiết về mối quan hệ giữa bị cáo với Hà Văn Thắm cũng như phi vụ mua bán Ngân hàng Đại Tín “vô tiền khoáng hậu” với bị cáo Hứa Thị Phấn.
Trước đó, cáo trạng truy tố Hà Văn Thắm cùng đồng phạm ở hành vi này xác định, cuối năm 2012, với vị trí là Chủ tịch Oceanbank, Thắm đã chỉ đạo Nguyễn Văn Hoàn – Phó TGĐ quyết định cho Phạm Công Danh vay 500 tỷ đồng, thông qua Cty Trung Dung khi không có tài sản bảo đảm và tài sản bảo đảm không đủ điều kiện để giao dịch. Quá trình Oceanbank giải ngân vào tài khoản của Cty Trung Dung, Phạm Công Danh đã rút ra để trả nợ thay cho bị cáo Hứa Thị Phấn, do liên quan đến việc mua bán Ngân hàng Đại Tín. Năm 2014, khi vụ án bị điều tra, Oceanbank đã giải ngân cho Danh vay được gần 2/3 số tiền 500 tỷ đồng.
Hành vi này của Thắm cùng đồng phạm đã gây thiệt hại cho Oceanbank 343,5 tỷ đồng tiền gốc và hơn 201 tỷ đồng tiền lãi phát sinh. Việc làm của Hà Văn Thắm, Phạm Công Danh, Hứa Thị Phấn, Nguyễn Văn Hoàn và Trần Văn Bình là trái với Quyết định số 1627 ngày 31-12-2001 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.