| Hotline: 0983.970.780

Đại gia Hà Văn Thắm& sự quanh co của đồng tiền xảo quyệt

Thứ Bảy 22/10/2016 , 14:05 (GMT+7)

Sau hai năm bị bắt giam, đại gia Hà Văn Thắm - nguyên Chủ tịch Ngân hàng Đại Dương đã tiếp nhận lệnh khởi tố của cơ quan điều tra. Vụ án của đại gia Hà Văn Thắm liên quan đến 16 bị can khác.

08-55-14_trng-20
"Đại gia" Hà Văn Thắm
 

Riêng đại gia Hà Văn Thắm đối diện với cáo buộc ba tội danh: lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Vụ án Hà Văn Thắm là 1 trong 6 án tham nhũng, kinh tế lớn được Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng thống nhất chủ trương đưa ra xét xử sơ thẩm từ nay đến cuối năm 2016 và trong quý I năm 2017.

Ngày 24-10-2014, Chủ tịch Ngân hàng Đại Dương – Hà Văn Thắm đã bị bắt khẩn cấp. Trong quá trình tạm giam, bị can Hà Văn Thắm đã khai báo thành khẩn, có ý thức hợp tác để làm rõ sự thật. Đây cũng là một cơ sở, để Bộ Công an đề nghị xem xét giảm nhẹ một phần trách nhiệm cho bị can. Hà Văn Thắm từng nổi lên như một đại gia trẻ tuổi trong lĩnh vực kinh tế. 

Năm 2012, Hà Văn Thắm đứng thứ tám trong số những người giàu nhất thị trường chứng khoán Việt Nam với lượng cổ phiếu trị giá 1.800 tỷ đồng. Hà Văn Thắm có anh trai là Chủ tịch hãng kem Tràng Tiền trứ danh.

Với cương vị người đứng đầu Ngân hàng Đại Dương - Oecan Bank, ông Hà Văn Thắm đã giải quyết cho Công ty Trung Dung vay trái quy định, gây thiệt hại cho ngân hàng 500 tỷ đồng. Ông Hà Văn Thắm còn chỉ đạo chủ trương chi tiền ngoài lãi suất huy động với khách hàng gửi tiền tại Ngân hàng Đại Dương, gây thiệt hại 984 tỷ đồng.

Ngoài ra, ông Hà Văn Thắm còn cấu kết với Nguyễn Xuân Sơn, nguyên Tổng giám đốc Ngân hàng Đại Dương, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn dầu khí Việt Nam đề ra chủ trương “thu phí” của khách hàng vay vốn và khách hàng mua ngoại tệ thông qua Công ty BSC (do ông Thắm chỉ đạo điều hành) trái với quy định của Nhà nước, dẫn đến thiệt hại cho Ngân hàng Đại Dương và khách hàng khoảng 71 tỷ đồng.

Theo tài liệu điều tra, trong quá trình điều hành Ngân hàng Oceanbank, bằng các thủ đoạn thành lập các công ty sân sau, Hà Văn Thắm đã lợi dụng chức vụ quyền hạn của mình chỉ đạo thuộc cấp thực hiện nhiều hành vi vi phạm pháp luật rút tiền của ngân hàng, gây thất thoát hàng nghìn tỷ đồng không có khả năng thu hồi.

Số tiền này, Hà Văn Thắm đã sử dụng vào mục đích cá nhân. Đến thời điểm ngày 31-3-2014, vốn điều lệ của Oceanbank là 4.000 tỷ đồng, gồm 1.137 cổ đông, trong đó có 4 cổ đông sở hữu trên 5% vốn điều lệ là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) chiếm 20%, Công ty CP Tập đoàn Đại Dương chiếm 20%, Công ty TNHH VNT chiếm 20% và Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Sông Đà chiếm 6,65%. Thực tế Hà Văn Thắm đã sử dụng những công ty và cá nhân có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến để nắm giữ 62,97% cổ phần tại Ngân hàng Đại Dương.

Quá trình chỉ đạo, điều hành các hoạt động nghiệp vụ ngân hàng, tài chính – tiền tệ tại Ngân hàng Đại Dương, Hà Văn Thắm có nhiều vi phạm dẫn đến nợ xấu tại thời điểm 31-3-2014 là 14.923 tỷ đồng, chiếm 49.84% tổng dư nợ toàn hệ thống của Oceanbank. Lợi nhuận trước thuế lỗ 10.188 tỷ đồng, bằng 249,63% vốn chủ sở hữu (âm vốn chủ sở hữu gấp 2,5 lần)...

Cơ quan công an xác định, Hà Văn Thắm đã chỉ đạo Ban giám đốc Ngân hàng Oceanbank giải quyết cho vay không đảm bảo điều kiện vay vốn, không có tài sản đảm bảo, khách hàng sử dụng vốn vay không đúng mục đích, trái với quy định của Ngân hàng Nhà nước về quy chế cho vay và quy trình, thủ tục vay của Ngân hàng Đại Dương, trực tiếp gây thiệt hại số tiền 500 tỷ đồng. Khoản vay 500 tỷ đồng này, Hà Văn Thắm đã cho Công ty TNHH một thành viên dịch vụ và thương mại Trung Dung của Phạm Công Danh (Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Thương mại cổ phần xây dựng Việt Nam) vay mà không có tài sản thế chấp. Sau khi tiếp nhận hồ sơ vay 500 tỷ đồng của Công ty Trung Dung, Hà Văn Thắm đã giao cho Nguyễn Văn Hoàn, lúc đó là Phó Tổng Giám đốc và một số thuộc cấp tiến hành định giá tài sản bảo đảm vay.

