| Hotline: 0983.970.780

Đại tướng Nguyễn Quyết: Dùng tư tưởng nhân văn để thắng đối phương

Thứ Hai 06/01/2025 , 16:22 (GMT+7)

Đại tướng Nguyễn Quyết luôn nhắc nhở một phương châm: Để tiến lên phải đổi mới nhưng đổi mới, sáng tạo phải trên cơ sở kiên định.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tiếp các chiến sĩ Việt Minh thành Hoàng Diệu (2013). Đại tướng Nguyễn Quyết đứng bên trái Chủ tịch nước. Ảnh: Kiều Mai Sơn.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tiếp các chiến sĩ Việt Minh thành Hoàng Diệu (2013). Đại tướng Nguyễn Quyết đứng bên trái Chủ tịch nước. Ảnh: Kiều Mai Sơn.

Sinh thời, Đại tướng Nguyễn Quyết (20/8/1922 – 23/12/2024) - Bí thư Trung ương Đảng khoá VI; Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước (nay là Phó Chủ tịch nước) khoá VIII chia sẻ: “Sáng tạo lớn của Hà Nội là dùng phương thức đấu tranh”.

Theo chỉ thị của Trung ương là phải đánh Nhật, nhưng Hà Nội lại vận dụng địch theo ta, tức là đấu tranh bằng phương thức chính trị, bằng phương thức ngoại giao để giành thắng lợi. Khi đó, Bí thư Ban cán sự Thành uỷ Nguyễn Quyết mới 23 tuổi. Gần 80 năm sau, nhắc lại kỷ niệm cũ, ông nói: “Cách mạng muốn thắng lợi thì lực lượng quyết định. Giải quyết tư tưởng nhân văn là quyết định”.

Tránh đụng đầu quân đội Nhật trong Cách mạng tháng 8/1945

Đó là những ngày tháng 8/1945 tại Hà Nội. Không khí sôi nổi bàn về khởi nghĩa. Tin qua đài phát thanh, Nhật hoàng đã tuyên bố đầu hàng vô điều kiện quân Đồng Minh. Chỉ thị của Ban Thường vụ Trung ương Đảng ban hành là đánh đuổi phát xít Nhật. Song, khi họp bàn, có đồng chí cho rằng quân Nhật tuy đầu hàng nhưng ở Hà Nội chúng vẫn còn có cả một quân đoàn với hơn một vạn quân đầy đủ vũ khí, không kể hơn một nghìn lính bảo an và cảnh sát. Lực lượng vũ trang của ta còn ít, vũ khí thô sơ. Ý kiến của đồng chí này là nên chờ quân giải phóng về lúc đó ta sẽ phối hợp đánh Nhật.

Nhưng qua trao đổi, cả hội nghị đều nhất trí là phải chủ động, tự lực cao, chớp lấy thời cơ, cấp tốc tiến hành khởi nghĩa. Thành ủy quyết định dựa vào lực lượng của quần chúng cách mạng có lực lượng tự vệ làm nòng cốt áp đảo địch, giành lấy chính quyền. Nếu quân Nhật đối phó, ta sẽ vừa đánh vừa rút ra ngoại thành xây dựng căn cứ, bao vây đánh du kích, chờ quân giải phóng về phối hợp tiêu diệt chúng, chiếm lại nội thành.

Ngày 16/8/1945, đồng chí Nguyễn Khang - Ủy viên Thường vụ Xứ ủy triệu tập Thành ủy và hai cán bộ của Xứ ủy là đồng chí Nguyễn Huy Khôi (tức Trần Quang Huy) và Lê Trọng Nghĩa để nghe phổ biến thông cáo của Xứ ủy và thành lập Ủy ban khởi nghĩa để chỉ đạo khởi nghĩa ở Hà Nội. Ủy ban khởi nghĩa gồm 5 đồng chí do đồng chí Nguyễn Khang trực tiếp làm Chủ tịch, các đồng chí Nguyễn Huy Khôi, Lê Trọng Nghĩa (cán bộ Xứ ủy), Nguyễn Duy Thân (Thành ủy viên) và Nguyễn Quyết - Bí thư Thành ủy phụ trách quân sự. Đồng chí Trần Đình Long được cử làm cố vấn cho ủy ban.

