| Hotline: 0983.970.780

Cần tăng đầu tư, hỗ trợ lực lượng bảo vệ rừng

Thứ Hai 13/05/2024 , 09:52 (GMT+7)

Yên Bái là điểm nóng về cháy rừng, ý thức người dân chưa cao, địa hình chia cắt, lực lượng mỏng, thiếu thiết bị chuyên dụng nên công tác chống cháy rừng còn gian nan.

Từ đầu năm đến nay tỉnh Yên Bái đã xảy ra 13 vụ cháy rừng. Ảnh: Thanh Tiến.

Từ đầu năm đến nay tỉnh Yên Bái đã xảy ra 13 vụ cháy rừng. Ảnh: Thanh Tiến.

Nhiều bất cập trong công tác phòng chống cháy rừng

Trong 4 tháng đầu năm 2024, do tác động của biến đổi khí hậu và ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, nắng nóng gay gắt kéo dài, thời điểm này cùng là lúc người dân phát dọn thực bì để làm nương rẫy. Trên địa bàn toàn tỉnh đã xảy ra 13 vụ cháy trong đất quy hoạch lâm nghiệp, trong đó có 7 vụ cháy gây thiệt hại về rừng. Tổng diện tích rừng thiệt hại gần 28 ha.

Trong năm 2023, trên địa bàn cũng đã xảy ra 5 vụ cháy rừng, làm thiệt hại hơn 46 ha, trong đó chủ yếu là rừng trồng và rừng tự nhiên.

Theo báo cáo của UBND tỉnh, thời gian qua tình trạng khai thác, vận chuyển, buôn bán lâm sản trái phép nhỏ lẻ, xâm lấn đất rừng vẫn còn xảy ra. Nguy cơ cháy rừng vào mùa hanh khô luôn tiềm ẩn ở một số địa bàn như Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Yên, Văn Chấn.

Theo ông Kiều Tư Giang, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Yên Bái, việc để xảy ra các vụ cháy rừng có nhiều nguyên nhân, trong đó khách quan là do thời tiết, khí hậu khắc nghiệt, biến đổi thất thường ảnh hưởng đến sản xuất lâm nghiệp. Mùa hanh khô ở các huyện vùng cao trùng với thời điểm tập trung sản xuất trên nương rẫy của đồng bào các dân tộc, dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ lớn xảy ra cháy rừng.

Nhiều nguyên nhân khách quan như địa hình dốc, chia cắt phức tạp, hiểm trở gây khó khăn trong công tác bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng. Ảnh: Thanh Tiến.

Nhiều nguyên nhân khách quan như địa hình dốc, chia cắt phức tạp, hiểm trở gây khó khăn trong công tác bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng. Ảnh: Thanh Tiến.

Địa hình dốc, chia cắt phức tạp, hiểm trở, nhiều khu rừng đan xen với các khu sản xuất và giáp ranh với nhiều tỉnh như Sơn La, Lai Châu, Lào Cai, Tuyên Quang, Hà Giang, do vậy khó khăn trong công tác tuyên truyền, quản lý dẫn đến rừng và đất rừng rất dễ bị xâm hại, tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng.

Nhiều công trình cơ sở hạ tầng đã, đang được xây dựng trong các khu vực rừng tự nhiên phòng hộ, đặc dụng đang tạo những áp lực lớn cho công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, nếu không quản lý tốt sẽ tạo điều kiện cho các hoạt động phá rừng, khai thác và vận chuyển lâm sản trái pháp luật.

Ngoài ra, còn nhiều nguyên nhân chủ quan như trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy, chính quyền cơ sở và chủ rừng về quản lý rừng, bảo vệ rừng, bảo đảm chấp hành pháp luật về bảo vệ rừng chưa cao. Tại một số nơi, vẫn còn tình trạng người dân còn chưa nhận thức đầy đủ vai trò, tầm quan trọng của rừng đối với đời sống và sản xuất nên còn lén lút vào rừng khai thác lâm sản trái phép, sử dụng lửa thiếu ý thức gây cháy lan vào rừng; tình hình phá rừng, lấn chiếm rừng trái pháp luật để lấy đất canh tác vẫn còn xảy ra.

Việc xử lý các vi phạm pháp luật về quản lý bảo vệ rừng còn nương nhẹ nên chưa có tác dụng răn đe, giáo dục người vi phạm, dẫn tới một số đối tượng khai thác, phá rừng có biểu hiện coi thường pháp luật, thách thức cơ quan công quyền và tiếp tục chống người thi hành công vụ.

Cơ sở hạ tầng, trang thiết bị phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy rừng còn thiếu, chưa đáp ứng với yêu cầu thực tế nhiệm vụ trong tình hình mới.

Sử dụng các thiết bị chữa cháy thô sơ, thủ công cũng gây nhiều khó khăn cho các lực lượng bảo vệ rừng. Ảnh: Thanh Tiến.

Sử dụng các thiết bị chữa cháy thô sơ, thủ công cũng gây nhiều khó khăn cho các lực lượng bảo vệ rừng. Ảnh: Thanh Tiến.

Hơn 48.000 hộ dân ký cam kết phòng chống cháy rừng

Hiện Yên Bái có tổng diện tích tự nhiên gần 690.000 ha, trong đó diện tích đất có rừng là gần 435.000 ha, tỷ lệ che phủ rừng đạt 63% (là một trong 6 tỉnh có độ che phủ rừng lớn nhất cả nước).

