Dẫn chúng tôi đi tham quan những bè cá nằm nối đuôi nhau trên khúc sông dài, anh Tuấn chia sẻ: Năm 2016, tình cờ xem ti vi thấy mô hình nuôi cá diêu hồng cho lãi cao nên anh bắt đầu học tập kinh nghiệm các mô hình nuôi cá ở địa phương trong và ngoài tỉnh. Khi đã nắm vững kỹ thuật, anh đầu tư 300 triệu đồng xây dựng 10 lồng nuôi cá diêu hồng trên sông Trí. Sau một vài lần thất bại, nhưng với sự quyết tâm, đến nay mô hình của anh đã mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Theo anh Tuấn, để đảm bảo nuôi cá diêu hồng đạt hiệu quả, khâu chuẩn bị, chọn vị trí đặt lồng và thiết kế lồng bè nuôi phải đảm bảo kỹ thuật. Vị trí đặt lồng bè không bị ảnh hưởng bởi mưa lũ, mực nước không bị thay đổi đột ngột, không có dòng xoáy, vùng nuôi trong hồ có mặt thoáng lớn, nước trong hồ luôn dao động.
Ngoài ra, việc chọn giống và thả giống cũng hết sức quan trọng. Cá giống phải có nguồn gốc rõ ràng, có kích thước đồng đều, cá khỏe mạnh, phản xạ nhanh, màu sắc bóng bẩy, không có dấu hiệu bệnh tật, không bị xây xát, dị hình. Mật độ và kích cỡ cá giống từ 8 - 10cm. Vận chuyển cá trong túi có bơm oxy. Nên chọn thời điểm thả cá giống vào lúc trời mát, thả vào sáng sớm hoặc chiều mát, không nên thả lúc nắng nóng hoặc mưa to.
Về kỹ thuật chăm sóc cá diêu hồng lồng bè, anh Tuấn cho biết: Thức ăn cho cá chủ yếu là tinh bột và được bổ sung thêm đạm từ các loài cá tạp. Giai đoạn nhỏ cho ăn 3 - 4 lần/ngày, cá lớn 2 lần/ngày. Định kỳ bổ sung vào thức ăn các loại khoáng, vi chất, vitamin C, củ tỏi… Đồng thời cần có các biện pháp phòng và trị bệnh cho cá và phải tiến hành đồng bộ với việc vệ sinh lồng lưới, đáy lồng lưới, cải thiện môi trường thường xuyên nhằm nâng cao sức đề kháng cho cá.
Cũng theo anh Tuấn, cá diêu hồng dễ nuôi, ít bệnh, đem lại hiệu quả kinh tế cao, cùng với đó điều kiện tự nhiên tại địa phương khá thuận lợi nên anh quyết tâm mở rộng mô hình. Hiện nay, mô hình của anh có diện tích 1.200m2 với 26 lồng nuôi, gồm 3 loại lồng (108m3, 160m3, 60m3).
Cá diêu hồng có chất lượng thịt thơm ngon, thịt không quá nhiều xương, đặc biệt có hàm lượng mỡ cao nên ăn rất béo. Đến ngày thu hoạch, thương lái sẽ thu mua tận nơi. Giá bán cho thương lái từ 50.000 - 60.000 đồng/kg. Tùy theo kích cỡ của cá khi thu hoạch, giá bán ra có thể sẽ cao hơn rất nhiều nếu đạt trọng lượng hơn 1kg/con. Mỗi năm anh Tuấn thu hoạch khoảng 30 - 40 tấn cá, sau khi trừ chi phí lãi gần 1 tỷ đồng.
Theo ông Nguyễn Mạnh Tấn, Phó Chủ tịch UBND xã Kỳ Hoa, mô hình nuôi cá diêu hồng bằng lồng bè của anh Phạm Khánh Tuấn mang lại hiệu quả kinh tế cao tại địa phương, đã tạo thêm niềm tin và động lực cho nhiều hộ dân học tập, làm theo. Anh Tuấn cũng không ngần ngại truyền đạt kinh nghiệm để mọi người có thể làm giàu từ mô hình nuôi cá diêu hồng. Chính quyền địa phương cũng khuyến khích các hộ dân đến học tập kinh nghiệm để nhân rộng, nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế địa phương.