Hội nghị nhất trí phải xúc tiến khởi nghĩa. Sáng 19/8/1945, dù lệnh Tổng khởi nghĩa của Trung ương Đảng chưa về nhưng Hà Nội đã chớp thời cơ, sáng tạo tổ chức giành chính quyền. Đồng chí Nguyễn Khang phụ trách đoàn đi đánh chiếm Phủ Khâm Bắc Bộ. Đồng chí Nguyễn Huy Khôi (tức Trần Quang Huy) đảm nhiệm chiếm Toà Thị chính, sau đó nhanh chóng chiếm nhà dây thép (bưu điện), sở cảnh sát thành phố, kho bạc. Đồng chí Nguyễn Quyết chỉ huy chiếm trại Bảo an binh, trụ sở của lính khố xanh ở 40 Hàng Bài. Một phái đoàn ngoại giao do đồng chí Lê Trọng Nghĩa phụ trách đến Bộ Tham mưu quân Nhật đấu tranh, đề nghị chúng án binh bất động. Việc giành chính quyền tại Hà Nội thắng lợi hoàn toàn, không đổ máu, không tốn một viên đạn.

Đến đầu 1953, trong cuộc chỉnh huấn của Đảng ở Liên khu 5, các đồng chí lãnh đạo chỉnh huấn cho rằng Hà Nội khởi nghĩa không đánh Nhật là hữu khuynh, không chấp hành mệnh lệnh của Trung ương và đặt vấn đề phải kiểm điểm đồng chí Nguyễn Quyết – lúc này đang công tác tại Liên khu 5. Đại tướng Nguyễn Quyết kể lại: “Tôi nghĩ rằng, nếu Hà Nội chủ trương đánh Nhật thì buộc chúng phải đối phó, ta nhất định sẽ bị thiệt hại và tình hình có thể giằng co kéo dài chưa biết đến bao lâu...".

Một cái tổng kết mới của Đại hội Đảng lần thứ XIII, đã nêu kinh nghiệm: Cách mạng thành công thì cần phải có những người 4 dám. Người 4 dám là dám sáng tạo, dám đấu tranh mở đường, dám giải quyết những bế tắc về đường lối, mở đường thắng lợi… Nói cách khác, người 4 dám là người mở đường đi trước thắng lợi” (Đại tướng Nguyễn Quyết).

Đổi mới, sáng tạo trên cơ sở kiên định

Lễ tang Đại tướng Nguyễn Quyết tại Nhà tang lễ Quốc gia ngày 27/12/2024. Ảnh: Báo Dân trí.

Lễ tang Đại tướng Nguyễn Quyết tại Nhà tang lễ Quốc gia ngày 27/12/2024. Ảnh: Báo Dân trí.

Là một trong những đồng chí lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và Quân đội sống đại thọ, vẫn minh mẫn làm việc đến những ngày tháng cuối cùng của cuộc đời mình, Đại tướng Nguyễn Quyết luôn nhắc nhở một phương châm: Để tiến lên phải đổi mới nhưng đổi mới, sáng tạo phải trên cơ sở kiên định.

Cá nhân ông có nhiều kỷ niệm đáng nhớ khi tham gia lãnh đạo thực hiện nghị quyết của Đại hội VI (12/1986) - Đại hội Đổi mới.

Tháng 5 năm 1989, sau khi đồng chí Nguyễn Quyết ra thăm và làm việc tại quần đảo Trường Sa, trở về Hà Nội được vài ngày, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh giao nhiệm vụ cho ông làm Trưởng đoàn đại biểu của Đảng ta đi dự Hội nghị Bí thư Trung ương Đảng phụ trách tổ chức các nước xã hội chủ nghĩa bàn về công tác xây dựng Đảng tại La-ha-ba-na (Cu-ba) từ ngày 6 đến ngày 7 tháng 7 năm 1989.

