Khánh thành Nhà tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Bảo vệ đàn vật nuôi trước đợt rét đậm, rét hại. Rau quả Việt Nam có lợi thế tại Thụy Điển. Giá hồ tiêu bắt đầu chu kỳ tăng.
KHÁNH THÀNH NHÀ TƯỞNG NIỆM ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP
Tâm Phùng- Tâm Đức sản xuất
Ngày 14/12, UBND huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình tổ chức Lễ dâng hương và đưa vào hoạt động Nhà tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại thôn An Xá, xã Lộc Thủy.
Khu lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp, giai đoạn I với tổng mức đầu tư hơn 35,8 tỷ đồng, gồm hạng mục Nhà tưởng niệm được xây dựng trên phần đất liền thổ với Nhà lưu niệm Đại tướng. Công trình được thiết kế theo kiến trúc nhà Việt cổ, xây dựng bằng vật liệu truyền thống đặc trưng gồm: đá xanh, gỗ lim...
Công trình thể hiện tình cảm, lòng biết ơn, sự tri ân sâu sắc của Đảng bộ, chính quyền lực lượng vũ trang và nhân dân huyện Lệ Thủy đối với công lao, những cống hiến, đóng góp to lớn của Đại tướng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng, phát triển đất nước. Đây là địa chỉ đỏ quan trọng, nơi giáo dục truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước, niềm tự hào của nhân dân huyện Lệ Thủy nói riêng và cả nước nói chung đối với những công lao to lớn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
BẢO VỆ ĐÀN VẬT NUÔI TRƯỚC ĐỢT RÉT ĐẬM, RÉT HẠI
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, không khí lạnh có khả năng hoạt động mạnh trong tháng 12/2024 đến 1/2025 và gây ra các đợt rét đậm, rét hại kéo dài, đặc biệt tại các khu vực vùng núi phía Bắc, kèm theo hiện tượng sương muối, băng giá.
Trước diễn biến thời tiết như vậy, ngành nông nghiệp các tỉnh phía Bắc đề nghị các đơn vị, địa phương hướng dẫn người chăn nuôi chủ động nguồn thức ăn thô xanh, thức ăn tinh, bảo đảm cung cấp thức ăn tại chuồng, áp dụng chế độ chăn thả muộn, về sớm; tuyệt đối không chăn thả gia súc khi nhiệt độ xuống dưới 13 độ, giữ khô nền chuồng, che chắn tránh gió lùa; sưởi ấm cho gia súc; vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại,… Thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ đàn vật nuôi đề phòng dịch bệnh xảy ra; khi phát hiện gia súc bị bệnh phải có biện pháp can thiệp kịp thời; chuẩn bị tốt nhân lực, vật tư, vắc xin cho đợt tiêm phòng gia súc trong vụ đông xuân.
RAU QUẢ VIỆT NAM CÓ LỢI THẾ TẠI THỤY ĐIỂN
Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Thuỵ Điển thông tin, Thuỵ Điển là quốc gia nhỏ nhưng có mức thu nhập cao với nền kinh tế mở và hiện đại, là thị trường có tiềm năng lớn cho rau quả Việt Nam. Sự khác biệt về mùa vụ là lợi thế lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam. Trong khi Thụy Điển tự cung cấp một số sản phẩm như dưa chuột vào mùa hè, từ tháng 10 đến tháng 5, nhu cầu nhập khẩu tăng mạnh từ các nước có khí hậu ôn đới và nhiệt đới. Đây là cơ hội để rau quả tươi của Việt Nam.
Hiện, rau quả Việt Nam còn chiếm tỷ lệ chưa cao tại thị trường Bắc Âu này, Thương vụ Việt Nam tại thị trường Thuỵ Điển khuyến cáo, doanh nghiệp cần tập trung nâng cao chất lượng và tiêu chuẩn sản phẩm: Đảm bảo tuân thủ các yêu cầu về an toàn thực phẩm, chứng nhận bền vững và nhãn mác rõ ràng bằng tiếng Thụy Điển. Bên cạnh đó, tập trung phát triển sản phẩm hữu cơ, nghiên cứu chu kỳ mùa vụ khi xuất khẩu và xây dựng liên kết với các doanh nghiệp nhập khẩu chủ chốt.
GIÁ HỒ TIÊU BẮT ĐẦU CHU KỲ TĂNG
Hôm nay, 14/12, giá tiêu trong nước ổn định ở mức cao và tăng nhẹ từ 8.00 - 1.000 đồng/kg so ngày hôm qua, tuỳ từng địa phương. Hiện giá mua trung bình ở các địa phương ở mức 145.200 đồng/kg.
Cụ thể, giá tiêu thu mua ở tỉnh Gia Lai ở mức 144.000 đồng/kg (tăng 1.000 đồng/kg); giá tiêu tại Bình Phước, Bà Rịa – Vũng Tàu cùng ở mức 145.000 đồng/kg; Đắk Lắk ở mức 146.000 đồng/kg (tăng 1.000 đồng/kg) và giá tiêu ở Đắk Nông cũng ở mức 146.000 đồng/kg (tăng 800 đồng/kg) so với mức giá ngày hôm trước.
Theo các chuyên gia, giá hồ tiêu hiện đã bước qua chu kỳ giảm và đang bắt đầu chu kỳ tăng giá do nguồn cung sụt giảm. Tuy nhiên, do sức ép mua hàng vào đầu vụ chưa cao, các hộ nông dân không nên quá nôn nóng bán tiêu sớm, đặc biệt là không nên vay vốn để trữ tiêu nhằm tránh những rủi ro do biến động thị trường.