| Hotline: 0983.970.780

Hội nghị Lương thực thực phẩm toàn cầu

Dành nguồn tài chính, khoa học nhiều hơn cho nông hộ nhỏ

Thứ Ba 25/04/2023 , 20:08 (GMT+7)

Các diễn giả của phiên 5 Hội nghị lương thực thực phẩm toàn cầu đồng ý, rằng mỗi quốc gia cần nghiên cứu để tìm ra con đường đi riêng.

Ông Adam Gerstenmier phát biểu mở đầu tại phiên 5. Ảnh: Tùng Đinh.

Ông Adam Gerstenmier phát biểu mở đầu tại phiên 5. Ảnh: Tùng Đinh.

Thúc đẩy yếu tố trọng tâm là con người

Diễn ra trong sáng 25/4, Phiên 5 của Hội nghị toàn cầu lần thứ 4 Hệ thống lương thực, thực phẩm bền vững có chủ đề: “Thúc đẩy chuyển đổi thông qua khoa học, tài chính, quyền con người và sáng tạo”.

Phát biểu đề dẫn, người điều hành hội nghị, Adam Gerstenmier, Tham mưu trưởng cho Đặc phái viên của Tổng thư ký Liên hợp quốc tại Hội nghị thượng đỉnh về Hệ thống lương thực năm 2021 cho biết, nội dung của phiên thứ 5 khá rộng, bao trùm nhiều ngành nghề trong xã hội.

Theo ông, những nội dung này có thể tác động trực tiếp hoặc gián tiếp, nhưng hầu hết đều mang đến nhiều ảnh hưởng để thúc đẩy quá trình phát triển nền nông nghiệp theo hướng bền vững.

Đặc biệt, nội dung “quyền con người” rất phù hợp với quan điểm của Liên hợp quốc trong Chương trình nghị sự 2030. Mọi kế hoạch, chinh sách đều đặt con người làm trung tâm, lấy con người làm mục tiêu hưởng lợi cao nhất.

Nhận câu hỏi về khía cạnh khoa học trong quy hoạch phát triển quốc gia, ông Meles Mekonnen, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Ethiopia nêu thực tế tại nước này. Theo đó, trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, nhiều quốc gia phải nhập khẩu hàng triệu tấn cỏ để duy trì đàn gia súc. Trong khi đó, Ethiopia lại có tiềm năng lớn về mặt hàng này.

Trên thực tế đó, Chính phủ Ethiopia đã ra quyết định phải xây dựng và phát triển mặt hàng cỏ. Dựa trên kinh nghiệm này, ông Mekonnen nhận xét, trước khi xây dựng chiến lược phát triển khoa học, các bộ, ngành cần cùng nhau thỏa luận để xem tiềm năng quốc gia là gì.

Bên cạnh đó, cần phối hợp các nhà tài trợ. Ông dẫn ví dụ, rằng để có thể phát triển chương trình khoa học sát thực tiễn, cần phát huy tối đa cấu trúc đất. Từ đó, cân đối lượng phân bón, giống phù hợp, xây dựng hệ thống tưới tiêu lớn, giúp người nông dân có thêm điều kiện để phát triển mùa màng.

"Chúng tôi cũng có những chương trình khuyến nông rất mạnh mẽ. Dịch vụ này có thể là xem là đầu vào cho sản xuất nông nghiệp. Kết quả, là từ một nước nhập khẩu, Ethiopia trở thành nước xuất khẩu cỏ thành công", vị Bộ trưởng chia sẻ.

Phiên 5 gồm 2 cuộc thảo luận nhỏ. Tại đó, mỗi diễn giả sẽ được đặt câu hỏi và chia sẻ kinh nghiệm của bản thân. Ảnh: Tùng Đinh.

Phiên 5 gồm 2 cuộc thảo luận nhỏ. Tại đó, mỗi diễn giả sẽ được đặt câu hỏi và chia sẻ kinh nghiệm của bản thân. Ảnh: Tùng Đinh.

Không thể không nhắc đến yếu tố tài chính trong phát triển kinh tế. Bộ trưởng Meles Mekonnen cho rằng, cần phát huy nguồn tài chính từ tư nhân, bên cạnh việc vay vốn theo cách truyền thống từ ngân hàng, các quỹ tín dụng, hoặc những chương trình ngân sách Nhà nước.

