Theo lãnh đạo trường, việc mở thêm ngành, chương trình đào tạo cử nhân Công nghệ sinh học rất có ý nghĩa, nhằm hưởng ứng, thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm được đặt ra trong Nghị quyết 57, đó là: Tăng cường đầu tư, đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, bảo đảm nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Có cơ chế, chính sách hấp dẫn về tín dụng, học bổng và học phí để thu hút học sinh, sinh viên giỏi theo học các lĩnh vực toán học, vật lý, sinh học, hóa học, kỹ thuật và công nghệ then chốt, nhất là ở các trình độ sau đại học. Xây dựng và triển khai các chương trình đào tạo tài năng trên các lĩnh vực.
![image001-083707_489.jpg Các sinh viên ngành sinh học được hướng dẫn thực hành tại Phòng thí nghiệm đạt chuẩn đặt tại Khoa Sinh học, Đại học Sư phạm Hà Nội.](https://i.ex-cdn.com/nongnghiep.vn/files/content/2025/02/10/image001-083707_489-084424.jpg)
Các sinh viên ngành sinh học được hướng dẫn thực hành tại Phòng thí nghiệm đạt chuẩn đặt tại Khoa Sinh học, Đại học Sư phạm Hà Nội.
PGS.TS Nguyễn Lân Hùng Sơn, Trưởng Khoa Sinh học (Đại học Sư phạm Hà Nội), cho biết: “Trên nền tảng của Bộ môn Công nghệ Sinh học - Vi sinh đã được thành lập từ năm 2001, ngày 22/1/2025, Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Hà Nội có Quyết định số 309/QĐ-ĐHSPHN mở ngành đào tạo trình độ đại học Công nghệ Sinh học (mã số 7420201).
Theo đó, Đại học Sư phạm Hà Nội chính thức tuyển sinh đại học ngành Công nghệ sinh học từ năm 2025. Chương trình đào tạo Cử nhân Công nghệ sinh học được thiết kế với 132 tín chỉ, xây dựng dựa trên tham khảo các chương trình đào tạo tiên tiến của một số trường đại học trên thế giới ở những nước có nền công nghệ sinh học phát triển đồng thời kế thừa một số nội dung đào tạo phù hợp với yêu cầu nguồn nhân lực trong nước. Đây là chương trình đào tạo có tính ứng dụng cao.
Các học phần chuyên ngành tập trung trang bị cho người học những kiến thức sinh học nền tảng cho công nghệ sinh học như Hóa sinh học, Di truyền học, Sinh học phân tử, Sinh học tế bào, Sinh học cơ thể, Vi sinh vật học, Miễn dịch học,… và một số học phần mới như Tin sinh học, Khởi nghiệp và chuyển giao công nghệ. Từ đó, người học dễ dàng đi sâu tìm hiểu các học phần về công nghệ như: công nghệ gen, công nghệ enzyme, công nghệ tế bào, công nghệ sinh học vi sinh,…
Các học phần tự chọn được tăng cường để người học có thể định hướng theo các hướng ứng dụng khác nhau như: Ứng dụng Công nghệ sinh học trong nông nghiệp, Ứng dụng Công nghệ sinh học trong công nghiệp, Ứng dụng Công nghệ sinh học trong lĩnh vực môi trường, Ứng dụng Công nghệ sinh học trong y học,…
![image003-083707_253.jpg Đại học Sư phạm Hà Nội kí kết thỏa thuận hợp tác với Viện Công nghệ sinh học, Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), Viện Nghiên cứu Hải sản, Viện Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).](https://i.ex-cdn.com/nongnghiep.vn/files/content/2025/02/10/image003-083707_253-084424.jpg)
Đại học Sư phạm Hà Nội kí kết thỏa thuận hợp tác với Viện Công nghệ sinh học, Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), Viện Nghiên cứu Hải sản, Viện Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).
Với mục tiêu giúp người học ứng dụng nhanh, sáng tạo kiến thức Công nghệ sinh học vào thực tiễn sau khi tốt nghiệp, chương trình đào tạo chú trọng nhiều thời lượng cho thực hành công nghệ sinh học trong phòng thí nghiệm hiện đại và thực tập nghề nghiệp cũng như làm khóa luận tốt nghiệp tại các Viện nghiên cứu (Viện Công nghệ sinh học, Viện Nghiên cứu hệ gen, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, Viện Di truyền, Viện Chăn nuôi, Viện Nghiên cứu Hải sản, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản 1, Viện Công nghệ môi trường,…), các cơ sở sản xuất ứng dụng công nghệ sinh học như sản xuất thực phẩm và đồ uống, nuôi cấy mô cây trồng, nuôi trồng nấm ăn, nấm dược liệu, nuôi trồng tảo, sản xuất dược phẩm, sản xuất thuốc trừ sâu sinh học, sản xuất vaccine, sản xuất phân bón sinh học, sản xuất chế phẩm sinh học xử lý môi trường, sản xuất polymer sinh học và vật liệu mới,…
Với mục tiêu lấy người học làm trung tâm và trao quyền tự chủ cho sinh viên trên tinh thần giáo dục khai phóng, phát huy khả năng tự học, tự nghiên cứu, bên cạnh hệ thống giáo trình tiếng Việt là hệ thống giáo trình và sách tham khảo cập nhật bằng tiếng Anh để giúp sinh viên mở rộng kiến thức và dễ dàng tham gia hội nhập với các chương trình đào tạo trao đổi tín chỉ quốc tế mà nhà trường đã kí kết với các trường đại học quốc tế uy tín.
