| Hotline: 0983.970.780

Đại biểu Quốc hội kiến nghị nâng ít nhất 2,5 lần giá khoán bảo vệ rừng

Thứ Năm 23/05/2024 , 16:29 (GMT+7)

Thảo luận tại nghị trường, các đại biểu Quốc hội quan tâm đến vấn đề khoán bảo vệ rừng và đề xuất cần nâng mức hỗ trợ lên ít nhất 2,5 lần.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan trao đổi về các vấn đề liên quan đến ngành được đại biểu quan tâm chiều 23/5. Ảnh: Phạm Thắng.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan trao đổi về các vấn đề liên quan đến ngành được đại biểu quan tâm chiều 23/5. Ảnh: Phạm Thắng.

Chiều 23/5, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.

Trong phần phát biểu của mình, đại biểu Hoàng Quốc Khánh (Lai Châu) thông tin, theo Nghị định số 75/2015/NĐ-CP, ban hành năm 2015, mức tiền khoán bảo vệ rừng là 400.000 đồng/ha/năm. “Tại thời điểm hiện nay, mức hỗ trợ này rất thấp và người dân không mặn mà”, đại biểu Hoàng Quốc Khánh khẳng định.

Các nguyên nhân, ông Khánh cho rằng các diện tích rừng được giao bảo vệ chủ yếu nằm ở các địa bàn xa xôi, biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (định mức không quá 30ha/hộ), gây ra những khó khăn trong công tác bảo vệ, chăm sóc.

Cũng theo đại biểu tỉnh Lai Châu, tại các khu vực này chủ yếu là đất rừng phòng hộ, một phần là đất rừng sản xuất, diện tích đất để tăng gia sản xuất còn rất ít, vì hầu hết đã đưa vào khoanh nuôi tái sinh, trong khi mức hỗ trợ bảo vệ rừng không đảm bảo tối thiểu đời sống người dân, tình trạng phá rừng phòng hộ rất khó kiểm soát.

Ngoài ra, việc Nghị định được ban hành từ năm 2015 nên hiện nay đã không còn phù hợp, do đó kiến nghị Chính phủ rà soát, đánh giá lại và có những điều chỉnh cho phù hợp.

"Theo các kiến nghị của cử tri và địa phương, mức khoán này phải nâng lên ít nhất là 1 triệu đồng/ha/năm, hoặc tốt hơn nữa là 1,5 - 2 triệu đồng/ha/năm để có thể đảm bảo được công tác bảo vệ rừng, chống phá rừng”, ông Khánh kiến nghị trước Quốc hội.

Giá khoán bảo vệ rừng hiện nay được cử tri và địa phương cho là thấp. Ảnh: Tùng Đinh.

Giá khoán bảo vệ rừng hiện nay được cử tri và địa phương cho là thấp. Ảnh: Tùng Đinh.

Cũng liên quan vấn đề này, đại biểu Chu Thị Hồng Thái (Lạng Sơn) cho biết, việc nâng mức khoán bảo vệ rừng ghi nhận được 69 lượt kiến nghị của 32 tỉnh, thành phố. Theo bà Thái, vấn đề này đã được nêu ra từ Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, điều đó cho thấy đây là vấn đề cấp thiết, ảnh hưởng đến công tác bảo vệ rừng trên toàn quốc.

Hiện nay, Nghị định số 75/2015/NĐ-CP đã hết hạn và nữ đại biểu tỉnh Lạng Sơn nói Bộ NN-PTNT đã trình Chính phủ dự thảo nghị định thay thế nên đại biểu và cử tri rất mong muốn nhận được thông tin về thời điểm ban hành văn bản thay thế.

Theo sự phân công của lãnh đạo Quốc hội, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã làm rõ hơn những vấn đề mà đại biểu nêu trong phiên họp chiều 23/5. Trước tiên, Bộ trưởng cho biết sẽ có cuộc làm việc cùng các đại biểu Quốc hội, sẵn sàng cùng thảo luận các vấn đề liên quan đến ngành mà các đại biểu quan tâm.

"Dù là vấn đề nhỏ hay lớn đều tác động đến tình hình kinh tế - xã hội và bà con cử tri rất cần tiếng nói chính thức", Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định.

Về khoán bảo vệ rừng và một số vấn đề về rừng, lâm nghiệp, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết Bộ đã dành gần 2 năm để sửa Nghị định 156 liên quan đến thay đổi tư duy, thể chế, nguồn lực bảo vệ và phát triển rừng.

Theo người đứng đầu ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến nay Bộ đã trình dự thảo cuối cùng đến Thủ tướng Chính phủ và ông cũng cho biết thêm vấn đề không chỉ là nâng mức khoán kinh phí bảo vệ rừng.

Theo đó, những điều chỉnh sẽ mang tính tổng thể, bao gồm Đề án phát huy giá trị, đa dạng hệ sinh thái rừng… để làm du lịch dưới tán rừng, thuê dịch vụ môi trường rừng… để tạo nguồn lực mới, tạo sinh kế mới cho những người giữ rừng.

"Có như vậy thì cộng đồng bảo vệ rừng, bà con dưới tán rừng sẽ có sự thay đổi cách tiếp cận", Bộ trưởng Bộ NN-PTNT khẳng định và bày tỏ mong muốn các địa phương nhìn rừng không chỉ là những giá trị riêng lẻ mà tích hợp đa tầng giá trị, khi đó cộng đồng người giữ rừng sẽ có không gian việc làm, sinh kế, thu nhập tăng thêm.

Về vấn đề Quỹ phòng chống thiên tai, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, Bộ NN-PTNT đã dự thảo Tờ trình để sửa đổi Nghị định 78 liên quan đến Quỹ phòng chống thiên tai.

Tuy nhiên còn có bất cập về loại hình là đơn vị sự nghiệp hay công ty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm cổ phần thì theo quy định của Luật Ngân sách có nhiều loại hình và còn ý kiến khác nhau giữa các bộ, ngành. Nguyên nhân là do liên quan đến mô hình thì liên quan đến tổ chức, bộ máy vận hành và bố trí nhân lực, người đứng đầu.

Xem thêm
Xâm nhập mặn mùa khô năm 2025 sẽ cao nhưng không gay gắt

ĐBSCL Dự báo xâm nhập mặn mùa khô năm 2025 tại ĐBSCL cho thấy mức độ xâm nhập sẽ cao hơn trung bình nhiều năm, nhưng không nghiêm trọng như các năm 2016 và 2020.

Xây cầu Kênh Trực Thăng nối đôi bờ Vĩnh Viễn

HẬU GIANG Cầu Kênh Trực Thăng (huyện Long Mỹ) được đầu tư gần 2,5 tỷ đồng để xây dựng, nâng cấp, thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông và cải thiện đời sống người dân.

Nậm Tông hồi sinh giữa lòng núi rừng

Lào Cai Giữa sương mai bồng bềnh, Nậm Tông thức giấc trong ánh vàng dịu nhẹ, những mái nhà mới khoác màu đất ấm áp vẽ nên bức tranh hồi sinh kỳ diệu.