Tối 26/8, Sở Văn hoá và Thể thao tỉnh Lào Cai công bố công nhận thác Cát Cát là di tích danh lam thắng cảnh cấp tỉnh.
Thác Cát Cát nằm trong địa phận bản Cát Cát thuộc xã Hoàng Liên (Sa Pa, Lào Cai). Từ xa xưa đến nay, sinh sống ở khu vực đây chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông.
Trước đó, vào đầu thế kỷ 20, người Pháp đã phát hiện và chọn Cát Cát làm nơi nghỉ dưỡng cho các quan chức.
Tên gọi Cát Cát (đọc chệch từ tiếng Pháp cascade) được người Pháp đặt tên cho một dòng thác nhỏ ở trung tâm tâm thôn Cát Cát khi mới bắt đầu đến nơi đây. Trong tiếng Pháp, từ “cascade” có nghĩa là thác nước. Ngoài ra, người dân sống trong thôn còn cho biết tên gọi của thác theo tiếng Mông là "ca ca” có nghĩa là cuối chợ, sau chợ.
Thác Cát Cát là một dòng thác nhỏ với độ cao khoảng 30m đổ xuống khu vực hợp lưu 3 dòng suối quan trọng của Sa Pa gồm suối Vàng, suối Mường Hoa, suối Phềnh Hù. 3 dòng suối này hợp lưu tại trung tâm thôn Cát Cát rồi xuôi theo dòng của suối Mường Hoa đổ về khu vực Tả Van.
Đặc biệt, vào tháng 10 năm 1925, một nhà máy thủy điện cỡ nhỏ đã được hình thành cạnh thác Cát Cát và là một trong những công trình thủy điện đầu tiên ở Việt Nam cũng như ở Đông Dương. Nhà máy này được người Pháp đầu tư và xây dựng.
Thông qua kết quả đánh giá, khảo sát đặc điểm, cũng như tính chất cơ bản của di tích cho thấy thác Cát Cát có lưu lượng thất thường với sự thay đổi rõ rệt theo mùa.
Cấu tạo địa hình địa mạo của khu vực này hoàn toàn do tạo hóa của tự nhiên và sự kiến tạo địa chất kéo dài hàng triệu năm, cùng với bàn tay tôn tạo của con người đã làm nổi bật vẻ đẹp hoang sơ tự nhiên của nơi đây.
Cho đến nay, trên địa bàn thị xã Sa Pa có 8 danh lam thắng cảnh, trong đó có 4 di tích cấp quốc gia và 4 di tích cấp tỉnh.