Theo lịch thời vụ, hoạt động nuôi cá lồng bè ở tỉnh Quảng Nam đã kết thúc nhằm tránh thiệt hại do mưa lũ gây ra. Tuy nhiên, một số hộ dân vẫn chấp nhận rủi ro thả nuôi trái vụ để cung cấp cá thương phẩm cho thị trường Tết Nguyên đán. Trong khi đó, năm nay, thiên tai xảy ra trên địa bàn tỉnh này không nhiều nên cá trong các lồng nuôi đang phát triển tốt, mang lại tín hiệu tích cực cho các chủ hộ.
Trên sông Tam Kỳ (TP Tam Kỳ, Quảng Nam) hiện còn 4 hộ nuôi các loại cá trắm cỏ, diêu hồng trong lồng bè. Gia đình ông Nguyễn Út (trú phường An Sơn, TP Tam Kỳ) đang có 8 lồng cá diêu hồng đã thả nuôi được hơn 5 tháng. Sau gần 2 tháng nữa, lứa cá của ông Út sẽ xuất bán, đúng vào thời điểm cuối năm, đây là dịp nhu cầu tiêu thụ của thị trường khá cao.
Ông Út cho biết, hiện giá cá diêu hồng đang ở mức trên dưới 60.000 đồng/kg. Năm nay, do chi phí thức ăn, con giống cũng như các vật tư đầu vào tăng mạnh nên người nuôi lãi không đáng kể. “Thường vào cuối năm, mặt hàng thủy sản khan hiếm nên giá cá sẽ tăng, có năm lên đến 90.000 đồng/kg. Với 8 lồng cá này, tôi dự tính thu khoảng 6 tấn, hi vọng sẽ có nguồn thu lớn. Dù biết việc nuôi cá trái vụ này như đánh cược nhưng rất may thời tiết năm nay ủng hộ nên gia đình cũng phấn khởi”, ông Út chia sẻ.
Theo những người dân nuôi cá lồng bè trên sông Tam Kỳ, những năm qua, giá cá nuôi thương phẩm hoàn toàn phụ thuộc vào thương lái. Việc nuôi cá đúng vụ đảm bảo được yếu tố an toàn nhưng các chủ lồng thu hoạch 1 lần, sản lượng nhiều nên thường bị thương lái ép giá, có thời điểm giá cá xuống thấp, người dân thậm chí chỉ lấy công làm lãi.
Do đó, vụ này, ông Nguyễn Vĩnh Hiển (xã Tam Phú, TP Tam Kỳ) cũng đã chấp nhận rủi ro để đầu tư thả nuôi cá chẽm trái vụ. “Dự tính dịp Tết tôi sẽ xuất bán khoảng 4 tấn cá. Thông thường, thời điểm cuối năm lợi nhuận trên mỗi kg cá sẽ tăng thêm khoảng 10.000 đồng, gia đình sẽ có 1 cái Tết đủ đầy”, ông Hiển kỳ vọng.
Tại sông Cổ Cò đoạn qua phường Cẩm An và phường Cửa Đại (TP Hội An) hiện cũng đang có hàng chục lồng bè nuôi các loại cá măng, diêu hồng, cá bớp chờ cung ứng cho thị trường Tết. Theo ông Lê Công Sỹ, Chủ tịch UBND phường Cửa Đại, ngay từ đầu mỗi vụ nuôi hằng năm, chính quyền đã tuyên truyền, vận động các hộ nuôi cá tuân thủ lịch thời vụ, thu hoạch trước khi bão lũ để tránh thiệt hại. “Việc nuôi cá trái vụ chúng tôi không khuyến khích. Các hộ nuôi tùy điều kiện để lại ít cá để bán lúc Tết thì cần tính toán hợp lý”, ông Sỹ nói.
Ông Võ Văn Long, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Nam cho biết, khi ban hành lịch thời vụ nuôi trồng thủy sản, ngành chức năng cũng đã tính toán các điều kiện thời tiết nhằm tránh thiệt hại cho người dân. Cùng với công tác tập huấn, người dân cũng đã được nhắc nhở để tuân thủ theo lịch thời vụ.
“Chủ trương của tỉnh là nuôi thủy sản bền vững, các nông hộ nuôi cá không nên đầu tư theo kiểu “đánh bạc với trời” hay “may nhờ rủi chịu” mà cần cân nhắc, tính toán, đầu tư theo hướng chuyên môn hóa, xóa bỏ tự phát, manh mún, mạnh ai nấy làm. Với những hộ còn nuôi cá để bán trong dịp Tết cần theo dõi kỹ thời tiết để ứng phó, nên bổ sung vitamin, khoáng chất, men vi sinh để tăng sức đề kháng cho cá nuôi”, ông Long khuyến cáo.
Theo thống kê của Chi cục Thủy sản Quảng Nam, trong năm 2023, trên địa bàn tỉnh có 2.450 lồng bè nuôi các loại cá nước mặn, lợ, chủ yếu là cá mú, cá dìa, măng hồng, chẽm. Ngoài ra, nuôi cá lồng trên sông Tam Kỳ và trong lòng hồ chứa đạt 600 lồng với nhóm đối tượng cá nuôi chủ yếu là diêu hồng, trắm, trôi, mè, chép, cá lóc, cá trê và một số thủy đặc sản khác như cá chình, cá lăng nha và ếch. Sản lượng nuôi cá lồng bè trong năm 2023 ước tính đạt 15.000 tấn.