| Hotline: 0983.970.780

Đảm bảo nhu cầu sử dụng đất để phát triển bền vững

Thứ Sáu 04/04/2025 , 18:10 (GMT+7)

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Lê Minh Ngân cho rằng, việc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất nhằm đảm bảo nhu cầu để phát triển KT-XH, an ninh, quốc phòng.

Chiều 4/4, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Lê Minh Ngân đã có buổi làm việc với Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội về việc hoàn thiện hồ sơ điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đảm bảo nhu cầu sử dụng đất phục vụ phát triển kinh tế - xã hội

Thứ trưởng Lê Minh Ngân cho biết, sau gần 5 năm triển khai Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021–2030, tầm nhìn đến năm 2050, quy hoạch đã phát huy hiệu quả tích cực. Đây là căn cứ quan trọng để các bộ, ngành và địa phương thực hiện việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, thu hồi đất, công nhận quyền sử dụng đất… nhằm đáp ứng các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của từng địa phương và cả nước.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Lê Minh Ngân cho biết, quy hoạch cũng đảm bảo các chủ trương lớn của Đảng như: duy trì diện tích đất trồng lúa hợp lý để bảo đảm an ninh lương thực quốc gia; giữ tỷ lệ che phủ rừng đạt khoảng 42%. Ảnh: Trường Giang.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Lê Minh Ngân cho biết, quy hoạch cũng đảm bảo các chủ trương lớn của Đảng như: duy trì diện tích đất trồng lúa hợp lý để bảo đảm an ninh lương thực quốc gia; giữ tỷ lệ che phủ rừng đạt khoảng 42%. Ảnh: Trường Giang.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện cũng phát sinh một số vấn đề cần điều chỉnh do có sự thay đổi trong các quy định pháp luật liên quan đến quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trong Luật Đất đai năm 2024. Đồng thời, yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới đặt ra nhiều thách thức, đặc biệt khi Việt Nam phấn đấu đạt mức tăng trưởng kinh tế 8% trong năm 2025 và duy trì mức tăng trưởng hai con số trong những năm tiếp theo.

Trên cơ sở đó, Bộ đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội chấp thuận chủ trương điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia theo Nghị quyết số 174 ngày 30/11/2024.

Cập nhật quy hoạch để đáp ứng yêu cầu mới

Thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao về việc xây dựng, trình Quốc hội điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021–2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã tiến hành điều tra, khảo sát, xác định nhu cầu sử dụng đất.

Bộ cũng làm việc với các bộ, ngành, địa phương; tổng hợp ý kiến của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các chuyên gia, nhà khoa học để xây dựng phương án điều chỉnh quy hoạch, bảo đảm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội đến năm 2030.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội Đoàn Thị Thanh Mai đề nghị Bộ Nông nghiệp và Môi trường làm rõ hơn phần báo cáo thuyết minh, giải trình cụ thể các chỉ tiêu sử dụng đất. Ảnh: Trường Giang.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội Đoàn Thị Thanh Mai đề nghị Bộ Nông nghiệp và Môi trường làm rõ hơn phần báo cáo thuyết minh, giải trình cụ thể các chỉ tiêu sử dụng đất. Ảnh: Trường Giang.

Theo Thứ trưởng Lê Minh Ngân, bản quy hoạch lần này có nhiều điểm đổi mới so với trước, thể hiện trong việc quán triệt các chủ trương lớn của Đảng, gắn với quy hoạch tổng thể cấp tỉnh, có tính đến phát triển các ngành, lĩnh vực cụ thể. Nhận thức rõ quy hoạch sử dụng đất là quy hoạch trụ cột, nền tảng cho các ngành khác, Bộ đã chủ động trong công tác xây dựng và điều chỉnh quy hoạch.

Quy hoạch cũng đảm bảo các chủ trương lớn của Đảng như: duy trì diện tích đất trồng lúa hợp lý để bảo đảm an ninh lương thực quốc gia; giữ tỷ lệ che phủ rừng đạt khoảng 42%; và giảm phát thải khí nhà kính từ 8–9%.

Bộ cũng đề xuất nhiều giải pháp nhằm triển khai thực hiện điều chỉnh quy hoạch, bao gồm: Rà soát các chính sách liên quan đến quy hoạch và quản lý đất đai sau khi hoàn tất việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp cơ sở; Không tổ chức đơn vị hành chính cấp huyện; Đề xuất không lập kế hoạch sử dụng đất quốc gia giai đoạn 5 năm 2026-2030…

Đánh giá cụ thể việc thực hiện đến năm 2025

Ông Chu An Trường - Phó Cục trưởng Cục Quản lý đất đai - đã trình bày phương án điều chỉnh đối với các nhóm đất nông nghiệp (đất trồng lúa, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất là rừng tự nhiên) và nhóm đất phi nông nghiệp (đất quốc phòng, an ninh...). Đồng thời, ông cũng nêu các giải pháp triển khai cụ thể theo từng nhóm.

Bộ Nông nghiệp và Môi trường làm việc với Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội về việc hoàn thiện hồ sơ điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ảnh: Trường Giang.

Bộ Nông nghiệp và Môi trường làm việc với Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội về việc hoàn thiện hồ sơ điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ảnh: Trường Giang.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội Đoàn Thị Thanh Mai cho biết, để phục vụ công tác thẩm tra, Ủy ban đã tổ chức các đoàn kiểm tra việc thực hiện quy hoạch sử dụng đất tại một số địa phương. Qua đó cho thấy, một số chỉ tiêu còn triển khai chậm, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng còn nhiều vướng mắc.

Do đó, bà đề nghị Bộ Nông nghiệp và Môi trường cần đánh giá cụ thể hơn tình hình thực hiện quy hoạch tại các địa phương đến năm 2025; đồng thời làm rõ số liệu kiểm kê đất đai và diện tích rừng.

Trả lời vấn đề này, ông Phạm Ngô Hiếu - Phó Cục trưởng Cục Quản lý đất đai - cho biết, Cục đã phối hợp với Cục Lâm nghiệp tiến hành rà soát chi tiết số liệu, thậm chí đến cấp xã, để thống nhất số liệu trong hồ sơ điều chỉnh quy hoạch.

Xem thêm
Cảnh cáo và cho thôi các chức vụ đối với ông Nguyễn Văn Hiếu

Bộ Chính trị đề nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng xem xét cho thôi giữ chức Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng khóa XIII đối với ông Nguyễn Văn Hiếu.

Bình luận mới nhất