Tuy nhiên, các đối tượng trên biết trị giá tài sản thế chấp của Phạm Công Danh tại thời điểm giải ngân chỉ có trên 70 tỷ đồng nhưng các đối tượng vẫn quyết định cho Phạm Công Danh vay 500 tỷ đồng. Số tiền này, Phạm Công Danh dùng để trả nợ cho việc mua cổ phần tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại Tín, đến nay không có khả năng thu hồi. Trong vụ án này, Hà Văn Thắm là đối tượng chủ mưu, cầm đầu hoạt động phạm tội, có sự giúp sức đắc lực của các đối tượng lãnh đạo Ngân hàng Đại Dương, giám đốc các khối tại Hội sở, Chi nhánh và Phòng giao dịch trong toàn hệ thống.

Bên cạnh đó, Hà Văn Thắm biết các quy định của Ngân hàng Nhà nước về hoạt động tín dụng và kinh doanh ngoại hối, tuy nhiên để huy động vốn của PVN, Thắm đồng ý chi tiền ngoài hợp đồng tiền gửi cho Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Xuân Sơn theo đề nghị. Hà Văn Thắm và Nguyễn Xuân Sơn đã bàn bạc, thống nhất đề ra chủ trương “thu phí” của khách hàng thông qua Công ty BSC và triển khai tổ chức thực hiện dẫn đến thiệt hại cho Ngân hàng và khách hàng. Dù không được hưởng lợi trực tiếp từ số tiền này, nhưng Thắm được hưởng lợi từ việc gửi tiền của PVN do Sơn làm đầu mối. Do vậy, Hà Văn Thắm phải cùng Nguyễn Xuân Sơn chịu trách nhiệm. Ngoài ra, Hà Văn Thắm còn chỉ đạo, thống nhất với lãnh đạo Ngân hàng Đại Dương về chủ trương chi tiền ngoài lãi suất huy động đối với khách hàng gửi tiền tại Oceanbank, vượt trần huy động theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Các đối tượng từng nằm trong đội ngũ lãnh đạo Ngân hàng Đại Dương cùng bị truy tố với Hà Văn Thắm, gồm Nguyễn Xuân Sơn (54 tuổi, nguyên Tổng Giám đốc, Nguyễn Văn Hoàn (39 tuổi, nguyên Phó Tổng Giám đốc), Nguyễn Minh Thu (43 tuổi, nguyên Tổng Giám đốc)...

Đại gia “tay không bắt giặc”?

08-55-14_trng-21-kem-box-2
 

Khi đại gia Hà Văn Thắm bị bắt, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh (ảnh) cho rằng: “Có thể coi đây là một trong các ví dụ nhà nước bắt đầu có thái độ nghiêm khắc hơn trong đối xử với các đại gia. Ông Thắm bị bắt, đối với giới chuyên môn, không có gì đột ngột, bởi vì ông Thắm đã tay không bắt giặc, đã giàu lên rất nhanh, từ một người không có tích lũy gì, không có vốn gì lớn mà đã phát triển lên rất nhanh, qua rất nhiều ngành và cũng có nhiều dự án tham vọng”.

Đại gia không đi học cũng có bằng cấp?

08-55-14_trng-21-kem-box-1
 

Đại gia Hà Văn Thắm (ảnh) sinh năm 1972 tại Bắc Giang. Con đường thành đạt của Hà Văn Thắm được công khai như sau: Từ năm 1993 - 1997 ông là Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Bình Minh. Tiếp đó, từ năm 1997 - 2001 ông giữ vai trò Tổng giám đốc Công ty TNHH VNT. Sau đó, từ 2001 - 2003 ông là Giám đốc Công ty Liên doanh. Từ năm 2003 đến năm 2004 ông Hà Văn Thắm là Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Nông thôn Hải Hưng. Từ năm 2004 đến năm 2007 ông giữ cương vị là Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Nông thôn Hải hưng. Từ năm 2007 đến khi bị bắt, ông Hà Văn Thắm là Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Đại Dương.

Quá trình làm việc liên tục như vậy, không hiểu nhờ phương pháp thần bí nào, Hà Văn Thắm vẫn có... thời gian đi học. Hà Văn Thắm khoe khoang bản thân là cử nhân Đại học Thương mại, Thạc sĩ trường Đại học Columbia Commonwealth- Mỹ và Tiến sĩ Quản trị Kinh doanh tại trường Đại học Công nghệ Paramount- Mỹ. Không đi học mà vẫn có bằng cấp thì đúng là chuyện lạ của đại gia!

 

(Kiến thức gia đình số 41)

Xem thêm
Bắt đối tượng đâm trọng thương thiếu tá công an

Công an tỉnh Hoà Bình cho biết, Công an huyện Lạc Sơn truy bắt nhanh người đàn ông tấn công gây trọng thương cán bộ công an khi đang làm nhiệm vụ.