Lãnh đạo Ethiopia nhận xét, mỗi phương pháp sẽ có một rủi ro và thách thức riêng. Vấn đề với người dân, doanh nghiệp là linh hoạt, thích ứng với từng yêu cầu của thị trường, cũng như sự thay đổi nhanh chóng của nhu cầu khách hàng.

Đồng quan điểm, ông Joe Phelan, Giám đốc Điều hành Châu Á Thái Bình Dương, WBCSD và Tổ chức Đồng sáng lập, Mạng lưới Tài chính Thực phẩm Tốt nói, trong tổ chức của ông có khoảng 200 doanh nghiệp.

Lấy ví dụ từ một doanh nghiệp lớn là C.P của Thái Lan, ông Phelan thừa nhận, khối tư nhân giữ vai trò ngày càng quan trọng trọng việc thúc đẩy khoa học như xây dựng mô hình canh tác lúa bền vững, cà phê cảnh quan. Nguyên nhân, bởi doanh nghiệp là những người gần người dân nhất, chịu từ trách nhiệm nguyên liệu đầu vào đến sản phẩm đầu ra.

Quan tâm hơn đến nông hộ nhỏ

Ông Saboto Caesar, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp, Thủy sản, Chuyển đổi Nông thôn, Công nghiệp và Lao động St. Vincent and the Grenadines nhận xét, khi xây dựng hệ thống lương thực thực phẩm không thể tách rời khỏi những diễn biến của cây trồng ở giai đoạn trước và sau điều chỉnh.

"Đa dạng" là từ được ông Caesar liên tục nhắc lại, bắt đầu từ việc đa dạng hóa cây trồng lĩnh vực nông nghiệp. Sau khi đã có nhiều cây trồng độc canh thì cần phải xây dựng hệ thống trang trại… có như vậy việc chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm mới hiệu quả.

Ông Saboto Caesar cũng chia sẻ câu chuyện về cách mà đất nước ông hành động để giảm đáng kể nghèo đói trong nước, nhằm đảm bảo quyền con người.

Ban đầu, quốc gia này tăng cường hợp tác với tổ chức FAO để thực hiện chiến dịch “không còn nạn đói, không còn suy dinh dưỡng”. Từ ý tưởng hay, đảo quốc này cụ thể hóa bằng những nỗ lực và hành động để chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm trên phạm vi rộng. Yếu tố quan trọng nhất trong hành trình này, là tập hợp sự ủng hộ, cùng nỗ lực của mọi tầng lớp nhân dân.

Song song với đó, cấp quốc gia cần huy động được nguồn hỗ trợ từ các doanh nghiệp và tranh thủ sự ủng hộ, tài trợ từ các quốc gia tương đồng. Chừng nào, các nước cùng đồng tâm hiệp lực với ý chí chính trị mạnh mẽ thì việc triển khai mới thuận lợi.

Vấn đề quyền con người cũng được Bộ trưởng Caesar nhắc đến khi đề cập đến vấn đề lao động và khả năng của con người trong việc tìm kiếm thực phẩm nuôi sống mình. Phải có hệ thống đảm bảo người dân có quyền tiếp cận với thực phẩm kể cả khi họ thất nghiệp.

Các đại biểu dự phiên 4 vào sáng 25/4. Ảnh: Tùng Đinh.

Các đại biểu dự phiên 4 vào sáng 25/4. Ảnh: Tùng Đinh.

Về huy động tài chính vào việc phát triển hệ thống lương thực thực phẩm, ông kêu gọi sự tham gia của cả nguồn lực từ hệ thống công và tư nhân. "Chúng ta đang nói về những nông hộ nhỏ, họ không có sự đảm bảo để tiếp cận nguồn vốn vay. Trong từng quốc gia chúng ta đều cho rằng cần tập trung vào những đối tượng phụ thuộc vào nguồn ngân sách công", ông bộc bạch.