Các nội dung trong chương trình đào tạo cử nhân Công nghệ sinh học đều gắn với các chuẩn đầu ra đã được tuyên ngôn để tạo ra các thế hệ sinh viên có năng lực chuyên môn cao, tư duy sáng tạo, nhân cách tốt, liêm chính và có tinh thần cống hiến phụng sự xã hội.
![image005-083707_571.jpg Đội ngũ cán bộ, giảng viên trình độ cao, giàu kinh nghiệm của Khoa Sinh học, Đại học Sư phạm Hà Nội.](https://i.ex-cdn.com/nongnghiep.vn/files/content/2025/02/10/image005-083707_571-084424.jpg)
Đội ngũ cán bộ, giảng viên trình độ cao, giàu kinh nghiệm của Khoa Sinh học, Đại học Sư phạm Hà Nội.
Khoa Sinh học hiện có 45 cán bộ trong đó có 14 Phó Giáo sư, 19 Tiến sĩ. Các giảng viên trong lĩnh vực Công nghệ sinh học đều đã tốt nghiệp tại các trường Đại học danh tiếng trên thế giới như Thụy Điển, Tây Ban Nha, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan và đã chủ trì nhiều đề tài nghiên cứu khoa học ở trong nước và hợp tác quốc tế.
Với chương trình đào tạo cập nhật quốc tế và môi trường học tập hiện đại cùng đội ngũ giảng viên có trình độ cao, sinh viên tốt nghiệp Cử nhân Công nghệ sinh học luôn đáp ứng nhu cầu của thị trường việc làm toàn cầu, có thể áp dụng kiến thức nền tảng để giải quyết nhiều vấn đề khác nhau trong ngành Công nghệ Sinh học. Ngoài kiến thức chuyên môn, các Cử nhân Tốt nghiệp ngành Công nghệ sinh học - Đại học Sư phạm Hà Nội còn có kỹ năng đọc các tài liệu và giao tiếp tiếng Anh thành thạo, thể hiện kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng lãnh đạo và thích ứng tốt với mội trường làm việc trong nước và quốc tế.
Việc làm sau khi tốt nghiệp đại học: Với cách tiếp cận và xây dựng chương trình đào tạo hiện đại, tiệm cận với các nền giáo dục tiên tiến của khu vực và thế giới, sát với yêu cầu về nguồn nhân lực của thị trường lao động trong và ngoài nước, sinh viên sau khi tốt nghiệp ngành Công nghệ sinh học của Khoa Sinh học có thể đảm nhiệm các vị trí như: Phụ trách nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới; phụ trách quản lý hệ thống và kiểm định dây chuyền sản xuất của nhà máy; phụ trách theo dõi và kiểm soát vi sinh sản phẩm; chẩn đoán bệnh bằng công nghệ di truyền, liệu pháp gene, công nghệ tế bào gốc; nghiên cứu và chế tạo vaccine; phụ trách lai tạo, chuyển gene để tạo ra giống cây trồng mới; ứng dụng công nghệ sinh học xử lý môi trường; …
Ngoài ra, Cử nhân Công nghệ sinh học còn có thể tiếp tục học lên cao học, tiến sĩ trong các lĩnh vực công nghệ sinh học, di truyền, hóa sinh, vi sinh vật học, …
Phương thức tuyển sinh năm 2025:
Chỉ tiêu tuyển sinh: 80
- 3 phương thức tuyển sinh:
Phương thức 1: Xét tuyển dựa trên điểm thi TN THPT với 3 tổ hợp (Toán, Hóa, Sinh; Toán, Tiếng Anh, Sinh; Toán, Lý, Sinh).
Phương thức 2: Xét tuyển dựa trên điểm thi ĐGNL của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội - SPT2025 với 3 tổ hợp (Toán, Hóa, Sinh; Toán, Tiếng Anh, Sinh; Toán, Lý, Sinh).
Phương thức 3: Xét tuyển thẳng thí sinh có năng lực, thành tích vượt trội. Ưu tiên xét tuyển Đội tuyển học sinh giỏi (Sinh học, Hóa học, Vật lý, NCKHKT), Chứng chỉ tiếng Anh quốc tế (IELTS ≥6.0; TOEFL iBT ≥61; TOEIC ≥ 600).