Xác định, việc phòng cháy và chữa cháy rừng phải lấy hoạt động phòng ngừa là chính, tỉnh Yên Bái chỉ đạo ngành nông nghiệp phối hợp với các ngành, địa phương thực hiện tốt công tác phòng cháy, chữa cháy rừng. Vào đầu mùa khô hanh, Ban chỉ đạo thực hiện Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh đã tổ chức hội nghị tổng kết công tác quản lý bảo vệ rừng phòng cháy chữa cháy rừng mùa khô hanh năm trước để rút kinh nghiệm, khắc phục các tồn tại.

Chỉ đạo các địa phương thành lập, kiện toàn Ban Chỉ đạo Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững cấp huyện. Chỉ đạo các chủ rừng, các xã rà soát, xây dựng, tổ chức thực hiện có hiệu quả phương án phòng cháy, chữa cháy rừng. Chủ động hiệp đồng lực lượng, phương tiện với các lực lượng vũ trang trên địa bàn để thống nhất xử lý các tình huống khi có cháy rừng xảy ra.

Mặc dù luôn chủ động các phương án nhưng nguy cơ cháy rừng tại các huyện vùng cao ở Yên Bái luôn ở mức cao. Ảnh: Thanh Tiến.

Mặc dù luôn chủ động các phương án nhưng nguy cơ cháy rừng tại các huyện vùng cao ở Yên Bái luôn ở mức cao. Ảnh: Thanh Tiến.

Bên cạnh đó, củng cố lại hệ thống mạng lưới dự báo, cảnh báo cháy rừng trên cơ sở nắm bắt, tiếp nhận thông tin của hệ thống dự báo các điểm cháy rừng từ vệ tinh của Cục Kiểm lâm, phần mềm cảnh báo và phát hiện sớm cháy rừng qua tin nhắn SMS của Chi cục Kiểm lâm. Cảnh báo, dự báo những ngày hanh khô trong tháng; các khu vực trọng điểm có nguy cơ và khả năng xảy ra cháy rừng cao tại các địa phương.

Hiện toàn tỉnh đã duy trì và củng cố hơn 900 tổ, đội xung kích chữa cháy rừng với hơn 6.000 người tham gia, lấy lực lượng dân quân tự vệ, đoàn viên thanh niên làm nòng cốt.

Tại các địa phương đã tổ chức cho hơn 48.000 hộ dân ký cam kết phòng cháy chữa cháy rừng. Cấp phát 46 bảng, biển tuyên truyền các hành vi nghiêm cấm trong hoạt động lâm nghiệp, 80 biển cấm lửa, 10 bảng quy ước bảo vệ rừng, tu sửa 6 bảng cấp dự báo cháy rừng, 72 chòi canh lửa và lán tạm canh lửa; phát dọn, tu sửa hơn 270 km đường băng cản lửa. Trong mùa khô hanh, các địa phương đã tổ chức hướng dẫn người dân kỹ thuật đốt dọn nương, sử dụng lửa an toàn không để cháy lan vào rừng. Vào những ngày cao điểm nắng nóng, gió mạnh nghiêm cấm đốt nương dọn thực bì.

Kiến nghị nâng mức khoán bảo vệ, hỗ trợ lực lượng chuyên trách

Ông Nguyễn Thế Phước – Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Yên Bái cho biết, song song với các giải pháp quyết liệt từ địa phương, tỉnh Yên Bái đã đề xuất, kiến nghị Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương một số nội dung như: nâng mức đơn giá khoán bảo vệ rừng từ 400.000 đồng/ha như hiện nay lên 1 triệu đồng/ha/năm, giúp cho người dân vùng cao yên tâm giữ rừng. Quan tâm bố trí vốn đầu tư cấp bách Trung ương năm 2024 cho tỉnh để thực hiện các nhiệm vụ trong công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn.

Cần tăng mức quy định mức hỗ trợ phụ cấp ưu đãi, trang phục và công cụ hỗ trợ cho lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng. Ảnh: Thanh Tiến.

Cần tăng mức quy định mức hỗ trợ phụ cấp ưu đãi, trang phục và công cụ hỗ trợ cho lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng. Ảnh: Thanh Tiến.

Đề nghị Trung ương quy định hỗ trợ phụ cấp ưu đãi, trang phục và công cụ hỗ trợ cho lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng của các chủ rừng Nhà nước và sớm ban hành cơ chế chính sách bảo vệ và phát triển lâm nghiệp giai đoạn 2021-2025, trong đó xem xét có các cơ chế chính sách đặc thù đối với các tỉnh miền núi để đảm bảo phù hợp với thực tiễn.

Kiến nghị Bộ NN-PTNT bổ sung tỉnh Yên Bái vào Dự án chống biến đổi khí hậu để tăng khả năng phục hồi các diện tích rừng tự nhiên và tham gia vào Dự án bán tín chỉ carbon để nâng cao giá trị kinh tế từ rừng. 

Xem thêm
Gìn giữ những thành lũy tre xanh mát

Bình Dương Khu bảo tồn tre lớn nhất Việt Nam - làng tre Phú An - là nơi bảo tồn nguồn gen tre lớn nhất khu vực Đông Nam Á, đang gìn giữ những thành lũy xanh mát...

TP Vũng Tàu ra quân hưởng ứng chương trình trồng 1 tỷ cây xanh

Bà Rịa - Vũng Tàu Sáng 22/6, UBND TP Vũng Tàu tổ chức lễ ra quân phát động trồng cây xanh hưởng ứng chương trình trồng 1 tỷ cây xanh 'Vì một Việt Nam xanh'.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.