Khi phân tích các tác động chính sách ở cấp độ toàn cầu với sự tham gia của các nhà sản xuất ở các chuỗi cung ứng, cần tính toán đến khả năng tham gia của người nông dân. Bởi lẽ, nông hộ nhỏ đang thiếu những yếu tố cần thiết để có thể canh tác không ảnh hưởng đến môi trường và thu hồi nguồn vốn. Do đó, khi đầu tư tài chính cần phải nhận định thận trọng, cẩn thận và chỉ rõ ai sẽ là người hỗ trợ trong cả quá trình đó.

Ông Gunther Beger, Giám đốc điều hành UNIDO chia sẻ, cần cụ thể hơn các giải pháp đổi mới ở tất cả các lĩnh vực như cơ sở hạ tầng, công nghệ chế biến, bảo quản, tiêu thụ... Đồng thời, muốn chuyển đổi thành công thì tất cả các chủ thể phải có sự phối hợp với nhau.

Thông qua hội nghị tại Hà Nội, sự chia sẻ, học hỏi lẫn nhau, theo ông là yếu tố quan trọng bậc nhật. "Việt Nam là một quốc gia có những bước chuyển biến mạnh mẽ trong việc phát triển hệ thống lương thực thực phẩm, do đó những kinh nghiệm của Việt Nam là vô cùng quý báu. Đồng thời, tất cả chúng ta cần có sự nỗ lực chung để tổ chức thực hiện", ông Gunther Beger bày tỏ.

Theo thống kê, nước Đức đã phải huy động 660 tỷ Ero chi tiêu cho các hoạt động để vượt qua đại dịch Covid-19, nhằm hạn chế tỷ lệ tử vong. Một thực tế là nạn đói đang gây ra số ca tử vong không nhỏ. Do đó, nếu chúng ta có ý chí chính trị mạnh mẽ thì, nhận thấy việc phải chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm là cần thiết thì phải bắt tay vào cuộc mạnh mẽ thì mới có thể chuyển đổi thành công.

Bà Nadine Gbossa điểm lại một số nội dung chính trong phiên 4. Ảnh: Tùng Đinh.

Bà Nadine Gbossa điểm lại một số nội dung chính trong phiên 4. Ảnh: Tùng Đinh.

Tổng kết lại phiên 4, bà Nadine Gbossa, Trưởng phòng phương án thực hiện,  Trung tâm điều phối hệ thống lương thực Liên hợp quốc một lần nữa nhấn mạnh lại vai trò của nông hộ. Khu vực này chiếm khoảng 30% lực lượng sản xuất và chiếm vị trí quan trọng khi duy trì hệ thống thực phẩm toàn cầu.

Những nguồn lực hỗ trợ, được bà gọi là "phương tiện hành động", để kêu gọi các cơ quan chính phủ, các tổ chức nghiên cứu khoa học, khu vực tư nhân, cùng tham gia vào việc chuyển đổi lương thực thực phẩm. "Đây là trách nhiệm, nghĩa vụ, cũng là quyền lợi của chúng ta", bà nói.

Dù đồng lòng, vị chuyên gia của Liên hợp quốc thừa nhận, giữa mong muốn và hành động thực tế có độ chênh. Do đó, cần phải xác định rõ trong các chương trình, kế hoạch. Ngay cả các quốc gia có nguồn lực tốt, dù đề ra mục tiêu cao nhưng khó đạt được nếu có "phương tiện hành động".

Cuối cùng, bà kêu gọi các quốc gia quan tâm nhiều hơn đến việc hỗ trợ cho phụ nữ. Điều này, theo bà phụ thuộc vào sự chủ động của mỗi nước.

Xem thêm
Tổng Bí thư: Tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần

Tổng Bí thư lưu ý, việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần, kết quả đạt được vừa qua rất quan trọng nhưng mới chỉ là bước đầu.

Việt Nam cam kết chuyển giao kỹ thuật sản xuất lúa gạo hỗ trợ Ma Rốc

Cần Thơ Ma Rốc đang nỗ lực cải thiện sản xuất lúa gạo trong nước, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cam kết chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao kỹ thuật cho nước bạn.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Làng nướng cá Diễn Vạn đỏ lửa

Nghề nướng cá tại đất biển Diễn Vạn có từ hàng chục năm rồi, bất kể nắng mưa, những bếp lửa rực đỏ bốn mùa, người làm tất bật từ sáng sớm đến đêm khuya.

Bình luận mới nhất