Đoàn đại biểu của Đảng Cộng sản Việt Nam do đồng chí Nguyễn Quyết - Trưởng đoàn, đồng chí Nguyễn Mạnh Can - Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương Đảng và đồng chí Nguyễn Phú Trọng - Ủy viên Ban biên tập Tạp chí Cộng sản (sau này là Tổng Bí thư BCH Trung ương Đảng).

Trong tình hình quốc tế diễn biến ngày càng phức tạp khi đó, Trưởng đoàn Nguyễn Quyết đã nêu vấn đề chuyên chính vô sản trong Đảng Cộng sản và xây dựng, củng cố đội ngũ đảng viên, phải giáo dục, rèn luyện đảng viên ở tất cả các cấp từ Trung ương đến cơ sở, từ người lãnh đạo cấp chiến lược đến đảng viên thường.

Sau này, đồng chí Nguyễn Phú Trọng - thành viên trong đoàn đánh giá: “Đối chiếu với sáu nguyên tắc cơ bản của Đảng ta đã nêu để chỉ đạo công cuộc đổi mới, đảng nào làm đúng như vậy thì thành công, đảng nào làm không đúng thì thất bại”.

Đại tướng Nguyễn Quyết qua đời ở tuổi 102.

Đại tướng Nguyễn Quyết qua đời ở tuổi 102.

Tiếp đó, Đại tướng Nguyễn Quyết còn tham gia hai hội nghị rất quan trọng là Hội nghị cán bộ lãnh đạo toàn quân năm 1989 và Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá VI).

Tại Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương (khoá VI), họp từ ngày 12 đến ngày 27 tháng 3 năm 1990 tại Hà Nội do đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh chủ trì, Đại tướng Nguyễn Quyết đã kịch liệt phê phán các khuynh hướng, các quan điểm sai trái, phản động đòi đa nguyên chính trị và đa đảng. Cuối cùng, Hội nghị này đã bỏ phiếu quyết định cách chức đối với 1 Ủy viên Bộ Chính trị vì đã tuyên truyền đa nguyên, đa đảng, vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc tổ chức và kỷ luật của Đảng.

"Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam kính viếng Đại tướng Nguyễn Quyết, người cộng sản kiên cường, đã tham gia lãnh đạo cách mạng Việt Nam, vị tướng tài ba của Quân đội nhân dân, người con ưu tú của quê hương Hưng Yên.

Cuộc đời cách mạng của đồng chí bắt đầu từ rất sớm, từ những ngày còn rất khó khăn của đất nước nhưng đồng chí đã giác ngộ rất lớn, đã nhận thức đúng con đường cách mạng của Đảng và tham gia lãnh đạo cách mạng, quân đội giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác, mang lại niềm vinh quang cho đất nước, cho quê hương...” (Tổng Bí thư Tô Lâm).

Trong mỗi giai đoạn cách mạng, đồng chí đều để lại những dấu ấn đậm nét, tiêu biểu như là người Bí thư Thành ủy Hà Nội quyết đoán, bản lĩnh, sáng tạo trong Tổng khởi nghĩa cách mạng tháng 8, vị chỉ huy liên khu 5 kiên cường, anh dũng trong kháng chiến chống Pháp, vị tư lệnh quân khu 3 "làm giàu, đánh thắng" trong kháng chiến chống Mỹ, nhà quân sự, nhà chính trị với những quyết sách đúng đắn, hợp lòng dân trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc…” (Chủ tịch nước Lương Cường).

Xem thêm
Man.City tìm lại cảm giác chiến thắng

Man 'xanh' bắt đầu lấy lại phong độ và quyết không bỏ cuộc khi giành thêm chiến thắng tại vòng 20 giải Ngoại hạng Anh 2024/2025.

Đội tuyển Việt Nam được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất

Ngày 6/1, Chủ tịch nước Lương Cường đã ký quyết định về việc tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất cho Đội tuyển bóng đá nam quốc gia.

Người dân Cần Thơ mãn nhãn màn đua thuyền buồm trên sông Hậu

Ngày 29/12, lần đầu tiên TP Cần Thơ tổ chức giải đua thuyền buồm, một hoạt động mới lạ trong chuỗi hoạt động chào mừng Ngày hội Du lịch - Đêm hoa đăng Ninh Kiều.